Chính trị

Chuyện về chiếc xe tăng T-54 trên Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột

Thanh Nga 10/04/2025 07:10

Ngã 6 là một trong những điểm giao cắt quan trọng của TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), nơi đây không chỉ là trung tâm giao thông sầm uất mà còn lưu giữ biểu tượng lịch sử quan trọng, đó là chiếc xe tăng T-54 số hiệu 980 trên Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột.

anh chinh
Chiếc xe tăng T-54 trên Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thanh Nga.

Việc đặt chiếc xe tăng ở đây không chỉ là biểu tượng chiến thắng vĩ đại trong trận chiến giải phóng Buôn Ma Thuột vào năm 1975, mà còn thể hiện lòng tri ân đối với sự hy sinh của các chiến sĩ và khơi dậy niềm tự hào dân tộc.

Biểu tượng sức mạnh của quân giải phóng

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), mới đây tại khu vực Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã diễn ra cầu truyền hình trực tiếp “Bản trường ca hòa bình”. Chương trình được tổ chức tại 3 điểm cầu là Thủ đô Hà Nội; TPHCM và tỉnh Đắk Lắk.

Dự Chương trình tại điểm cầu Đắk Lắk, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, người trực tiếp lái chiếc xe tăng trên Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã chia sẻ cảm xúc khi về thăm lại chiến trường xưa. Ông kể: 50 năm về trước, nơi đây đã diễn ra một trận chiến đấu hết sức gay go và quyết liệt. Lúc bấy giờ, thị xã Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) là vị trí chiến lược cực kì quan trọng, địch thì cương quyết giữ còn ta thì cương quyết chiếm, bởi đây là mục tiêu then chốt, quan trọng nhất trong Chiến dịch Tây Nguyên.

"Khi ấy, tôi mới 25 tuổi, anh em thành viên lái xe tăng cũng 18, đôi mươi. Tôi là Đại đội trưởng, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 273, Quân đoàn 3. Chúng tôi được trang bị loại xe tăng hiện đại nhất, lúc đó trên mỗi xe đã có 34 viên đạn, tôi sáng kiến cố định thêm 10 viên đạn/xe, như vậy sức chiến đấu của xe tăng và chúng ta sẽ được kéo dài hơn. Bộ Tư lệnh chiến dịch giao nhiệm vụ cho chúng tôi bằng mọi giá phải tiến vào cơ quan chỉ huy đầu não của địch. Tôi trực tiếp chỉ huy xe tăng số hiệu 980 dẫn đầu đội hình xe tăng cùng bộ binh Tiểu đoàn 4 bất chấp nguy hiểm, xe tăng 980 lao vào giữa làn đạn địch, tấn công tiêu diệt nhiều cụm hỏa lực địch, hỗ trợ bộ binh đánh thẳng vào khu trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột, làm chủ hoàn toàn Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 Quân đội Việt Nam cộng hòa - cơ quan chỉ huy đầu não của địch ở thị xã Buôn Ma Thuột và Nam Tây Nguyên, địch tập trung phòng thủ ở đây rất kiên cố, lô cốt, công sự, hàng rào được chúng dựng lên dày đặc. Sau đó, quân ta tiếp tục đánh qua Ngã 5, rồi phát triển lên Ngã 6, tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch còn sót lại tại đây” - Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng kể.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 đã đi vào lịch sử, là một trong những chiến thắng tiêu biểu, đột phá giải phóng Tây Nguyên, mở màn cho cuộc Tổng tấn công, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30/4/1975, thống nhất đất nước.

Nhớ lại trận chiến giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn An Vinh kể: Ngã 6 Buôn Ma Thuột lúc bấy giờ là trung tâm, giao điểm của hướng Bắc vào, hướng Tây xuống, hướng Đông lên. Bên cạnh Ngã 6 có khách sạn Anh Đào, nơi này cũng là một cứ điểm của địch. Lúc bấy giờ đánh vào Buôn Ma Thuột có nhiều lực lượng của ta như: Bộ binh, công binh, pháo binh, đặc biệt là xe tăng. Khi xe tăng xuất hiện đã làm cho địch hoang mang, lo sợ, mất tinh thần; địch không hình dung được ta đánh vào Buôn Ma Thuột lại có những loại xe mới lạ và lớn như thế. Khi xe tăng đánh vào Ngã 6, địch đã khiếp sợ bỏ chạy khỏi các trận địa phòng thủ. Sức mạnh của xe tăng đã khiến quân địch rơi vào thế bị động và sụp đổ. Khách sạn Anh Đào một cứ điểm quan trọng của địch cũng bị quân giải phóng ta chiếm lĩnh, và sau này ta tiếp quản, khách sạn Anh Đào được đổi tên thành Khách sạn Thắng Lợi và ngày nay mang tên Khách sạn Sài Gòn Ban Mê.

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thịnh (xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột) kể lại: Sáng sớm ngày 10/3/1975, đơn vị (Sư đoàn 316) tôi tấn công từ đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn, TP Buôn Ma Thuột) đánh chiếm khu Nhà thờ Tin Lành, phát triển lên làm chủ khu Nhà thờ Quân đội, cư xá sĩ quân ngụy (nay là Hội trường Tỉnh ủy Đắk Lắk và khu vực xung quanh), sau đó, tiến công vào cổng chính Sở Chỉ huy Sư 23 ngụy. Nhưng địch dùng hỏa lực bên trong bắn ra quyết liệt. Nhiều đồng đội của tôi bị thương nặng, đồng chí Bùi Văn Vui được giao nhiệm vụ cắm cờ bị hy sinh.

“Trong lúc đang giao chiến quyết liệt, xe tăng của ta xuất hiện hỗ trợ cho lính bộ binh. Lúc này anh em chúng tôi rất phấn khởi khi xe tăng tiếp cận được vào Ngã 6. Khi thấy xe tăng của ta, địch rất run sợ, giống như bị uy hiếp tinh thần, lái xe tăng của ngụy phải bỏ chạy. Quân ta đã bắt sống được xe tăng của địch và làm chủ trận địa” - cựu chiến binh Nguyễn Đức Thịnh kể lại.

Chiếc xe tăng đã giúp quân đội ta tấn công vào trung tâm Buôn Ma Thuột, tạo ra sự áp đảo và làm suy yếu ý chí kháng cự của quân địch. Nó không chỉ là một phương tiện chiến đấu mà còn là biểu tượng của sức mạnh quân sự, mang lại niềm tin và sự cổ vũ cho quân và dân ta trong những giờ phút quyết định của chiến dịch. Sự xuất hiện của chiếc xe tăng tại đây đã tạo nên một biểu tượng vĩnh cửu về sức mạnh quân giải phóng, về sự kiên cường, dũng cảm của quân và dân Tây Nguyên trong cuộc chiến đấu giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Theo ông Nguyễn An Vinh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, chiếc xe tăng cũng là hình ảnh khắc sâu trong lòng mỗi người dân Tây Nguyên. Sự xuất hiện của chiếc xe tăng trong trận chiến giải phóng Buôn Ma Thuột đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng vĩ đại, mở ra con đường chiến lược cho Chiến dịch Hồ Chí Minh và đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đất nước. Chiến thắng Buôn Ma Thuột mở ra con đường cho quân đội ta tiến vào các chiến trường khác, tạo đà cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, và là một phần không thể thiếu trong việc giành lại độc lập, thống nhất đất nước.

anh nho
Quân giải phóng đánh chiếm Ngã 6 Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975. Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Đắk Lắk.

Biểu tượng chiến thắng, lòng tự hào dân tộc

“Để ghi nhớ chiến công của quân và dân ta trong trận Buôn Ma Thuột lịch sử, đặc biệt là vai trò của xe tăng trong trận đánh này, năm 1995, chính quyền tỉnh Đắk Lắk quyết định xây dựng Tượng đài Chiến thắng ở khu vực Ngã 6, trên tượng đài này là chiếc xe tăng T34 mang số hiệu 945 (là ngày ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 9/1945). Năm 1996, quay trở lại Buôn Ma Thuột kể từ ngày tham gia Chiến dịch Tây Nguyên, tôi cùng các cựu chiến binh đã có phản hồi về chiếc xe tăng này. Sau đó chính quyền tỉnh Đắk Lắk quyết định sửa đổi, thay chiếc xe tăng trên tượng đài từ xe tăng T34 thành xe tăng T54 và số hiệu xe từ số 945 đổi thành số 980 (số hiệu chiếc xe tăng đầu tiên có mặt tại Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 trong trận đánh Buôn Ma Thuột năm 1975)” - Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chia sẻ.

50 năm quay lại chiến trường xưa, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng đã trao tặng kỷ vật chiến tranh mà ông cất giữ suốt 50 năm qua cho tỉnh Đắk Lắk là 4 chiếc mũ cấp cho bộ đội lái xe tăng để chiến đấu khi giải phóng Buôn Ma Thuột, với mong muốn thế hệ trẻ tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát huy để xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu mạnh hơn.

Chiếc xe tăng ở Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột không chỉ là một hình ảnh của chiến thắng quân sự, mà còn là một biểu tượng của lòng dũng cảm, hy sinh và tinh thần kiên cường của quân đội nhân dân Việt Nam. Nó là minh chứng sống động cho chiến thắng lịch sử, đó cũng là lời nhắc nhở về giá trị của hòa bình, tự do và độc lập mà dân tộc ta đã giành được qua những năm tháng đấu tranh gian khổ. Tượng đài với chiếc xe tăng sẽ mãi lưu giữ những ký ức hào hùng, là nguồn động viên, khích lệ các thế hệ mai sau giữ gìn và phát huy những thành quả đã đạt được, xây dựng một Việt Nam phát triển, giàu mạnh.

“Ngày nay, chiếc xe tăng không chỉ là một phần của lịch sử mà còn là biểu tượng văn hóa gắn liền với TP Buôn Ma Thuột. Tượng đài xe tăng tại Ngã 6 Buôn Ma Thuột là một điểm đến linh thiêng, nhắc nhở các thế hệ mai sau về những hy sinh, mất mát và chiến công vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây là nơi người dân và du khách đến tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, và cũng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ” - cựu chiến binh Nguyễn Đức Thịnh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện về chiếc xe tăng T-54 trên Tượng đài Chiến thắng Buôn Ma Thuột