Tinh hoa Việt

Chuyện khó tin về ‘kế hoạch sinh tồn’

PHAN QUANG VŨ 01/05/2024 09:36

Không chỉ giới siêu giàu mà một số người thuộc tầng lớp trung lưu ở Mỹ đã chi nhiều tiền để chuẩn bị nơi trú ẩn với mong muốn sống sót khi thảm họa ập đến.

2(4).jpg
Cửa vào một “hầm sống sót” được giới siêu giàu xây dựng ở một vùng hẻo lánh cách thành phố Kansas (Mỹ) gần 300km.

Tại bang South Dakota, một khu đất từng thuộc sở hữu quân đội đã chuyển mình thành khu trú ẩn Vivos xPoint với 575 hầm, có sức chứa lên đến 5.000 người. Đây là dự án của Công ty Vivos. Mỗi hầm trú ẩn có giá dao động từ 25.000 USD cho đến hàng triệu USD tùy theo thiết kế và nội thất, tiện nghi bên trong. Cũng như việc “cấp đông” thi thể, rút lui khỏi cuộc sống đô thị, thì việc “trốn xuống đất” được gọi chung là “kế hoạch sinh tồn”, như một hiện tượng xã hội nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Ngành công nghiệp đi trốn

Mỗi hầm có diện tích khoảng 200 m2 trở lên, tùy yêu cầu của khách hàng và được xây dựng với bức tường bê tông cốt thép vững chắc, chịu được động đất, bom nguyên tử và cả thiên thạch va chạm vào trái đất - theo quảng cáo của Vivos. Nếu muốn sở hữu một căn hầm cao cấp với diện tích 560 m2 có 3 phòng ngủ, 2 nhà tắm cùng nội thất cao cấp thì phải bỏ ra khoảng 3 triệu USD.

Ông Robert Vicino - nhà sáng lập Công ty Vivos cho biết, nhiều khách hàng chỉ quan tâm độ an toàn cấu trúc trong khi số khác chăm chú vào tiện nghi. “Hầm cao cấp của giới siêu giàu có diện tích bằng cả một siêu thị, bao gồm cả hồ bơi, thác nhân tạo, vườn trồng rau, phòng tập gym, trường bắn nhỏ, spa và đủ thứ tiện nghi khác” - ông Vicino nói, và cho biết thêm chủ nhân của các căn hầm này đều trang bị vũ khí nên “bất kỳ ai có suy nghĩ đột nhập vào sẽ là sai lầm lớn”.

Theo CNN, trong vòng 10 năm qua, Công ty Vivos đã xây dựng 3 dự án khu trú ẩn ở nhiều nơi trên đất Mỹ. Điều đó cho thấy nỗi hoảng sợ đeo bám và những người thực hiện các dự án “trú ẩn” đã đánh trúng tâm lý. Đó là cách kinh doanh trên nỗi sợ của người khác.

CNN dẫn trường hợp kỹ sư Milton Torres (42 tuổi) đã quyết định tới sống trong căn hầm rộng 200 m2 (giá 25.000 USD) ở khu trú ẩn tập thể South Dakota. “Thế giới không ngừng thay đổi. Tôi thậm chí không còn nhận ra cái gì thật - giả. Mình phải tự lo cho mình trước” - ông Torres nói.

Theo CNBC - một kênh tin tức kinh doanh trả tiền của Mỹ, ngày càng nhiều người Mỹ lo ngại hoặc chuẩn bị sẵn sàng cho sự sụp đổ kinh tế, xã hội và môi trường. Dẫn lời nhà nhân chủng học Chad Huddleston thuộc Đại học South Illinois, CNBC cho hay trước đây hầm trú ẩn chỉ được biết đến với giới siêu giàu. Tuy nhiên, đến nay ý tưởng chuẩn bị ứng phó với những mối bất ổn de dọa tới mạng sống đã lan sang tầng lớp trung lưu.

