Những bậc phụ huynh gần như không có kinh nghiệm về những gì con mình đang trải nghiệm. Học hành cũng khác, giải trí khác, mà quan hệ bạn bè đồng lứa cũng khác. Điều đó đáng ra phải khiến ta dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu đời sống của lũ trẻ. Nhưng hình như là ngược lại: chủ nghĩa kinh nghiệm khiến ta tặc lưỡi, “toàn chuyện trẻ con”.
Ảnh minh họa.
Do công việc, gần như tôi phải online cả ngày. Bạn bè Facebook vì vậy khá đông và nhiều thành phần: Nhà báo, thương gia, bác sĩ, quan chức, dân xã hội. Nhưng người bạn qua mạng đặc biệt nhất của tôi, là một cậu bé.
Đó là một cậu bé tôi chưa từng gặp. Cậu chat với tôi, nói về cuộc sống qua lăng kính của một thằng bé mười mấy tuổi. Cậu bé than hay bị bố mẹ mắng vì “con học không vào”. “Con hay quên, chú ạ”. Do cha mẹ không quan tâm nên nhiều thứ tưởng chừng nhỏ nhặt trong cuộc sống, cậu cũng không hiểu. Cậu bé hay nhờ tôi giải thích kiểu “chú ơi, con gái cá tính là sao vậy chú?”, “Thế còn bựa là gì?”. “Nước sông không phạm nước giếng… là sao chú?”. Ngay cả khi tôi giải thích cậu vẫn cần phải giải thích những lời giải thích đó.
Một hôm cậu bé dè dặt nhờ tôi một việc. Nguyên văn: Con phải đi trị bịnh một thời gian. Con đưa chú mật khẩu Facebook. Chú vào tài khoản của con chúc mừng sinh nhật các bạn (trên Facebook) của con nhé. Bố mẹ không tổ chức sinh nhật cho con nên con rất muốn bạn bè trên Facebook chúc mừng khi đến ngày sinh nhật con.
Tôi hoàn thành nhiệm vụ. Đến sinh nhật cũng là lúc cậu bé cũng quay về và tự quản tài khoản Facebook của mình. Tôi là người đầu tiên chúc mừng cậu bé trong ngày sinh nhật. Nhưng tôi vẫn áy náy vì chưa tặng quà sinh nhật cho cậu bé. Một món quà nhỏ. Một chiếc máy ảnh cũ hoặc quả địa cầu pha lê cũ. Để có thể “quên đi những việc khác” như lời người bạn nhỏ của tôi nói.
Đằng sau câu chuyện ấy, tôi thấy một hình bóng bé nhỏ - một chủ nhân tương lai của đất nước - đang cô đơn và bế tắc.
Hình như chúng ta, bao gồm cả tôi, cũng ít quan tâm thực sự đến lớp trẻ, hay nói cụ thể hơn chính là những đứa con của mình. Sau những cuộc đua chọn trường điểm lớp chọn cô giáo giỏi là coi như xong trách nhiệm. Nhiệm vụ “giáo dục các cháu” được chuyển sang phía ngành giáo dục vốn đang bộn bề những cải cách chương trình, đổi mới sách giáo khoa cũng như những bất cập về con người. Còn chúng ta, các bậc làm cha làm mẹ thì chỉ có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát.
Chả nói đâu xa, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) được miêu tả là có những quy định về các quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, chính sách, biện pháp bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội trong việc bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em. Vậy mà từ tháng 5/2015 (khi có ý kiến người dân đầu tiên trên trang “Dự thảo online” của Quốc hội đến nay chỉ có vỏn vẹn 9 ý kiến của 6 người dân. Mục “Ý kiến chuyên gia” và “Ý kiến ĐBQH” chỉ có dòng chữ “không có ý kiến gì”.
Chúng ta đang trải qua một giai đoạn đầy biến động về đời sống văn hoá-xã hội. Trong 2 thập kỷ qua, nền kinh tế tập trung bao cấp đã được thay bằng nền kinh tế thị trường; sách vở đã thay bằng điện thoại thông minh; những luồng văn hoá từ khắp nơi du nhập vào; những tư tưởng mới được truyền bá… Khoảng cách thế hệ vì thế giãn nở nhanh hơn. Những bậc phụ huynh gần như không có kinh nghiệm về những gì con mình đang trải nghiệm. Học hành cũng khác, giải trí khác, mà quan hệ bạn bè đồng lứa cũng khác. Điều đó đáng ra phải khiến ta dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu đời sống của lũ trẻ. Nhưng hình như là ngược lại: chủ nghĩa kinh nghiệm khiến ta tặc lưỡi, “toàn chuyện trẻ con”.
Cái việc chăm chỉ đi chúc mừng sinh nhật các bạn trên mạng, để đến ngày được các bạn chúc lại, thật sự là một “chuyện trẻ con”. Nhưng cậu bé phải đi tìm một người thật tin tưởng, dù là người lạ như tôi, để giao phó. Tôi tự hỏi rằng có bao nhiêu người lớn chúng ta thực tâm tìm hiểu để cảm nhận được điều đó.
Bệnh trầm cảm tăng ở lứa tuổi vị thành niên. Tỷ lệ tội phạm vị thành niên cũng tăng. Và ta sẽ giải quyết vấn đề đó bằng lực lượng hành pháp hay là y tế? Hay là cần một thái độ khác cho cuộc giãn nở thế hệ nhanh chóng mặt này?
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII. Tuổi trẻ em được nâng lên 18. Và nhiều quy định khác. Nhưng đến giờ nó vẫn chưa được mấy ai quan tâm. Chuyện trẻ con ấy mà.