TPHCM đang trở thành điểm đến hấp dẫn, với 2 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước về vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, TPHCM vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98 của Quốc hội để đón “đại bàng” đầu tư vào các ngành mũi nhọn.
Xây dựng doanh nghiệp đủ tầm
Kể từ Nghị quyết 54, sau đó thay thế bằng Nghị quyết 98 (NQ98), Trung ương đã trao cơ chế, chính sách đặc thù để TPHCM phát triển. Nhờ đó, TPHCM có cơ hội chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế từ công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng đất sang phát triển công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao. Dù vậy, ngành công nghiệp TPHCM vẫn thiếu các doanh nghiệp dẫn đầu để đủ tầm hợp tác quốc tế.
Theo TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai NQ98, việc thiếu các doanh nghiệp dẫn đầu, các “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực công nghiệp đã khiến TPHCM mất lợi thế cạnh tranh. Bởi vì, lâu nay ai cũng nhận thấy ngành bất động sản có nhiều “sếu đầu đàn” nhưng khi nói đến ngành công nghiệp thì lại rất hiếm có một doanh nghiệp thực sự lớn mạnh. Dù vậy, ông Lịch cho rằng, để xây dựng được các “sếu đầu đàn”, trước hết TPHCM cần tính toán quỹ đất cho công nghiệp về dài hạn đối với cả các khu công nghiệp (KCN) hiện hữu và các KCN quy hoạch trong tương lai. Thậm chí, cần tính đến cả chuyển đổi chức năng, đặt trong mối liên kết vùng Đông Nam Bộ để tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài lớn.
TS Phan Thụy Kiều - Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, thời gian qua các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng trên 90% nên bị hạn chế rất nhiều về dòng vốn để đầu tư vào công nghệ, nghiên cứu phát triển sản phẩm. Các doanh nghiệp nhóm này cũng không đủ nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo ông Kiều, các KCN, Khu chế xuất (KCX) của TPHCM được hình thành từ rất sớm nhưng chưa phát triển được các cụm liên kết ngành, các KCN-KCX chuyên ngành. Do đó, thời gian tới thành phố cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dịch chuyển phân khúc sản xuất có giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị.
Ông Kiều cũng gợi ý về việc vận dụng các cơ chế, chính sách đặc thù của NQ98 để đảm bảo cho quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp hướng đến phát triển theo chiều sâu, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững.
TS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cũng nêu tầm quan trọng về quỹ đất cho phát triển công nghiệp. Hiện nay, thành phố sắp đón nhận thêm các quỹ đất sản xuất kinh doanh, nhất là dọc Vành đai 3 và cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đối với những KCN hiện hữu gắn với các Vành đai 2, Vành đai 3 sẽ định hướng chuyển đổi dần sang mô hình công nghiệp gắn với hàm lượng tri thức công nghệ cao. Tại các khu vực kết nối Vành đai 3, Vành đai 4 sẽ gắn với các định hướng phát triển công nghiệp mới.
Cơ chế mạnh để thu hút nhà đầu tư
Lấy dẫn chứng bài học kinh nghiệm thực tiễn từ thu hút phát triển công nghệ cao của TPHCM thời gian qua, PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, vừa qua Khu Công nghệ cao TPHCM thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực đóng gói sản phẩm Chip. Vốn đầu tư của họ chỉ 5 triệu USD, nhưng họ tạo ra doanh thu hàng năm là 150 triệu USD. Đặc biệt, đi cùng với các doanh nghiệp này là các đơn vị hàng đầu trong hệ sinh thái về sản xuất Chip.
Từ ngành vi mạch bán dẫn, PGS Thi hiến kế, về lâu dài TPHCM nên phát triển công nghiệp theo hướng thâm dụng tri thức, chứ không chỉ dừng ở thâm dụng vốn. Phát triển công nghiệp phải trên cơ sở thế mạnh là nhân lực, khoa học công nghệ, đối mới sáng tạo. Muốn vậy, nguồn lực con người là quan trọng nhất và đó là thế mạnh của TPHCM và không được bỏ qua nguồn lực quan trọng để thu hút là các chuyên gia, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài.
Theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, thời gian qua vấn đề thâu tóm doanh nghiệp Việt của các công ty nước ngoài rất nổi cộm. Một số quốc gia như Nhật Bản đã có quy định cụ thể để bảo vệ doanh nghiệp nội địa của họ, trong đó bất kỳ quốc gia nào muốn khai thác thị trường, kể cả bán hàng online vào Nhật Bản đều phải khai báo và có chi nhánh chính thức tại quốc gia này. Tại Singapore cũng có luật quản lý chặt chẽ đối với các mua - bán sáp nhập doanh nghiệp. Do đó, bà Hạnh đặt vấn đề: làm thế nào để bảo vệ doanh nghiệp và nền sản xuất trong nước phải cần đến các cơ chế, chính sách đặc thù.