Chưa hết, tiến sĩ Huddleston còn cho rằng nhu cầu đối với hầm trú ẩn gia tăng có thể xuất phát từ bão Katrina hồi năm 2005. “Kể từ sự kiện đó, nhiều người thay đổi nhận thức về nguy cơ hứng chịu thảm họa nghiêm trọng thường xuyên do biến đổi khí hậu. Đáng nói là nhiều người mua hầm trú ẩn còn với mục đích để nghỉ dưỡng cuối tuần, hưởng thụ tuổi già sau khi về hưu hoặc để con cháu thừa hưởng” - theo tiến sĩ Huddleston.

Trong khi nhiều người cho rằng không đến nỗi phải lo xa như vậy vì khoa học sẽ có cách giải quyết, thì cũng có những người do lo sợ chiến tranh hạt nhân, thiên thạch hay thiên tai hủy diệt Trái đất đã tìm đến giải pháp “trốn xuống đất” trong những căn hầm trú ẩn. Từ đó, ở Mỹ đã hình thành khái niệm "ngành công nghiệp đi trốn".

Liên quan đến việc “đi trốn” của giới tỷ phú, nhà lý luận truyền thông người Mỹ Douglas Rushkoff cho rằng thực chất họ đang tìm cách thoát khỏi thế giới do chính họ tạo ra. Đó là thế giới nơi con người tôn sùng, phục tùng và phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ. “Đây là hậu quả của tình trạng độc quyền công nghệ khi những gã khổng lồ công nghệ trên thế giới sử dụng lợi thế riêng để khiến giá dịch vụ tăng lên nhưng chất lượng thì giảm xuống. Họ “đi trốn” là do trong trường hợp thảm họa ập đến, họ sẽ là những người sống sót cuối cùng và tự do định hình lại thế giới mới theo mong muốn. Đây là một mô thức tư duy độc hại” - ông Rushkoff nói.

1(7).jpg
Cư dân Riverbed Ranch tự đóng gạch xây nhà thực hiện cộng đồng tự cung tự cấp. Ảnh: ic.org.

Cộng đồng tự cung tự cấp

Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ tới việc “trốn” xuống đất. Câu chuyện về cộng đồng sống tách biệt trong sa mạc bang Utah (vùng Trung Tây nước Mỹ) hé mở một góc nhìn khác. Đó là cộng đồng tự cung tự cấp.

Riverbed Ranch do cộng đồng mang tên "Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động tự lực Utah" thành lập gồm 135 thành viên, nhằm thực hiện một mục tiêu duy nhất: Sống tự cung tự cấp sẵn sàng đối phó nếu xảy ra thảm họa. Mùa hè năm 2019, ông Jesse Fisher cùng 15 hộ gia đình bắt tay vào xây dựng trên khu đất Riverbed Ranch rộng 503 ha.

Giải thích trên trang Business Insider (Mỹ), ông Fisher nói: "Trong đại dịch Covid-19, tôi có nhiều người hàng xóm bị mất nhà cửa do thất nghiệp. Tôi nghĩ thật ngớ ngẩn khi gặp vấn đề này và tại sao chúng ta không tìm cách giải quyết bằng cách quan tâm đến kỹ năng sinh tồn”.

Ông Fisher còn cho biết thêm, hiện những người sống ở Riverbed Ranch cảm thấy an toàn hơn khi tự trồng lương thực, dự trữ nước và không phụ thuộc vào các hệ thống phức tạp.

Trong khi đó, ông Philip Gleason (73 tuổi) là người sáng lập cộng đồng Riverbed Ranch, cho biết ông tham gia vào cộng đồng tự cung tự cấp này sau một trải nghiệm đau đớn cách đây nhiều thập niên. Lúc đó, ông là người cha trẻ của ba con gái nhỏ sống trong bãi đậu xe kéo nông thôn gần nơi làm việc ở Idaho. Một ngày mùa đông khắc nghiệt, điện cúp lúc nửa đêm. Nước uống đóng băng, nhiệt độ giảm nhanh, nhà không còn gì nấu cho các con ăn.

Lúc đó, ông Gleason chợt nhận ra họ đã sống quá phụ thuộc vào các yếu tố xã hội, kinh tế và công nghệ phức tạp. Từ đó, nỗi ám ảnh làm thế nào để sống ít phụ thuộc hơn đeo bám lấy ông nhiều năm.

Ông bắt đầu nghiên cứu nông nghiệp bền vững, dự trữ đồ hộp và tham khảo các cộng đồng sống không cần lưới điện thông thường. "Tôi cảm thấy khá hài lòng với những gì mình đạt được, nhưng sau đó tôi lại nghe tiếng thì thầm trong tâm trí: Bạn sẽ làm gì nếu vấn đề kéo dài hơn hai tuần so với nguồn lực đã dự trữ? Từ đó tôi nghĩ phải xây dựng một cộng đồng tự cung tự cấp để nương dựa vào nhau” - ông Gleason nói và cho biết, cộng đồng “đi trốn” này đã tự trang bị hệ thống pin mặt trời và cơ sở hạ tầng phục vụ trồng trọt.

“Hợp tác xã nông nghiệp ra đời để mọi người chia sẻ lương thực trồng được với mục tiêu trồng đủ lương thực cho cư dân Riverbed Ranch trong trường hợp các nguồn lực bên ngoài không còn nữa” - ông Gleason nói.

Bà Priscilla Hart cho biết, đến nay đã có 40 gia đình sống toàn thời gian trong Riverbed Ranch. Cộng đồng có phòng y tế, trạm cứu hỏa, kho xăng dầu, cửa hàng, nhà máy trộn cát đá... có nghĩa là tự họ có thể lo được cho cuộc sống.

Theo nhà văn Evan Malmgren, người đã từng “sống thử” ở Riverbed Ranch, họ không hẳn là những người muốn sống tách biệt với xã hội, mà họ cố gắng tự lo cho bản thân để có thể sống sót trong trường hợp thảm họa xảy ra. Malmgren cho rằng rất có thể khái niệm “đi trốn” xuất hiện sau ngày 11/9/2001 khi nước Mỹ bị khủng bố tấn công. Chính quyền đã đột ngột hướng dẫn người dân dự trữ băng keo, sản xuất bộ dụng cụ sinh tồn và chuẩn bị phương án sơ tán.

Còn theo tiến sĩ triết học Joseph T.F.Roberts (Canada) trong những năm gần đây, đội ngũ những người “đi trốn” nhiều lên hơn nhờ các chương trình truyền hình thực tế về sinh tồn. Các chương trình đó đã mô tả những người “đi trốn” xuất phát từ lo sợ xã hội bất ổn, thảm họa môi trường hay hệ thống tiền tệ sụp đổ. Nên họ thường tích trữ thực phẩm, nước uống, rượu, đạn và kim loại quý như vàng, bạc. Cùng với việc mua hầm trú ẩn thì nhiều người rời bỏ địa bàn đông dân cư về vùng nông thôn sống theo kiểu tự cung tự cấp.

“Trào lưu “trốn xuống đất” hay cộng đồng tự cung tự cấp là một vấn đề của xã hội đương đại. Cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng thay vì vội vã nhạo báng hoặc cho đó là những kẻ lập dị, hèn nhát. Quan trọng là nâng lên sức mạnh tinh thần của con người, gây dựng ý thức cộng đồng rộng lớn thay vì chỉ lo cho bản thân hay một cộng đồng nhỏ hẹp. Vì thực ra điều đó rất vô nghĩa nếu như thảm họa ập đến, cho dù họ có sống sót đi chăng nữa” - tiến sĩ T.F.Roberts nói.

anh-4.png
Thùng nitơ lỏng Trung tâm Kéo dài sự sống Alcor, bảo quản thi thể nhiều năm. Nguồn: GOST.

Trung tâm kéo dài sự sống

Mong muốn bất tử là khát khao lớn nhất của loài người. Nhưng sau hàng nghìn năm nung nấu tìm cho ra các phương thuốc trường sinh, “cải lão hoàn đồng” không có kết quả, tới nay dựa vào khoa học, người ta xoay sang cách khác. Đó là chờ hồi sinh bằng cách đông lạnh thi thể.

