Tinh hoa Việt

Cố Chủ tịch, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Nhà trí thức yêu nước vĩ đại

Chu Ninh 17/04/2025 15:00

Sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đánh giá: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một nhà trí thức yêu nước vĩ đại, đã hy sinh gần cả cuộc đời để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân Việt Nam. Nhân dân Việt Nam ta đời đời sẽ nhớ mãi đến người con Việt Nam anh hùng ấy”. Năm 1962, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở thành Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc.

Ảnh 1-Luật sư Nguyễn Hữu Thọ....
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bàn bạc về tình hình chiến sự cùng một số đơn vị trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, năm 1969.

Hành trình dấn thân

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trong những nhân vật tiêu biểu của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Xuất thân là một trí thức Tây học, ông sớm nhận ra những bất công dưới chế độ thực dân và quyết tâm dấn thân vào con đường đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc. Ông sinh ra và lớn lên trên quê hương Bến Lức (Long An). Thân sinh của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là người yêu nước, thương dân, nổi tiếng với việc dùng gia sản đất đai của mình để xây dựng nghĩa trang cho bà con nông dân nghèo khổ khi qua đời.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ chưa lần nào được gặp Bác Hồ, nhưng điều an ủi lớn nhất đối với Luật sư đó là khi sắp từ giã cõi đời này, Bác Hồ vẫn chờ đợi và hỏi đồng chí Vũ Kỳ: Chú Thọ từ miền Nam ra chưa?

Với lòng yêu nước hình thành từ truyền thống gia đình và quê hương, trong thời gian dài du học ở Pháp, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vẫn luôn trăn trở: Vì sao quê hương mình còn nghèo quá, đồng bào mình còn khổ quá?. Và nhà trí thực trẻ của những năm đầu Thế kỷ 20 đã tự nhủ phải cố gắng học tập để đem hiểu biết của mình làm điều có ích cho nước, có lợi cho dân. Rất may mắn, từ những năm hai mươi của thế kỷ trước, du học sinh Nguyễn Hữu Thọ đã được nghe nói đến Nguyễn Ái Quốc, một người yêu nước đang đấu tranh cho dân tộc Việt Nam được độc lập.

Học xong, ông quyết định trở về Việt Nam năm 1933. Trong lòng nhà trí thức trẻ Nguyễn Hữu Thọ vẫn canh cánh nỗi đau mất nước, bị ngoại bang đô hộ. Ông sớm trở thành một luật sư có uy tín ở miền Nam. Tuy nhiên, thay vì theo đuổi cuộc sống an nhàn, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã lựa chọn con đường đấu tranh chống lại chế độ thực dân, phong kiến, tham gia tích cực vào phong trào cách mạng ở miền Nam.

Cho đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ mới biết vị cứu tinh của dân tộc chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc vĩ đại. Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam tuyên bố độc lập tự do. Nhưng không lâu sau, thực dân Pháp lại tiếp tục quay trở lại xâm lược nước ta. Lúc này, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vẫn có niềm tin mãnh liệt, rằng đất nước có Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất định giành được độc lập, thống nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước, yêu dân khiến niềm tin của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ về sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước được tăng lên gấp bội. Niềm tin ấy tiếp thêm sức mạnh cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ có nghị lực phi thường, sẵn sàng dấn thân vào con đường cách mạng lâu dài, đầy chông gai, thử thách, bất chấp hy sinh.

cụ Thọ
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đọc diễn văn mừng chiến thắng, thống nhất đất nước trước hàng vạn đồng bào, ngày 15-5-1975.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nhanh chóng trở thành một lãnh đạo quan trọng trong phong trào đấu tranh tại miền Nam. Ông tham gia lãnh đạo các cuộc biểu tình, phản đối chính quyền thực dân, kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc. Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, liên tục vào năm 1947, 1949, 1954, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tham gia ký tên vào bản Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn, yêu cầu Chính phủ Pháp phải thương thuyết với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để chấm dứt chiến tranh. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ công khai tham gia kháng chiến giữa Sài Gòn, đấu tranh đòi các quyền dân sinh dân chủ, đòi hòa bình, bất chấp mọi sự đàn áp của kẻ thù.

Một trong những đỉnh điểm của phong trào đòi độc lập dân tộc của giới trí thức, học sinh sinh viên, công nhân, các tầng lớp khác nhau ở thành phố Sài Gòn là cuộc biểu tình ngày 19/3/1950. Theo phân công của Đảng, tại trường Tôn Thọ Tường (nay là trường THPT Tenlơman số 8 Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP Hồ Chí Minh), Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã kêu gọi hàng chục vạn đồng bào xuống đường phản đối 2 tàu chiến thuộc Hạm đội 7 của Mỹ tiếp tay cho Pháp can thiệp vào chiến tranh Việt Nam. Cùng thời điểm đó, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và các nhà cách mạng Trường Chinh, Phạm Hùng cùng hàng vạn đồng bào xuống đường chống sự can thiệp của Mỹ. Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã buộc 2 tàu chiến Mỹ phải rút khỏi Cảng Sài Gòn. Ngày 19/3/1950, trở thành “Ngày toàn quốc chống Mỹ”.

Ngày 9/1/1950, trở thành “Ngày học sinh sinh viên toàn quốc” khi cả một biển người xuống đường lên án thực dân Pháp giết hại dã man học sinh Trần Văn Ơn. Tại lễ truy điệu học sinh Trần Văn Ơn, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Trưởng phái đoàn đại diện các giới Sài Gòn - Chợ Lớn đã đặt câu hỏi đanh thép: Như thế này nhân dân ta có độc lập, tự do không? Cả một biển người hô to: “Không! Không! Không!”. Luật sư kêu gọi: “Chúng ta hãy sống xứng đáng với gương người đã khuất”.

Ngay trong đêm 19/3/1950, kẻ thù bắt giam và lưu đày Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ra tận miền núi Lai Châu, rồi Sơn Tây. Tháng 11/1952, trước cuộc đấu tranh quyết liệt của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn, địch buộc phải trả tự do cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Năm 1954, Pháp và Mỹ phá hoại Hiệp định Genève, chống bầu cử thống nhất đất nước ta, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lại tiếp tục đấu tranh với Phong trào bảo vệ hòa bình từ thành phố Sài Gòn lan rộng ra khắp miền Nam. Tổng thống tay sai Ngô Đình Diệm ra lệnh bắt, lưu đày Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ra Hải Phòng, rồi miền núi Phú Yên với âm mưu thâm độc để Luật sư chết dần chết mòn.

Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (thứ 2 từ phải sang) ngồi bên cạnh Chủ tịch danh dự Tôn Đức Thắng tại Đại hội Mặt trận Thống nhất Việt Nam được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 31/1 - 4/2/1977, hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: TTXVN.

Nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng miền Nam

Trong giai đoạn 1960-1975, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN), Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước. Ông không chỉ là một lãnh tụ tinh thần mà còn là người trực tiếp tham gia hoạch định các chiến lược quan trọng của cách mạng miền Nam.

“Trong đời làm báo của tôi, tôi gặp không ít các lãnh đạo chính trị, nhưng tôi phải thừa nhận rằng ít có người có tấm lòng yêu nước thương dân một cách chân thành và sâu sắc như Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, ông là biểu tượng của cuộc đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập thống nhất của đất nước, vì tự do hạnh phúc của đồng bào mình. Mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của ông đều hướng đến mục tiêu cao cả đó.”
(trích đánh giá của nhà báo Pháp Madeleine Riffaud về Luật sư Nguyễn Hữu Thọ)

Vào những năm 1957 - 1958, trước việc Mỹ - Diệm công khai đàn áp dã man hàng vạn người kháng chiến còn lại ở miền Nam, năm 1959, Trung ương Đảng và Bác Hồ kịp thời ra Nghị quyết 15 (Khoá II) tiến hành đấu tranh vũ trang, tập hợp sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tức nước vỡ bờ, cuộc Đồng Khởi Bến Tre 17/1/1960 nổ ra dữ dội, dẫn đến việc ra đời Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam vào ngày 20/12/1960.

Trong bối cảnh cấp bách đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương và Bác Hồ, ngày 30/10/1961, lực lượng vũ trang Khu 5 (Phú Yên) đã giải thoát thành công Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ra khỏi ngục tù của Mỹ - Diệm, chấm dứt 4.000 ngày Luật sư bị địch cầm tù. Tháng 1/1961, Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam trực tiếp lãnh đạo kháng chiến ở miền Nam. Tháng 2/1962, tại căn cứ Bắc Tây Ninh, Đại hội Mặt trận lần thứ nhất chính thức bầu Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTDTGPMNVN.

Trước khi phải từ biệt thế giới này, trong Di chúc ngày 10/5/1969, Bác Hồ nhắc đến nguyện vọng thiết tha của mình và căn dặn chiến sĩ, đồng bào: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.”

Chủ tịch Mặt trận Nguyễn Hữu Thọ tham gia lãnh đạo Cách mạng miền Nam đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, như tâm nguyện suốt cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Ngày 8/5/1975, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp từ chuyên cơ bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất, ôm chầm lấy những người đồng chí miền Nam ra đón là Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và các nhà cách mạng Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ... Đất nước đã hoàn toàn thống nhất, Bắc Nam đã sum họp một nhà. Sự kiện lịch sử cách đây 50 năm trở thành hình ảnh tiêu biểu cho sự lãnh đạo thống nhất của Đảng với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ảnh 2-Luật sư Nguyễn Hữu Thọ...
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với các chiến sĩ Quân giải phóng Đông Nam Bộ (1968). Ảnh T.L.

Phẩm chất cao đẹp của một trí thức cách mạng

Sau ngày đất nước thống nhất, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lần lượt giữ nhiều trọng trách: Phó Chủ tịch nước, Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Là Quyền Chủ tịch nước, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã ký công bố Hiến pháp 1980 sau khi thống nhất nước nhà. Là Chủ tịch Quốc hội, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã chỉ đạo soạn thảo Bộ luật dân sự và Bộ luật hình sự. Ông không chỉ góp phần củng cố chính quyền cách mạng mà còn thúc đẩy tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc, xây dựng một đất nước đoàn kết và phát triển.

Và ngày 24/12/1996, ông đã ra đi thanh thản. Đến cuối đời Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vẫn chưa hề có một căn nhà do mình làm chủ sở hữu. Đối với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, khi dân tộc ta thoát nô lệ, khi đất nước hạnh phúc thì mỗi gia đình mới có hạnh phúc. Hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời đối với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là “được đi theo con đường Hồ Chí Minh” khi ông và tầng lớp thanh niên trí thức cùng thời đang ở ngã ba đường trong đêm đen nô lệ với khát khao cháy bỏng là đất nước được độc lập, tự do.

Suốt cả cuộc đời, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã kiên trì dấn thân trên con đường do Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra, đó là đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là yếu tố quyết định giúp Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, với lối sống giản dị, trong sạch, gần dân, lắng nghe dân, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, không khuất phục trước cường quyền, không bao giờ bị cám dỗ trước tiền tài, danh lợi, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân.

Như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: “Anh Thọ là con người của công lý, của đạo nghĩa. Anh muốn mọi người đều đem hết tài trí phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Anh có thái độ nghiêm khắc đối với mọi hành động sai trái vi phạm phép nước, xâm phạm tài sản của dân, ức hiếp nhân dân. Với trách nhiệm và tính cương trực của mình, anh đấu tranh thẳng thắn để phân rõ đúng sai. Khi cần nói lên sự thật để bảo vệ chân lý, bảo vệ chính sách của Đảng và Nhà nước thì anh luôn tỏ ra cương trực, không hề né tránh. Ở Anh không có đặc quyền, đặc lợi cho bất cứ ai.”.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ chưa lần nào được gặp Bác Hồ, nhưng điều an ủi lớn nhất đối với Luật sư đó là khi sắp từ giã cõi đời này, Bác Hồ vẫn chờ đợi và hỏi đồng chí Vũ Kỳ: Chú Thọ từ miền Nam ra chưa?

Nhà báo Pháp Madeleine Riffaud đã từng vào căn cứ của MTDTGPMNVN ở chiến khu Bắc Tây Ninh những năm 1965 – 1966, thổ lộ: “Trong đời làm báo của tôi, tôi gặp không ít các lãnh đạo chính trị, nhưng tôi phải thừa nhận rằng ít có người có tấm lòng yêu nước thương dân một cách chân thành và sâu sắc như Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, ông là biểu tượng của cuộc đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập thống nhất của đất nước, vì tự do hạnh phúc của đồng bào mình. Mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của ông đều hướng đến mục tiêu cao cả đó. Ngoài ra, ông chẳng toan tính gì riêng cho cá nhân và gia đình mình. Ông có những đức tính rất quý: Khiêm tốn, giản dị, nhân hậu, dễ gần gũi với mọi người. Những đức tính đó tôi tìm thấy ở “vị cha nuôi” của tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh.”

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là biểu tượng của một trí thức yêu nước, dấn thân vì lý tưởng cao đẹp. Cuộc đời và sự nghiệp của ông để lại nhiều bài học quý báu về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất và trách nhiệm của trí thức đối với dân tộc. Những cống hiến của ông không chỉ trong kháng chiến mà còn tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng đất nước. Tinh thần của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vẫn là nguồn cảm hứng to lớn cho thế hệ trẻ Việt Nam trong hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông là một minh chứng sống động cho phẩm chất cao đẹp của một trí thức cách mạng, luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp chung của đất nước.

Ngày 8/5/1975, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp từ chuyên cơ bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất, ôm chầm lấy những người đồng chí ra sân bay đón là Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và các nhà cách mạng Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ... Đất nước đã hoàn toàn thống nhất, Bắc Nam đã sum họp một nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cố Chủ tịch, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Nhà trí thức yêu nước vĩ đại