Tinh hoa Việt

Chuyện ở chốn ngàn hoa

Nguyễn Trọng Văn 28/03/2025 15:39

Đà Lạt chào đón chúng tôi bằng cơn mưa rào nhẹ, một chút lạnh se se, một chút mù sương lãng đãng. “Hệt như cái lạnh đầu đông Hà Nội”, người bạn cùng đoàn reo lên đầy vẻ sung sướng. Thế là nỗi nhớ mùa đông Hà Nội ùa về bên ly cà phê nóng hổi.

4.jpg
Hồ Đan Kia giữa thung lũng vàng.

Như cánh vạc về chốn xa xôi

Cũng vừa hay nhà thơ Trần Ngọc Trác, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Lâm Đồng hồ hởi đến “chào”. Biết cánh văn nghệ sĩ Hà Nội đang “nao nao” nhớ Hà Nội, nên ông gợi ý: “Đến Đà Lạt, nhất là trong tiết trời như thế này mà không nghe nhạc Trịnh thì uổng lắm”. Thế là cả nhóm cùng hưởng ứng. Ông nhà thơ người “Huế xịn” đã ba mươi nhăm năm sống trên đất Đà Lạt nói thêm: “Về tình cảnh thì tôi cũng có chút “tương đồng” với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đấy. Là người gốc cố đô này. Lại thành danh trên xứ ngàn hoa nữa. Đừng bảo rằng tôi có chút thiên vị đồng hương mà mời đi nghe nhạc Trịnh đấy”.

Chúng tôi bước vào Quán cà phê Memory acoustic nhạc Trịnh Đà Lạt ở số nhà 24B đường Hùng Vương. Trong thoáng mưa Đà Lạt, giữa chút yên bình nơi phố núi, là một không gian nói như nhà thơ Trần Ngọc Trác thì: “Không gian nhạc Trịnh cũng là của đặc sản Đà Lạt”

Thả mình trong chiếc ghế đầy vẻ thư thái, người chủ quán dường như đã được nhà thơ Trần Ngọc Trác nói: “Mỗi bài hát của Trịnh Công Sơn không chỉ là một câu chuyện, mà còn là một phần ký ức, một dòng suy nghĩ về tình yêu, về con người và về cuộc sống”. Rồi ông cho hay: “Ngay trên xứ ngàn hoa này Trịnh Công Sơn đã viết một số ca khúc như: “Có một dòng sông đã qua đời”; “Như cánh vạc bay” và “Hoa vàng mấy độ”... Mỗi ca khúc là một câu chuyện tình có thật của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”.

Câu chuyện “nên duyên” với ca sĩ Khánh Ly là một ví dụ: Lúc bấy giờ Trịnh Công Sơn đang nghỉ chân ở trong rừng thông, bên cạnh một dòng suối nhỏ, ông tình cờ bắt gặp một bắp chân trần lội qua suối. Nắng như chảy vàng trên mái tóc cô, gió lộng ùa vào tà áo của cô khiến chàng nhạc sĩ trẻ cứ vương vấn mãi để rồi ca khúc “Như cánh vạc bay” ra đời ngay sau đó,với những ca từ: “Gió sẽ mừng vì tóc em bay/ Cho mây hờn ngủ quên trên vai/ Vai em gầy guộc nhỏ/ Như cánh vạc về chốn xa xôi”.

5.jpg
Bậc thang “lên thiên đường” ở Thung lũng vàng.

Thung lũng Vàng giữa miền thông reo

Họa sĩ Lê Nguyên Minh, một người Hà Nội vào đây cũng mấy chục năm, đội mưa đến chơi. Ông Minh vốn là Giám đốc Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên, gợi ý: “Trời cứ mưa thế này thì chỉ có đến Thung lũng Vàng là hợp lý”. Thì ra “cái chất rừng” trong con người ông họa sĩ này vẫn còn đâu đó, ông Minh bảo: “Mưa vào rừng thông nghe mưa rơi mới thấm anh ạ”.

Hôm nay mưa nên khách tham quan khá vắng, họa sĩ Lê Nguyên Minh kéo mọi người vào một quán bán hàng lưu niệm và sản phẩm rừng, để ngồi trò chuyện, ông cho hay: “Khu du lịch Thung lũng Vàng này tọa lạc trong một khu du lịch sinh thái hoang sơ. Thung lũng Vàng đẹp mộng mơ, với sự đa dạng của thảm thực vật, từ thảm cỏ mượt mà đến hồ nước trong xanh, từ vườn hoa tươi thắm đến những đồi thông tuyệt đẹp giữa lòng cao nguyên”.

Theo như họa sĩ Minh thì hồ nước trong Thung lũng Vàng chính là hồ cung cấp nước sạch cho thành phố Đà Lạt. Lý do thì ông Minh cho biết thêm: “Hồ nước ở Thung lũng Vàng là một hồ nước trên núi cao, lọt giữa rừng thông, do vậy nguồn nước ở hồ luôn dồi dào và đặc biệt là không bị ô nhiễm bởi hóa chất từ những ruộng hoa, từ những vườn rau”.

Rồi ông họa sĩ có dáng thư sinh nói thêm: “Hồ nước này nằm lọt giữa lòng thung lũng được gọi là hồ Đan Kia. Đấy các anh thấy không? Hồ có vẻ đẹp thơ mộng mà cũng rất trữ tình”. Ông Minh chỉ tay nói: “Còn kia là “bậc thang lên thiên đàng” đấy. Nhớ tới đây làm mấy kiểu ảnh thử xem “có lên được trời” không”.

Trước mắt chúng tôi là một mặt hồ xanh trong, tĩnh lặng, hai bên là những đồng cỏ và đồi núi rì rào tiếng thông reo. Khung cảnh đẹp như tranh vẽ.

Họa sĩ Lê Nguyên Minh nói giọng tiếc rẻ: “Hôm nay mưa chứ vào ngày có nắng các anh sẽ lạc lối về đấy”. Tôi hỏi lại: “Vì sao?”. Ông Minh cười tủm tỉm: “Ngày có nắng là những ngày rừng thông nơi đây vô cùng tuyệt đẹp. Từng tia nắng xuyên qua tán lá thông vẽ lên mặt đất những bức họa màu nắng lay động và luôn thay dổi theo hướng nắng và theo ánh nắng”. Chỉ nghe nói thế thôi chúng tôi đã gật đầu tin lời ông họa sĩ Hà thành rất am hiểu vùng cao nguyên Langbiang này.

2(1).jpg
Nghe nhạc Trịnh ở Đà Lạt.

Hiểu thêm về văn hóa dân tộc bản địa

Thời tiết đã sáng sủa hơn đôi chút, nhưng cảm giác lành lạnh vẫn níu chúng tôi đến ngồi bên bếp lửa. Đó là khi chúng tôi tới thăm làng B’Nơr C, một ngôi làng của người K’Ho ẩn mình dưới chân núi Langbiang, thuộc huyện Lạc Dương (nghe nói sắp tới đây huyện này sẽ nhập vào TP Đà Lạt).

Họa sĩ Lê Nguyên Minh vẫn là người đồng hành. Ông huơ huơ tay rồi giảng giải: “Cũng như các đồng bào thuộc dân tộc thiểu số khác trên đất nước, người dân K’ho sống đoàn kết, đôn hậu, gắn bó với nhau trong từng nếp sinh hoạt hàng ngày, yêu mến và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống cha ông để lại”.

Được biết thêm ngoài công việc phát rừng làm rẫy để trồng ngô, sắn… và đặc biệt là cà phê thì người dân nơi đây, chủ yếu là phụ nữ, vẫn miệt mài và kiên trì với nghề dệt vải thổ cẩm. Các họa tiết và hoa văn thổ cẩm nơi đây được dệt may tỉ mỉ và đầy sáng tạo, mang đậm nét độc đáo của dân tộc K’ho. Vào những dịp lễ tết hay cuối tuần, đồng bào vẫn giữ thói quen tụ tập ở nhà Rông, đánh cồng chiêng mở hội, nghe già làng kể chuyện và bảo ban… Tất cả đều được mọi người tiếp nối và phát huy một cách đầy đủ và tâm huyết nhất.

Họa sĩ Lê Nguyên Minh nói tiếp: “Chưa hết đâu các anh. Người K’Ho nói riêng, người dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng nói chung cũng đậm đà văn hóa lắm. Trong cuộc sống, họ luôn lấy những câu ca dao tục ngữ để giáo dục con cái. Hay lắm. Chí lý lắm”.

Nghe ông Minh nói vậy khiến chúng tôi “tò mò” và đề nghị ông cho biết kỹ hơn. Họa sĩ Lê Nguyên Minh sau khi chiêu xong một ngụm nước ấm thì mới nhẩn nha nói: “Tôi chỉ nêu mấy câu ví dụ thôi nhé. Để giáo dục con cái phải luôn tu dưỡng bản thân, luôn quan tâm tới gia đình họ hàng và chăm chỉ lao động thì họ nói: “Dao không mài sẽ bị cùn/ Người thân không lui tới sẽ thành xa lạ/ Rẫy không làm sẽ thành rừng”. Hay như câu: “Nước đục phải biết cách dùng/ Nước trong cũng phải biết/ Ứng xử phải biết dùng lời”. Các anh thấy chí lý chí tình không?”.

Lại một nụ cười tủm, họa sĩ Lê Nguyên Minh bảo: Về tình thương yêu trai gái thì họ răn dậy: “Hái rau rừng anh hỡi/ Hỡi chàng trai cưỡi voi trên núi/ Hãy đợi em đi chặt nõn măng tre”. Người dân tộc thiểu số rất thấu tình thấu lý: “Về với vợ như cá về với nước/ Con trâu đã đâm/ Chiêng chóe đã trao/ Yêu người ta phải cưới/ Lấy người phải thuộc về người”. Họ chung tình chung nghĩa đến giản dị mà thật lòng đấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện ở chốn ngàn hoa