Trong câu chuyện này, ở Mỹ, Trung tâm Kéo dài sự sống Alcor đang nổi như cồn.

Năm 1972, sau khi xem một chương trình khoa học viễn tưởng cho trẻ em có tên Time Slip (Bước nhảy thời gian), nói về các nhân vật bị đóng băng, Max More đã nảy ra ý tưởng đông lạnh cơ thể người để chờ hồi sinh. Đây là tiền đề quan trọng cho những đóng góp sau này của ông đối với ngành y học.

More là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trung tâm Alcor, được coi là trung tâm đông lạnh cơ thể người lớn nhất thế giới.

Đông lạnh xác là quá trình đóng băng cơ thể người đã chết ở nhiệt độ rất thấp, khoảng âm 196 độ C, lưu trữ thi thể để chờ hồi sinh trong tương lai. Tất nhiên, điều đó chỉ được thực hiện sau khi bệnh nhân chết lâm sàng.

Đây là ý tưởng được ưa chuộng bởi những nhà khoa học theo chủ nghĩa tương lai. Lý luận của họ rất đơn giản: Thuốc men và y khoa luôn phát triển. Những căn bệnh nan y hôm nay có thể được chữa trị vào ngày mai. Đông lạnh xác là cách để thu hẹp khoảng cách giữa hai mốc thời gian đó.

Giám đốc More nói: "Chúng tôi coi nó như mở rộng phương pháp cấp cứu. Hãy nghĩ về nó như thế này: 50 năm trước, nếu thấy một người tắt thở khi đang chạy bộ, bạn sẽ kết luận luôn rằng họ đã chết. Ngày nay, chúng ta không còn làm vậy. Thay vào đó, chúng ta tiến hành hô hấp nhân tạo, làm thủ thuật sơ cứu... Những người đã chết 50 năm trước đáng ra có thể được cứu sống. Đông lạnh xác cũng hoạt động như vậy, chúng tôi chỉ ngăn cơ thể họ bị tổn hại nặng nề hơn, cho đến khi y học có cách chữa trị".

“Khách hàng” của Alcor đến từ nhiều nơi trên thế giới. Theo hợp đồng hai bên, các chuyên gia thành lập một danh sách “khách hàng” mắc bệnh nặng, theo dõi diễn tiến sức khỏe của họ. Khi thời điểm sinh tử đến, họ cử một nhóm chuyên gia đến túc trực. Sau khi bệnh nhân được tuyên bố tử vong, quá trình bảo quản bắt đầu.

Đầu tiên, nhóm dự phòng chuyển người bệnh sang "giường băng", phủ lên cơ thể họ một lớp đá lạnh. Sau đó, Alcor dùng máy hồi sức tim phổi, đưa máu đi khắp cơ thể trở lại. Các chuyên gia sử dụng 16 loại thuốc khác nhau để bảo vệ tế bào, khiến chúng không bị suy giảm chức năng khi người bệnh đã chết.

Khi người bệnh đã được chườm lạnh và cấp thuốc, nhân viên chuyển họ đến địa điểm phẫu thuật. Tại đây, bác sĩ sẽ rút hết máu và dịch lỏng ra khỏi cơ thể, thay thế chúng bằng dung dịch chống đông sử dụng bảo quản nội tạng cấy ghép. Tiếp đến, họ tiến hành mở lồng ngực, tìm kiếm các mạch máu chính, gắn chúng vào thiết bị giúp loại bỏ lượng máu còn sót lại trong cơ thể.

Quá trình này rất phức tạp nhằm đảm bảo các tinh thể đá không hình thành trong tế bào. Cuối cùng, cơ thể được bảo quản lộn ngược trong tủ đông có nitơ lỏng.

Theo ông More, khoảng thời gian giữa việc qua đời và bảo quản càng lâu, các tế bào bị phân hủy càng nhiều, việc hồi sinh và cứu chữa sẽ trở nên khó khăn hơn. Và chính ông cũng thừa nhận không điều gì là chắc chắn trong việc đông lạnh xác người vì nhiều sai sót có thể xảy ra.

Đến nay, hơn 1.000 người đã đăng ký bảo tồn cơ thể tại Trung tâm Alcor sau khi qua đời. Chi phí đăng ký duy trì, hiểu đơn giản là xếp chỗ, hàng năm khoảng 770 USD. Còn quá trình đông lạnh toàn bộ cơ thể giá từ 80.000 đến 200.000 USD. Theo ông More, số tiền này được chuyển vào quỹ ủy thác chăm sóc bệnh nhân, giữ cho cơ sở hoạt động và lưu trữ các thi thể trong thời gian dài.

Đến nay chưa bệnh nhân nào được hồi sinh sau khi bảo quản tại Trung tâm Alcor. Nhưng giới y học vẫn ủng hộ phương pháp này, khi cho rằng ít nhất thì đó cũng là một nghiên cứu khoa học không nên bỏ qua.

Loài gấu ngủ đông, con người tại sao không?

Đến nay, giấc mộng "trường sinh" vẫn không ngớt ám ảnh nhiều nhà khoa học, với những hiểu biết về cơ chế sinh học của con người ngày càng tường tận hơn, chi tiết hơn, cộng với những máy móc tối tân.

Câu hỏi đặt ra là: Loài gấu ngủ đông được, con người tại sao không?

Tháng 9/1959, bác sĩ Ron Howard - chuyên gia về lĩnh vực mô phôi tại Đại học Y khoa Maryland (bang Maryland, Mỹ) có buổi gặp gỡ với tiến sĩ Tommy Hawking - chuyên ngành ung thư, đến từ Đại học Bristish Columbia.

Số là bà Cynthia Kenwood, vợ của bác sĩ Howard bị ung thư buồng trứng giai đoạn cuối và sự sống chỉ còn tính được từng ngày. Để cứu vợ, bác sĩ Howard đã thử tiến hành một số thí nghiệm liên quan đến chuyện ngủ đông - như thường thấy ở loài gấu trắng Bắc cực.

Ông kể với tiến sĩ Tommy: "Tôi tạo ra cái chết lâm sàng cho một con thỏ bằng cách đặt nó trong môi trường nitơ lỏng ở nhiệt độ âm 196 độ C. Sau 21 ngày, tôi đưa nó trở lại trạng thái bình thường và nó vẫn sống. Vậy tôi có thể áp dụng phương pháp ấy với vợ tôi được không? Bà ấy sẽ "ngủ" cho đến khi nào y học tìm ra thuốc chữa ung thư buồng trứng".

Sở dĩ bác sĩ Howard tìm đến tiến sĩ Tommy là do ông đã đọc cuốn sách "Giấc ngủ đông” của nhà khoa học này. Trong đó viết loài gấu suốt 3 tháng ngủ đông thì hiện tượng trao đổi chất trong cơ thể giảm đến 75% so với lúc chúng hoạt động, nhịp thở chỉ còn 2 lần/phút và tim cứ 20 giây mới đập một nhịp. Trong điều kiện sống tối thiểu như thế, nếu con gấu ấy có thai thì bào thai vẫn được nuôi dưỡng bình thường.

Nghiên cứu của tiến sĩ Tommy còn cho biết ông từng lấy máu của một con gấu Bắc cực đang trong giai đoạn ngủ đông và bảo quản nó với điều kiện tối ưu. Đến mùa xuân, khi tất cả loài gấu đã tỉnh giấc, ông tiêm máu này cho một con gấu đang hoạt động. Sau đó đưa nó vào môi trường lạnh gần âm 200 độ C. Vài giờ sau, nó ngủ.

Từ đó, theo tiến sĩ Howard, có thể tạo ra "giấc ngủ đông" cho con người, nhất là những người mắc bệnh nan y. Họ sẽ "ngủ" cho tới khi nào khoa học tìm ra phương pháp chữa lành.

Nhưng, từ lý thuyết đến thực tế là cả một quãng đường dài đầy gian nan, trắc trở. Bác sĩ Howard kể: "Cả tôi lẫn tiến sĩ Tommy đều không dám thực hiện kỹ thuật ngủ đông cho vợ tôi, một phần vì sợ rắc rối luật pháp. Phần nữa, Tommy mới chỉ thí nghiệm với loài gấu còn tôi cũng chỉ thí nghiệm trên thỏ chứ chưa áp dụng trên người. Mặc dù biết rằng vợ tôi sẽ chết nhưng tôi vẫn ngần ngại".

Dự định không thành, vợ của bác sĩ Howord qua đời. Cuối năm 1960, với sự trợ giúp của bác sĩ Howard, tiến sĩ Tommy quyết định mạo hiểm. Chọn một con tinh tinh 6 năm tuổi - là động vật có cấu trúc sinh học gần giống như người, ông tiến hành tạo ra một tổ chức ung thư trên lá gan con vật. Khi khối u phát triển, ông lấy huyết thanh gấu có "chất gây ngủ" tiêm cho một con ngựa rồi lấy huyết thanh ngựa tiêm cho con tinh tinh để đề phòng trường hợp tinh tinh kháng lại huyết thanh gấu.

Sau đó, ông đặt con tinh tinh vào một chiếc thùng bằng thép không gỉ, có gắn các thiết bị theo dõi rồi bắt đầu hạ nhiệt độ xuống từ từ bằng cách bơm nitơ lỏng vào thùng. 5 ngày sau, nhiệt độ trong thùng mới giảm xuống âm 196 độ C vì nếu giảm đột ngột, con vật sẽ chết vì phù phổi cấp.

Một tuần, 10 ngày rồi 1 tháng trôi qua, tất cả các thiết bị theo dõi cho thấy con tinh tinh vẫn sống. 90 ngày sau họ quyết định đưa con vật ra để xem xét. Cũng phải mất 5 ngày, Tommy và cộng sự mới làm cho nhiệt độ trong thùng dần trở lại 31 độ C.

Đưa ra khỏi thùng hơn 3 tiếng, con tinh tinh mở mắt và bắt đầu đòi ăn. Điều ngạc nhiên nhất là trải qua gần 100 ngày - kể từ lúc nó bắt đầu ngủ đông cho đến lúc nó thức dậy - khối u trong gan con vật teo nhỏ lại, có lẽ là do tế bào ung thư thiếu máu nuôi.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, thí nghiệm của tiến sĩ Tommy chỉ dừng lại ở đó, nhưng nó đã là tiền đề cho nhiều nhà khoa học lao vào tìm kiếm giấc mộng trường sinh.

10 năm trước, tháng 4/2014, một bé gái tên là Matheryn Naovaratpong, ở Bangkok (Thái Lan), lúc thức giấc vào buổi sáng thì không ngồi dậy được. Được đưa đến bệnh viện, sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ kết luận Naovaratpong bị một khối u kích thước 11 cm ở não trái. Đây là dạng ung thư rất hiếm gặp ở trẻ em, tỉ lệ tử vong sau 5 năm điều trị tích cực là 70%. Nhưng thông thường, 96% người bệnh chết ngay trong năm đầu tiên.
Vào bệnh viện vài ngày, Naovaratpong rơi vào trạng thái hôn mê. Hơn 1 tháng sau đó, cô bé phải chịu 12 lần mổ não, 20 phương pháp hóa trị và 20 buổi trị liệu bức xạ nhưng cuối cùng, các bác sĩ đành phải buông tay.
Ngày 8/1/2015, khi được thông báo rằng Naovaratpong sẽ chết nếu gia đình đồng ý rút máy trợ hô hấp, cha cô bé đã liên hệ với Trung tâm Alcor để nhờ bảo quản con gái mình bằng phương pháp "ngủ đông". Cô bé Naovaratpong hiện đang được "ngủ đông" để đợi ngày tỉnh dậy chữa khối u trong não, cùng với 150 “người” khác tại Trung tâm Alcor.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện khó tin về ‘kế hoạch sinh tồn’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO