Khởi nghiệp từ bàn tay trắng, sau nhiều năm cần cù lao động cùng với tư duy đổi mới trong chăn nuôi, anh Nguyễn Đức Hùng ở xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện (Hải Dương) đã trở thành tỷ phú nhờ chăn nuôi lợn.
Cái khó ló cái khôn
Sau nhiều năm bôn ba khắp nơi, năm 2012, anh Nguyễn Đức Hùng đã quyết tâm bỏ nghề làm thuê để về quê làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Khi ấy, địa phương đang có chủ trương chuyển đổi vùng đất chiêm trũng, bạc màu thành khu sản xuất nông nghiệp tập trung.
Năm 2013, sau nhiều đêm không ngủ để mưu tính cách làm ăn, anh Hùng quyết định thuê lại gần 2 ha đất để dựng trang trại ở thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện. Thiếu vốn, anh bàn với gia đình thế chấp “sổ đỏ” để vay vốn ngân hàng đầu tư sản xuất. Toàn bộ số tiền hơn 1,5 tỷ đồng được anh đầu tư hết để xây dựng khu chuồng trại rộng gần 1.600 m2. Thấy quá mạo hiểm, nhiều người khuyên anh nên suy nghĩ lại nhưng tính anh đã quyết là làm.
Những ngày đầu, do chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi, anh Hùng đề xuất được nuôi lợn thuê cho một doanh nghiệp trên địa bàn. Đổi lại họ sẽ cung cấp cho anh con giống, thức ăn và chuyển giao kỹ thuật, quy trình chăm sóc. Cách làm này giúp anh giảm chi phí, rủi ro và đủ trả tiền lãi cho ngân hàng. Quan trọng hơn cả là anh được tiếp cận với công nghệ, quy trình chăn nuôi mới, hiện đại.
Sau 3 năm nuôi lợn thuê, anh Hùng quyết định đứng ra tự lập. Nói là làm, anh tiếp tục đi vay mượn 1,2 tỷ đồng để xây dựng thêm 1 dãy chuồng trại với diện tích trên 800 m2 để nuôi 1.700 lợn nái với quy trình khép kín, tuần hoàn. Trời không phụ công người, năm đầu tiên làm chủ, trang trại của anh gặp thuận lợi, doanh thu cao. Chỉ 2 năm sau đó, anh đã thu hồi được toàn bộ tiền vốn.
Anh Hùng cho biết, đã đầu tư thì tỷ lệ được, thua chia đều 50/50 nhưng nếu không làm thì sẽ chẳng có phần trăm cơ hội nào cả. Muốn làm giàu thì phải thật bản lĩnh, sự mày mò, chịu khó học hỏi. Nhờ vậy, anh Hùng đã xây dựng được một trang trại nuôi lợn thuộc loại lớn nhất nhì của huyện Thanh Miện.
Gieo quả ngọt, hái mùa vàng
Sau những thành công bước đầu, năm 2017, anh Hùng tiếp tục đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng thêm 1 dãy chuồng trại rộng 800 m2 để nuôi 700 con lợn thịt.
Việc chăn nuôi đang gặp thuận lợi thì bỗng dịch tả lợn châu Phi bắt đầu bùng phát và lan rộng trong cả nước khiến gia đình anh gắp khốn đốn. Đàn lợn nái lẫn đàn lợn thịt cứ thi nhau chết hàng loạt phải chở đi tiêu huỷ. Năm đó anh Hùng bị thiệt hại hơn 4 tỷ đồng. Dù vậy nhưng gia đình anh vẫn cố gắng bảo vệ bằng được đàn lợn còn lại.
Sau khi dịch đi qua, anh quan tâm hơn đến vấn đề phòng dịch cho đàn lợn. Để theo dõi sát sao hơn nữa, anh lên danh sách tiêm phòng cho từng đàn lợn. Thức ăn, nước uống, khoáng chất cho lợn cũng được anh lựa chọn kỹ càng. Các dãy chuồng trại bắt đầu kín lợn trở lại, tình trạng lợn ốm chết không còn xảy ra.
Nắm bắt được nhu cầu thị trường sẽ khan hàng sau dịch nên cứ đàn lợn nái đẻ đến đâu anh Hùng để nuôi hết đến đó. Cận Tết Nguyên đán năm 2019, nhu cầu tiêu thụ càng tăng cao trong khi tổng đàn chưa kịp phục hồi. Nhờ cách tính đúng đắn, anh Hùng đã bù đắp được thiệt hại do đợt dịch trước đó.
Sau “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi, anh Hùng càng thận trọng hơn trong việc phát triển quy mô trang trại. Anh bắt đầu tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Từ khâu cho lợn ăn, uống đều được tự động hóa, nhiệt độ, ánh sáng cũng được kiểm soát, điều chỉnh phù hợp. Việc này giúp anh không chỉ tiết kiệm được chi phí nhân công mà còn kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Nhờ bản lĩnh và tư duy mới trong chăn nuôi, đến nay anh Hùng đã xây dựng được cơ ngơi trị giá hàng chục tỷ đồng. Hiện, gia đình anh có 5 dãy chuồng nuôi với tổng đàn hơn 4.000 con lợn các loại mỗi năm. Hằng năm, anh xuất bán ra thị trường hơn 300 tấn lợn thịt và hàng nghìn con lợn giống, đạt tổng doanh thu từ 7- 10 tỷ đồng, thu lãi khoảng 3 tỷ đồng/năm. Trang trại của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, anh Hùng còn nhận hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hộ khác trong và ngoài tỉnh. Từ những kinh nghiệm thực tế, anh đã giúp nhiều chủ trang trại vượt qua được những khó khăn, thách thức trong chăn nuôi.