Bà Cẩm Loan đang sống, học tập nghiên cứu tại nước ngoài, cuối năm sẽ đăng ký kết hôn tại nước ngoài. Do điều kiện không thể về Việt Nam xin giấy xác nhận tình trạng độc thân trong thời gian sinh sống ở Việt Nam, nên bà Loan có nhờ mẹ đẻ đến UBND phường 2, quận Tân Bình, TP HCM để xin xác nhận
Tuy nhiên, cán bộ tư pháp phường yêu cầu bà Loan phải trực tiếp về Việt Nam làm đơn do pháp luật có thay đổi. Bà Loan hỏi, Nghị định số 158/2005/ NĐ-CP còn hiệu lực không? Có văn bản nào mới ban hành quy định về việc cha, mẹ làm thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho con không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời:
Trước ngày 1/1/2016, theo quy định tại Khoản 2, Điều 66 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định, công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian ở trong nước, thì UBND cấp xã nơi người đó cư trú trước khi xuất cảnh, thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Theo thủ tục hành chính cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trong nước, người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nộp hồ sơ trực tiếp tại UBND cấp xã. Trường hợp không trực tiếp đi nộp thì có thể ủy quyền cho người khác làm thay. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ.
Nếu người được ủy quyền là ông, bà; cha, mẹ; anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì không cần phải có văn bản ủy quyền nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh mối quan hệ như: Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu...
Hiện nay, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2016 và được thay thế bởi Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
Cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trong nước
Theo khoản 1 Điều 21, Điều 22 và Điều 23 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định, UBND cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Về thủ tục, người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nộp Tờ khai theo mẫu quy định. Trường hợp yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nhằm mục đích kết hôn thì người yêu cầu phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã có vợ hoặc chồng nhưng đã ly hôn hoặc người vợ hoặc chồng đã chết thì phải xuất trình hoặc nộp giấy tờ hợp lệ để chứng minh.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra, xác minh tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu. Nếu người yêu cầu có đủ điều kiện, việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là phù hợp quy định pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch trình Chủ tịch UBND ký cấp 1 bản Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người có yêu cầu. Nội dung Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi đúng tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu và mục đích sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Trường hợp người đó không chứng minh được thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã có văn bản đề nghị UBND cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, UBND cấp xã được yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản cho UBND cấp xã yêu cầu về tình trạng hôn nhân của người đó trong thời gian thường trú tại địa phương. Ngay trong ngày nhận được văn bản trả lời, nếu thấy đủ cơ sở, UBND cấp xã cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người yêu cầu theo quy định. Trường hợp cá nhân yêu cầu cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích khác hoặc do Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã hết thời hạn sử dụng thì phải nộp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã được cấp trước đó.
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp.Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được sử dụng để kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài hoặc sử dụng vào mục đích khác. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không có giá trị khi sử dụng vào mục đích khác với mục đích ghi trong Giấy xác nhận.
Cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại Cơ quan đại diện VN ở nước ngoài
Ngày 30/6/2016, Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BNG-BTP hướng dẫn việc đăng ký và quản lý hộ tịch tại các Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài. Điều 19 Thông tư này quy định việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài như sau:
Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi công dân Việt Nam cư trú thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam để sử dụng vào mục đích kết hôn hoặc mục đích khác.
Người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải nộp các giấy tờ sau:
- Tờ khai cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (theo mẫu quy định);
Trường hợp người yêu cầu đã có vợ hoặc đã có chồng nhưng đã ly hôn thì phải nộp bản sao giấy tờ ly hôn đã có hiệu lực pháp luật; trường hợp người chồng hoặc người vợ đã chết thì phải nộp bản sao Giấy chứng tử hoặc giấy tờ chứng minh người đó đã chết.
Trường hợp đề nghị cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì phải nộp thêm:
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã, nơi người đó thường trú trước khi xuất cảnh cấp, nếu trước khi xuất cảnh công dân Việt Nam đã đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam; trường hợp trước khi xuất cảnh công dân Việt Nam đã đăng ký kết hôn, nhưng sau khi ra nước ngoài đã ly hôn hoặc người vợ, chồng kia đã chết thì phải nộp bản sao giấy tờ ly hôn đã có hiệu lực pháp luật; hoặc bản sao Giấy chứng tử hoặc giấy tờ chứng minh người đó đã chết.
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi công dân Việt Nam đã cư trú trước đây cấp nếu công dân Việt Nam đã từng cư trú ở nhiều nơi khác nhau. Trường hợp không thể xin được xác nhận tình trạng hôn nhân tại các nơi cư trú trước đây thì phải nộp văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian cư trú ở các nơi đó và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đã cam đoan.
Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích kết hôn thì người yêu cầu phải đáp ứng các Điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cán bộ lãnh sự căn cứ Sổ hộ tịch và hồ sơ lưu tại Cơ quan đại diện, kiểm tra tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu, nếu thấy đủ điều kiện và yêu cầu cấp xác nhận tình trạng hôn nhân phù hợp quy định pháp luật thì ghi thông tin vào Sổ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, cấp 01 bản Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người yêu cầu.
Trường hợp đề nghị cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích khác, không phải để kết hôn thì số lượng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp theo đề nghị của người yêu cầu.
Trường hợp đề nghị cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, Cơ quan đại diện xác nhận tình trạng hôn nhân của người yêu cầu cho đến thời điểm cấp giấy.
Trường hợp đề nghị cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn tại Việt Nam hoặc để sử dụng vào mục đích khác, căn cứ vào tình trạng hồ sơ, yêu cầu của đương sự, Cơ quan đại diện thực hiện cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho đến thời điểm cấp giấy hoặc trong khoảng thời gian nhất định.
Có được ủy quyền yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân?
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ thì người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 của Luật Hộ tịch (trong đó có xác nhận các việc hộ tịch khác nêu tại Khoản 4 Điều này) được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật; phạm vi uỷ quyền có thể gồm toàn bộ công việc theo trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả đăng ký hộ tịch.
Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người uỷ quyền.
Trường hợp bà Cẩm Loan hiện đang sinh sống và học tập ở nước ngoài có thể đến Cơ quan đại diện ở khu vực lãnh sự nơi bà cư trú thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích kết hôn hoặc mục đích khác.
Nếu bà Loan đề nghị cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì phải nộp thêm Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã nơi bà Loan thường trú trước khi xuất cảnh cấp (nếu trước khi xuất cảnh bà Loan đã đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam).
Đối với trường hợp cần nộp thêm Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do UBND cấp xã nơi bà Loan thường trú trong nước trước khi xuất cảnh cấp, nhưng do bà Loan không có điều kiện về nước, thì phải có văn bản ủy quyền cho người khác thay mình yêu cầu UBND cấp xã cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Trường hợp người được ủy quyền là cha, mẹ của bà Loan thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ cha, mẹ, con như: Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu…