Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm lịch sử kéo dài 3 ngày đến Cuba vào hôm 20/3 (giờ Mỹ), trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm quốc đảo này kể từ năm 1959 đến nay, nhằm chấm dứt nhiều thập kỷ mối quan hệ đóng băng giữa hai nước.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng gia đình dạo bộ trên đường phố Havana. (Nguồn: Reuters).
Đây là một sự thay đổi tích cực mà trong đó ông Obama hy vọng rằng chính phủ Cuba sẽ mở ra các kênh kinh tế mới cho giới doanh nghiệp Mỹ. Tổng thống Mỹ và các đồng minh cũng hy vọng rằng sự thay đổi này sẽ tọa ra một tiền đề to lớn: Điển hình về sức mạnh của ngoại giao trong việc biến một quốc gia từng là thù địch thành bạn hữu.
Ngay trước khi ông Obama bước xuống từ chuyên cơ Không lực Một, ông đã gửi đi một thông điệp đến toàn thể người dân Cuba theo tiếng lóng để thể hiện sự thân thiện.
“¿Que bolá Cuba?" – ông Obama viết trên Twitter, sử dụng tiếng lóng Cuba – “Vừa mới đến đây, và sắp được gặp gỡ và nghe trực tiếp từ người dân Cuba”.
Trong hôm Chủ nhật, Tổng thống Obama đã đến thăm nhà thờ Đức mẹ đồng trinh Mary, gặp gỡ đức Hồng y Jaime Ortega, người đóng góp quan trọng trong việc cải thiện mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba. Đám đông tụ họp trên các con đường của Old Havana để được gặp Tổng thống Obama cùng gia đình ông khi họ đi bộ qua đó.
Vào cuối buổi chiều, ông Obama đã có bữa tối tại một “paladar” - một trong số hàng trăm các nhà hàng tư nhân mà chỉ đến mới đây mới được cho phép hoạt động trong nền kinh tế quốc doanh. Các doanh nghiệp kiểu này - cùng với các khoản vốn đầu tư đến từ doanh nghiệp Mỹ - sẽ cho giới chức Mỹ hy vọng rằng Cuba đã trên con đường mở cửa nền kinh tế sau nhiều thập kỷ bị cô lập.
Bỏ qua nhiều thách thức còn tồn tại, cảnh chiếc Không lực Một hạ cánh xuống sân bay Jose Marti ở Havana vào đầu giờ chiều hôm Chủ nhật vừa qua đã cho thấy một sự thay đổi ngoại giao mà cách đây 5 năm ít ai có thể tưởng tượng được.
“Tôi xem đây chỉ là sự khởi đầu, chứ không phải kết thúc, của một hành trình sẽ diễn ra thường xuyên” - ông Obama nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN trước chuyến thăm Cuba.
Chuyến thăm lịch sử đến Havana của ông Obama chính là kết quả đáng mừng của nỗ lực kéo dài suốt 2 năm trong việc hàn gắn mối quan hệ với Cuba, dù chỉ cách bờ biển Florida có 90 dặm, nhưng từng lâu đã trở thành “thiên đường bị cấm đoán” đối với công dân Mỹ.
Tiền đề cho người dân hai nước
Trong bối cảnh các lệnh cấm vận đang dần được gỡ bỏ từng phần, rất nhiều người dân Mỹ giờ đã có thể tiếp bước Tổng thống của họ để đặt chân đến quốc đảo xinh đẹp trên bờ biển Carribe. Và giới chức Mỹ cũng hy vọng rằng, việc cải thiện mối quan hệ giữa hai bên sẽ giúp tạo nên một động lực mới giữa người dân hai nước.
Ngoài các buổi gặp gỡ chính thức với chính phủ Cuba, bao gồm cuộc gặp lần thứ ba với Chủ tịch Raul Castro, và tham dự một số các hoạt động khác trong chương trình chuyến viếng thăm chính thức, ông Obama cũng gặp gỡ cả những người dân rất đỗi bình thường của Cuba, những người được chứng kiến một kỷ nguyên mới của nước nhà.
Hình ảnh một vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm đặt chân đến hòn đảo này sẽ là một cuốn tiểu thuyết đối với người dân Cuba. Vị lãnh đạo Mỹ cuối cùng đến thăm Cuba trước kia là Calvin Coolidge, người đã đến cảng Havana trên một chiến thuyền hồi năm 1928. Nhưng trong lúc này, ông Obama lại muốn thay đổi hình ảnh đó.
Nỗ lực đầu tiên của ông Obama bắt đầu từ tháng 12/2014, khi đưa ra tuyên bố đang làm việc để tái khởi động mối quan hệ bị đóng băng với Cuba. Kể từ đó, chính phủ Mỹ dần dần gỡ bỏ các hạn chế về du lịch và thương mại giữa hai nước. Hồi tuần trước, giới chức Mỹ còn tuyên bố về một số thay đổi lớn nhất từ trước đến nay, trong đó gồm việc cho phép công dân Cuba mở tài khoản ngân hàng và cho phép công dân Mỹ du lịch cá nhân đến Cuba, thay vì phải đi theo nhóm phục vụ cho mục đích giáo dục hoặc văn hóa như trước kia.
Di sản của Obama
Chuyến bay chở thư đầu tiên giữa hai quốc gia kể từ năm 1968 đã từ Miami đến Havana trong hôm thứ Tư tuần trước, mang theo một bức thư từ Tổng thống Obama gửi đến một chủ cửa hiệu bán cà phê, như một lời đáp trả giản dị trước chuyến thăm chính thức đến quốc đảo này.
Hiện nay, người dân Mỹ vẫn khá khó khăn mới đến được Cuba; các chuyến bay đặc biệt vẫn là lựa chọn duy nhất cho đến cuối năm nay khi các hãng hàng không Mỹ mở lại các tuyến đường bay thường kỳ đến Cuba. Nhưng một khi điều này xảy ra, người ta sẽ chứng kiến một lượng lớn du khách Mỹ đổ đến thiên đường du lịch Cuba.
Tuy nhiên, thách thức vẫn còn ở phía trước, khi ông Obama vẫn đang gặp phải trở ngại từ các nhà chính trị có tư tưởng phản đối chính sách với Cuba của ông. Và khi thiếu đi hành động từ phía Quốc hội Mỹ trong việc gỡ bỏ các lệnh cấm vận thương mại, ông Obama cũng chỉ đóng góp được hạn chế cho việc phục hồi hoàn toàn quan hệ kinh tế với Cuba.
“Tôi dự đoán rằng phải đến khi Tổng thống mới nhậm chức, dù là một Tổng thống bên đảng Dân chủ hay Cộng hòa, thì lệnh cấm vận mới được gỡ bỏ” – ông Obama từng nói.
Nhưng ít nhất trong thời điểm này, Tổng thống Obama cũng đã tạo nên được một di sản to lớn về mặt ngoại giao trong nhiệm kỳ hai của mình, giúp gỡ bỏ một mối thù địch mà nước Mỹ đã ôm khư khư trong suốt nhiều thập kỷ qua.