Suốt 40 năm qua, ông Nguyễn Văn Lợi vẫn ngày ngày miệt mài với công việc sửa giày dép của mình để kiếm tiền nuôi 3 người con ăn học thành tài.
Ngồi ở vị trí khá khuất tầm mắt, chỉ với diện tích nhỏ khoảng vài mét vuông ở dưới gốc cây xoan trên đường Mẹ Suốt (phường Đồng Hải, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), tiệm sửa giày dép cũ của ông Nguyễn Văn Lợi (58 tuổi) được rất nhiều người biết đến suốt nhiều năm qua.
“Gọi là tiệm cho sang, chứ thực ra nơi đây tôi chỉ có một cái thùng gỗ đựng đồ nghề, tấm bảng hiệu và một cái ghế để dành cho khách đến ngồi đợi sửa giày dép”, ông Nguyễn Văn Lợi mở đầu câu chuyện.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lợi cho biết, năm 1983 sau khi trở về từ quân ngũ ông bắt đầu bén duyên với nghề sửa giày, dép cũ cho đến nay.
“Hồi đó, nghề sửa giày dép rất thịnh hành, cả khu phố chỉ mỗi mình tôi biết cách sửa giày, dép. Có ngày, tôi ngồi sửa cả gần trăm đôi giày, dép các loại. Cũng chính nhờ công việc này mà tôi có thu nhập ổn định để nuôi 3 người con ăn học đến nơi đến chốn”, ông Lợi tâm sự.
Bằng sự khéo léo và tỉ mỉ, dù cho những đôi giày, chiếc dép bị hỏng hóc nặng cỡ nào đi nữa, khi qua đôi bàn tay của ông Lợi đều trở nên như mới và chắc chắn hơn.
Đang cặm cụi sửa giày cho khách, ông Lợi chia sẻ, nghề này đòi hỏi sự chính xác cao, vì vậy, người thợ phải có sự tỉ mỉ, cẩn thận, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng sẽ làm hỏng giày, dép của khách.
Theo ông Lợi, công việc của ông bắt đầu từ 6h sáng cho đến khi thành phố lên đèn là lúc ông trở về nhà. Mỗi ngày ông sửa được từ 15 - 20 đôi giày, dép. Thu nhập trung bình khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Sửa giày, dép không có một giá cụ thể, tùy kích cỡ, tình trạng và yêu cầu của khách. Tuy nhiên, mức giá sửa giày dép không hề thấp, chỉ riêng dán ở mức đơn giản nhất cũng đã vào khoảng 15.000 đồng, chưa kể khâu, sửa, thay đế sẽ có giá cao hơn.
Là khách thường hay lui tới để sửa giày ở cửa hàng ông Lợi, chị Đặng Quỳnh Linh (trú tại phường Đồng Mỹ, thành phố Đồng Hới) cho biết, cứ mỗi lần giày, dép trong nhà bị hỏng chị thường tìm đến đây để nhờ sửa lại.
Theo chị Linh, chị thường đến đây để làm đế cao su, làm đẹp giày dép vì thấy ông Lợi làm việc cẩn thận, rất có tâm.
“Chưa kể giá thành của các dịch vụ cũng bình dân, rẻ hơn những chỗ khác. Có những đôi giày cũ kĩ tưởng chừng như bỏ đi nhưng khi vào tay ông Lợi thì lại trở thành như mới”, chị Linh cho biết.
Chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình, ông Lợi cho biết, vợ chồng ông lấy nhau cũng hơn 30 năm, có với nhau 3 người con. Tất cả con của ông đều học hành giỏi giang và có công việc ổn định.
Gần 40 năm qua, ông Lợi làm việc không ngừng nghỉ dù trời nắng hay mưa gió, ông vẫn thường đi sớm về tối để cùng vợ tích góp tiền để nuôi dưỡng 3 người con trưởng thành. Đến nay, thành quả mà ông nhận lại được là cả 3 người con của ông đều thành đạt và đã có gia đình riêng.
Dù công việc còn lắm vất vả, tay chân lúc nào cũng dính đầy các loại keo và bụi bẩn… thế nhưng bản thân ông Lợi luôn cảm thấy vui khi mỗi ngày được sửa giày dép cho khách hàng. Đó cũng chính là động lực để ông gắn bó với nghề này suốt mấy chục năm qua.
Chúng tôi rời cửa hàng của ông cũng là lúc hoàng hôn bắt đầu buông xuống, thành phố đã lên đèn. Hình ảnh đôi bàn tay thô ráp bởi ngày ngày tiếp xúc với giày dép, keo dính… của người cựu chiến binh Nguyễn Văn Lợi đã để lại một ấn tượng rất sâu sắc, không thể nào phai mờ...