Cô bé 11 tuổi được vinh danh nhà khoa học trẻ tuổi nhất nước Mỹ

29/11/2017 17:45

Gitanjali Rao, một cô bé mới học lớp 7 đến từ bang Colorado (Mỹ), mới đây được trao tặng danh hiệu "Nhà khoa học trẻ tuổi nhất nước Mỹ" nhờ chế tạo một thiết bị gọn nhẹ có khả năng phát hiện chì trong nước uống và nó có giá thành rẻ hơn nhiều so với các biện pháp khác.


Gintanjali Rao hy vọng thiết bị của mình có thể được áp dụng rộng rãi trong tương lai. (Nguồn: CNN).

Phát minh của cô bé 11 tuổi này khởi nguồn từ cuộc khủng hoảng nguồn nước ở Flint, bang Michigan, nơi mà nguồn nước có chứa nhiều chì cùng nhiều loại độc chất khác. Chiếc máy trên đã giúp Rao giành giải thưởng trị giá 25.000 USD, khoản tiền mà cô tuyên bố sẽ sử dụng để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình.

"Sau khi biết được tình trạng ở Flint, cháu đã tiếp tục nghiên cứu về nước nhiễm chì trong vài năm" - Rao nói - "Cháu cũng nhìn thấy bố mẹ mình thử độc chì trong nước và nghĩ rằng kết quả cho ra không chính xác lắm nên muốn làm điều gì đó để thay đổi nó".

Do chì không ảnh hưởng đến mùi và vị của nước nên cách duy nhất để phát hiện nó là biện pháp thử. Hiện có 2 biện pháp thử chính là thử tại nhà và trong phòng thí nghiệm, nhưng chi phí một tấm thử tại gia có giá 15-30 USD trong khi độ chính xác không cao. Biện pháp thử trong phòng thí nghiệm còn phức tạp hơn khi cần thu thập mẫu nước, và có giá từ 20-100 USD cho mỗi lần.

Thiết bị mà Rao chế tạo có tên là Tethys, tên của một vị nữ thần của Hy Lạp, trong đó sử dụng các ống nano carbon, các cấu trúc siêu vi dạng ống. Thiết kế này được lấy cảm hứng từ một dự án của trường ĐH Công nghệ Massachusett (MIT) nhằm phát hiện khí độc trong không khí.

"Giải pháp của cháu là sử dụng các ống nano để phát hiện chì trong nước nhanh hơn bất kỳ các biện pháp nào khác trong hiện tại. Nó có một bộ cảm ứng nano, trong đó các nguyên tử đặc biệt được thêm vào để phản ứng với chì" - cô bé Rao nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cô bé 11 tuổi được vinh danh nhà khoa học trẻ tuổi nhất nước Mỹ