Xã hội

Chuyện những người trực Tết

Ngọc Anh 11/02/2024 10:36

Trong khi mọi người được sum họp bên gia đình vào dịp Tết Nguyên đán thì nhiều người vẫn đang làm nhiệm vụ để người dân đón năm mới an vui.

Người canh giữ ‘mắt thần’

Trạm Ra-đa 480 (nằm trên đảo Trần – đảo tiền tiêu xa nhất của tỉnh Quảng Ninh) được coi là “mắt thần” của vùng biển địa đầu tổ quốc. Đây là năm đầu tiên Đại úy Lê Đức Thiệu, Trưởng Trạm Ra-đa 480 làm nhiệm vụ trực Tết trên đảo. Dịp Tết Nguyên đán, phải ở xa gia đình, xa vợ con không khỏi khiến cho người cán bộ hải quân có đôi chút nhớ người thân. Thế nhưng theo Đại úy Lê Đức Thiệu, bản thân anh tự hào là người quân nhân, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc lên hàng đầu.

Ngay từ sớm, Trạm Ra-đa 480 đã xây dựng và quán triệt kế hoạch đến 100% cán bộ chiến sĩ, trong đó tổ chức duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng đứng chân trên đảo cùng chính quyền địa phương đoàn kết bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh chính trị, an toàn trật tự xã hội trên địa bàn để cho nhân dân đón Tết yên vui.

W_8e2f3e3a-09f9-48f4-8143-56ce94f4a718.jpeg
Ngày 31/1, Tư lệnh Vùng 1 Hải quân thăm, tặng quà cho các cán bộ, chiến sĩ của Trạm Ra-đa 480 nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Ảnh: Ngọc Anh

Chia sẻ thêm về những niềm vui khi đón Tết trên đảo, Đại úy Lê Đức Thiệu cho biết: Gần Tết, quân và dân trên đảo được đón nhiều đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 1, của tỉnh, của huyện… ra thăm hỏi, động viên, tặng quà và chúc Tết nên ai nấy cũng đều rất phấn khởi. Ngoài ra, Trạm Ra-đa 480 cũng có những phần quà nhân dịp Tết Nguyên đán dành tặng các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và nhân dân cùng các đơn vị khác đóng quân trên đảo.

85a5f3b3-2c9d-4ad8-8c15-32d2f3e511b6.jpeg
Cán bộ Trạm Ra-đa 480 cùng nhau gói bánh chưng tại đơn vị. Ảnh: Ngọc Anh

Những ngày này, quân và dân trên đảo cũng tổ chức các hoạt động vui Xuân đón Tết như thịt lợn, gói bánh chưng, trang trí mâm ngũ quả, cành đào,… Những hoạt động tưởng chừng như rất đỗi bình thường với mọi người trên đất liền nhưng lại là niềm vui lớn, để lại kỷ niệm khó quên với trong lòng nhiều người lính nơi đảo xa.

Vào khoảng 7h tối ngày 30 tháng Chạp, quân và dân đảo Trần tụ họp về Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Trần để cùng nhau chung vui, giao lưu văn nghệ, tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, bịt mắt bắt vịt,… Qua đó, tạo không khí đón năm mới vui tươi phấn khởi, rộn ràng, hòa chung với niềm vui mừng Đảng, mừng Xuân của cả nước. Sau đó, các cán bộ, chiến sĩ sẽ trở về để đón giao thừa tại đơn vị, trong không khí ấm áp nghĩa tình đồng đội.

Chuyện của các bác sĩ khoa cấp cứu

Bác sĩ CKI Nguyễn Tiến Thắng, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: Đặc thù của Quảng Ninh là địa phương thu hút rất đông khách du lịch, đặc biệt vào trong dịp lễ, Tết. Vì vậy ngay từ sớm chúng tôi đã lên các kế hoạch thường trực để đảm bảo kịp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Theo Bác sĩ Nguyễn Tiến Thắng, trung bình mỗi ngày, khoa cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đón tiếp khoảng hơn 100 lượt bệnh nhân. Bên cạnh việc việc cấp cứu ban đầu, khoa còn có nhiệm vụ tiếp nhận xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến bệnh nhân và tư vấn, giải thích, giải quyết các quyền lợi cho bệnh nhân.

“Không chỉ làm nhiệm vụ cấp cứu tại chỗ, khoa Cấp cứu của Bệnh viện tỉnh còn là đầu mối hội chẩn cấp cứu “từ xa” đối với những ca bệnh khó, ca bệnh nặng ở tuyến dưới, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời để không bỏ lỡ “thời gian vàng” cứu chữa cho bệnh nhân”, Bác sĩ Nguyễn Tiến Thắng nhấn mạnh.

f5723642-8c8a-4e56-a838-f07206b045b9.jpeg
Bác sĩ CKI Nguyễn Tiến Thắng, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh kiểm tra tình hình của bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu. Ảnh: Ngọc Anh

Đã trải qua 12 năm công tác tại các khoa trọng yếu như Hồi sức cấp cứu và Cấp cứu của Bệnh viện tỉnh, Bác sĩ Nguyễn Tiến Thắng đã có nhiều lần đón giao thừa cùng với công việc.

“Dẫu biết lựa chọn nghề bác sĩ là phải đối mặt với gian nan, vất vả… nhưng chúng tôi cũng không quản ngại khó khăn mà vẫn cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, vì sứ mệnh cao cả chăm sóc sức khỏe nhân dân”, Bác sĩ Nguyễn Tiến Thắng nói.

Giao thừa của người làm truyền hình

Để kịp thời thông tin những vấn đề thời sự của địa phương, lan tỏa không khí mừng Đảng, mừng Xuân khắp mọi nơi trên địa bàn tỉnh và phục vụ nhu cầu văn hóa, giải trí,… của người dân, cứ vào mỗi dịp Tết, hầu hết các nhà báo, phóng viên của phòng Thời sự (Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh) đều làm nhiệm vụ trực Tết.

z5149107351130_2515dd957006f18d6426856ef067144d.jpg
Nhà báo Đàm Hằng, Phó phòng Thời sự (Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh) trao đổi cùng ê-kíp sản xuất cầu truyền hình trực tiếp đêm giao thừa “Gõ cửa mùa Xuân”. Ảnh: Ngọc Anh

Năm nay đã là năm thứ 17, Nhà báo Đàm Hằng, Phó phòng Thời sự của Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh đón giao thừa tại cơ quan. Bởi đặc thù công việc, vậy nên bản thân là một người vợ, người mẹ, thế nhưng rất hiếm khi chị Hằng có cơ hội được tự tay chuẩn bị một mâm cúng giao thừa hay cùng chồng đưa các con đi ngắm pháo hoa vào đêm 30.

“Nhiều khi mình cũng cảm thấy chạnh lòng chứ. Nhưng tôi cũng rất may mắn vì được gia đình thông cảm, ủng hộ, giúp đỡ để tôi có thể toàn tâm toàn ý làm việc. Cứ mỗi vào tối 30 tháng Chạp hàng năm, tôi cùng các đồng nghiệp đều tập trung cao độ nhất để sớm hoàn thành tốt nhất có thể các công việc, nhiệm vụ đã được giao. Khi xong việc, khoảnh khắc giao thừa đã trôi qua từ lâu, chúng tôi mới tự thưởng cho bản thân một khoảng thời gian ngắn để thư giãn, trò chuyện, chúc nhau năm mới vui vẻ… và lại tiếp tục quay lại công việc để chuẩn bị cho bản tin sáng sớm. Chúng tôi luôn tự nhủ phải cố gắng và làm việc với tinh thần, quyết tâm cao nhất để cho ra sản phẩm tốt nhất đưa đến với công chúng”, chị Hằng nói.

z5149107604984_468ff0bede174d1cd111e77ad6045706.jpg
Những nhà báo, phóng viên, biên tập viên,... phòng Thời sự (Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh) làm việc xuyên đêm để kịp thời sản xuất các chương trình truyền hình phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Ngọc Anh

Tiếng chổi đêm giao thừa

Tối 30 tháng Chạp, chị Phạm Thị Sen (nhân viên dọn vệ sinh môi trường của Công ty CP Đầu tư và Phát triển môi trường đô thị Quảng Ninh) được phân làm nhiệm vụ thu dọn sạch sẽ tuyến phố trên địa bàn phường Hồng Hải (TP Hạ Long). Đi ngay theo sau chị Sen là cậu con trai nhỏ, đang nhanh nhẹn giúp mẹ xách túi rác để chất lên xe. Bóng của 2 mẹ con chị Sen đổ theo ánh đèn đường, 2 mẹ con đi đến đâu, đường phố lại được thu dọn sạch sẽ đến đấy.

502dbee6-33ff-4fc1-a1f9-3da29477a74f.jpeg
Bé Nguyễn Thế Thiện phụ giúp mẹ dọn dẹp vệ sinh môi trường. Ảnh: Ngọc Anh

Chị Sen chia sẻ: 2 vợ chồng tôi đều làm việc tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển môi trường đô thị Quảng Ninh. Tôi thì vào làm việc trước và đã làm việc được khoảng 1 năm, nhận thấy công việc phù hợp và các khoản lương, thưởng cũng như chế độ đãi ngộ của Công ty cũng tốt nên sau đó chồng tôi cũng xin vào Công ty đi làm cùng. Tuy công việc có vất vả, nhưng chúng tôi cảm thấy rất vui vì được đóng góp công sức nhỏ bé của mình giữ gìn cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, đặc biệt là ở thành phố du lịch như Hạ Long.

Xa quê, không thể nhờ cậy ông bà giúp chăm nom con cái, vậy nên bé Nguyễn Thế Thiện - cậu con trai út mới chỉ 6 tuổi của vợ chồng chị Sen thường phải ở nhà một mình để bố mẹ đi làm. Thi thoảng, Thiện được mẹ cho đi làm cùng cho đỡ buồn. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng Thiện đã giúp đỡ được mẹ rất nhiều trong công việc.

“Con rất ngoan, khi ở nhà thì tự giác cơm nước để bố mẹ yên tâm đi làm. Còn khi theo mẹ đi làm, con có thể phụ mẹ xách túi rác trước cửa nhà dân để chất lên xe, hay thu gom, phân loại các loại chai lọ, đồ nhựa phế thải,… Đi đến đâu, con cũng được mọi người yêu quý, hay cho quà, bánh”, chị Sen vừa chia sẻ, vừa quay sang nhìn cậu con trai một cách trìu mến.

538017a9-a353-44ea-97c9-989793cedfa3.jpeg
Thương mẹ vất vả, mỗi khi được cho quà bánh, bé Nguyễn Thế Thiện đều để dành, mời mẹ ăn trước. Ảnh: Ngọc Anh

Trò chuyện với Thiện, chúng tôi thật sự bất ngờ trước sự hoạt ngôn, lanh lợi của bé. Thiện bày tỏ sự thích thú khi được cùng mẹ đi làm và được giúp đỡ mẹ.

Xong xuôi công việc, mẹ con chị Sen tạm nghỉ chân. Thiện hớn hở khi được một cô đồng nghiệp của mẹ cho túi bánh trái, không quên gửi lời cảm ơn rõ to. Thiện bảo: Con hay được các cô cho quà, bánh lắm ạ. Nhưng con để dành, đợi ăn cùng với bố mẹ cho vui.

Nói xong, Thiện bóc chiếc bánh Chocopie mời mẹ ăn. Chị Sen ngượng ngùng, vừa cười vừa cắn một miếng bánh của cậu con trai tình cảm. 2 mẹ con ríu rít nói cười… Đồng hồ điểm đến thời khắc giao thừa, pháo hoa nổ rộn vang, lung linh, rực rỡ khắp trời, gia đình chị Sen cùng nhau ngắm pháo hoa, đón năm mới trong sự bình yên, hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện những người trực Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO