Mới đây, chia sẻ về hình ảnh nông nghiệp Việt Nam trong tương lai, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, để hướng tới nền nông nghiệp chuyên nghiệp, Bộ NNPTNT đang hướng tới việc dần dần đi theo mô hình nước ngoài: Nông dân muốn sản xuất nông nghiệp phải có giấy phép.
Giấy phép ở đây là những chứng chỉ về đào tạo nghề, đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất, chứ không phải là giấy phép theo kiểu xin- cho, ngăn sông cấm chợ, làm khó người nông dân, mà cái chính là để bảo vệ nông dân.
Bởi thực tế, làm nông nghiệp đâu phải dễ dãi, thích làm gì thì làm, vì nông nghiệp tác động đến sức khỏe người tiêu dùng, đến niềm tin thị trường, đến thương hiệu nông sản, đến môi trường sinh thái xung quanh... Do đó, trách nhiệm của nhà nước, của ngành nông nghiệp, của chính quyền là khuyến cáo, định hướng, nắm được số liệu sản xuất.
Có ý kiến cho rằng, làm nông nghiệp không phải là nơi để cho người không biết gì, không học hành được hay nói đúng hơn là người dốt thì về làm nông nghiệp. Đây chính là vấn đề lớn nhất mà chúng ta cần giải quyết trong giai đoạn chuyển đổi số ngành nông nghiệp, giai đoạn làm nông nghiệp thông minh.
Cơ quan quản lý nhà nước dù là quy hoạch hay chiến lược thì cuối cùng người nông dân là người đầu tiên của tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp. Muốn có nền nông nghiệp chuyên nghiệp thì phải có người nông dân chuyên nghiệp. Muốn có nền nông nghiệp thông minh thì phải có những người nông dân thông minh.
Vậy làm sao để người nông dân trở nên chuyên nghiệp, trở nên thông minh? Đó là những vấn đề bằng những quyết sách, đề án, kế hoạch cụ thể, để chúng ta chuyển đổi từ tư duy, nhận thức người nông dân trước. Vì nếu không thay đổi nhận thức, người ta vẫn theo tập quán, nhận thức, quán tính; vẫn đánh đổi bằng sự may rủi của mùa vụ như thời gian qua thì nền nông nghiệp vẫn cứ bấp bênh. Cho nên, muốn làm điều đó, cần phải có đào tạo nghề, có chứng chỉ hành nghề cho nông dân.
Theo ông Hoan, nền nông nghiệp mà để người dốt đi làm nông nghiệp thì làm sao phát triển được? Thành ra phải tri thức hóa người nông dân, chuyên nghiệp hóa người nông dân. Tiến tới ngày nào đó, giống các quốc gia tiên tiến, xem đó là một nghề và được cấp chứng chỉ hành nghề hẳn hoi, chứ không phải không biết làm gì thì ra làm ruộng.