Tin tưởng vào tay nghề tiêm filler của bạn thân đang làm ở spa, cô gái 21 tuổi ở Bắc Ninh bị biến chứng tắc mạch mắt gây mù mắt trái.
Rạng sáng 25/1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân nữ N.T.H (21 tuổi, đến từ Bắc Ninh) cấp cứu vì mù mắt sau tiêm filler tại spa.
Theo bệnh nhân và người đi cùng kể lại, bệnh nhân được bạn thân là nhân viên spa tiêm filler nâng mũi vào tối 24/1. Ngay trong lúc tiêm, bệnh nhân cảm thấy choáng váng, đau đầu, mờ mắt trái, toàn thân nóng ran rồi chuyển rét run.
Bạn của H. liên hệ với "cô giáo" đào tạo tiêm filler, để được hướng dẫn mua thuốc giải về tiêm tại spa. Sau khi thấy không hiệu quả, H. được hướng dẫn đến 1 bệnh viện, tại đây cũng không xử lý được, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội).
Ngay khi đến Bệnh viện Mắt Trung ương, người bệnh nhanh chóng được bác sĩ hướng dẫn chuyển đến cấp cứu tại Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt Thẩm mỹ cho biết: "Bệnh nhân vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào lúc gần 2h sáng trong tình trạng đau đớn, hoảng loạn vì mù hoàn toàn mắt trái. Trên da xuất hiện vết tím đen, đe dọa hoại tử da và cơ vùng hốc mắt".
Giải thích rõ hơn về tình trạng này, theo PGS Hà, mắt được cấp máu từ động mạch cảnh. Khi tiêm filler không có kỹ thuật, tiêm nhanh với áp lực tiêm mạnh vào nhánh của động mạch mắt thì áp lực tiêm sẽ khiến filler đi ngược dòng máu. Từ đó, chất tiêm bị đẩy ngược lại vào động mạch mắt, trong đó có động mạch trung tâm võng mạc.
"Nếu filler rơi vào động mạch trung tâm võng mạc, người bệnh sẽ mất hoàn toàn thị lực. Đồng thời bị teo, loét toàn bộ da xung quanh mắt. Ngoài ảnh hưởng thị lực, filler còn gây ảnh hưởng rất nặng đến vùng xung quanh mắt và thẩm mỹ", PGS Hà nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, do được chuyển qua 3 bệnh viện, bệnh nhân đã bỏ lỡ thời gian vàng (thời gian vàng của tế bào thần kinh là 90 phút). Ngay khi vừa tiếp nhận, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã triển khai cấp cứu tối khẩn cấp đa chuyên khoa; hồi sức tích cực, giảm áp lực nội sọ, oxy liều cao, thuốc giãn mạch, xét nghiệm toàn bộ tình trạng sức khỏe toàn thân.
TS.BS Lê Thanh Dũng, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: "Với kinh nghiệm xử lý trường hợp tai biến sau tiêm chất làm đầy filler tương tự, ngay khi nhận được thông báo về ca bệnh, hệ thống cấp cứu đã được kích hoạt, phối hợp đồng bộ giữa các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ, điện quang can thiệp và hồi sức nội kinh để tiến hành cứu chữa người bệnh".
Cụ thể, nhóm điện quang can thiệp tiến hành chụp động mạch não số hóa xóa nền, xác định vị trí động mạch mắt bị tắc, truyền trực tiếp các thuốc ly giải filler vào động mạch, sau đó bệnh nhân tiếp tục được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết để điều trị và đề phòng biến chứng tắc mạch do huyết khối, thời gian can thiệp kéo dài 6 giờ.
Ngay sau điều trị thị lực bệnh nhân đã được cải thiện, chụp kiểm tra mạch máu sau 24 giờ động mạch trung tâm võng mạc đã tái thông. Đây là dấu hiệu hình ảnh rất có ý nghĩa trong điều trị và tiên lượng mức độ hồi phục thị lực cho người bệnh.
Sau hơn 6 giờ cấp cứu tình trạng bệnh nhân dần đi vào ổn định. Các nhánh mạch thông trở lại và đã bắt đầu đưa mắt đến các tổ chức quanh nhãn cầu. Các dấu hiệu hoại tử cơ và da giảm đi, dấu hiệu liệt cơ cũng cải thiện một phần, thị lực có cải thiện nhưng không được nhiều, từ chỗ chỉ phân biệt được sáng tối đến chỗ thấy mờ mờ bóng bàn tay. Cần phải theo dõi sát trong những ngày sau.
"Biến chứng tắc mạch mắt là biến chứng nặng nề và tàn khốc của tiêm filler, ngoài việc gây mù mắt, mất giảm thị lực còn đe dọa tắc tiếp động mạch não gây nguy hiểm tính mạng hoặc tắc các động mạch nuôi da, cơ thần kinh quanh ổ mắt dẫn đến hoại tử toàn bộ ổ mắt phải khoét bỏ nhãn cầu", PGS Hà nhấn mạnh.