Nhận được 4 học bổng toàn phần bậc thạc sĩ về kinh tế trước khi tốt nghiệp, Nguyễn Thị Thùy, sinh viên lớp Kinh tế đối ngoại K56, Trường ĐH Ngoại thương khiến bất kỳ ai cũng phải trầm trồ thán phục bởi những thành tích học tập “khủng”.
Đặt chân đến khách sạn ở TP Cao Hùng (Đài Loan) cách đây ít ngày, Thùy đang thực hiện cách ly 21 ngày, trước khi trở về ký túc xá để chuẩn bị cho năm học mới. Thùy theo học ngành Quản trị kinh doanh quốc tế MBA tại Đại học quốc lập Đông Hoa (Đài Loan).
Top 1% sinh viên điểm cao nhất toàn trường
Ấn tượng đầu tiên khi trò chuyện với Nguyễn Thị Thùy (quê Thái Bình), đó là một cô gái không những thông minh, giỏi giang mà còn rất khiêm tốn. Khi được hỏi về thành tích đã đạt được trong học tập, Thùy chia sẻ rằng, kết quả học tập cao một phần là nhờ vào sự may mắn và thầy cô ưu ái.
Đạt GPA 3,93/4,0 với bằng tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Kinh tế đối ngoại tại Đại học Ngoại thương, Thùy nằm trong top 1% sinh viên có điểm tốt nghiệp cao nhất toàn trường năm 2021.
Đặc biệt, trong 4 năm đại học, Thuỳ đạt điểm A và A+ ở 44/47 môn học, trong đó 2 môn được mệnh danh là "khó nhằn" nhất nhì trường thì cô gái này đạt điểm trung bình môn tuyệt đối 10/10. Còn lại 3 môn đạt điểm B+.
Chia sẻ về bí quyết học tập, Thùy tâm sự rằng, em không có bí quyết học tập nào cụ thể. Em luôn lên kế hoạch chi tiết và đặt mục tiêu trước mỗi môn học. Thường sẽ là các kế hoạch theo tuần, tháng hoặc theo từng môn. Sau đó, em ắp xếp công việc cần làm theo các thứ tự ưu tiên để đảm bảo hoàn thành tốt các công việc.
Thay vì thi cuốn chiếu, sinh viên Ngoại thương sẽ có những khoảng thời gian nhất định trong năm dành riêng cho các môn thi. Trong khoảng thời gian này, Thùy thường tập trung 100% vào việc học, ôn thi để đạt được kết quả cao nhất.
Thùy bộc bạch: “Có những lúc việc học tập, nghiên cứu và hoạt động ngoại khóa tạo nhiều áp lực cho em vì diễn ra chồng chéo nhau nhưng em luôn ưu tiên hàng đầu cho việc học. Em tin rằng, khi bản thân mình đã yêu thích làm điều gì đó thì mình sẽ có sức mạnh để hoàn thành hết các công việc và cân bằng chúng”.
Giành 4 học bổng toàn phần
Trải qua 4 năm học Trường ĐH Ngoại thương, Thùy đạt 7/8 kỳ học bổng của trường, đồng thời đạt hàng loạt các học bổng của các tổ chức, doanh nghiệp như: Hiệp hội Thương mại Hoa Kì, Honda Award 2020, AEON, học bổng trao đổi văn hóa ASEAN in Today’s World tại Malaysia.
Nữ sinh gốc Thái Bình cũng nhận được 4 học bổng toàn phần bậc thạc sĩ nghiên cứu về kinh tế của ĐH quốc lập Đông Hoa (Đài Loan), ĐH quốc lập Trung Sơn (Đài Loan), ĐH Verona (Italia) và Học bổng chính phủ Đài Loan.
Đặc biệt hơn, Thuỳ nhận được cả 4 học bổng thạc sĩ trên từ khi chưa tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội.
Khác với quá trình apply xin học bổng từ các nước châu Âu và Mỹ, ở Đài Loan, ngoài điều kiện về kết quả học tập theo đúng chuyên ngành, em phải thuyết phục hội đồng tuyển sinh của trường bằng cách đưa ra bản kế hoạch dự kiến liên quan tới đề tài nghiên cứu thạc sĩ định hướng tới. Nếu thấy phù hợp nhà trường sẽ đồng ý cấp học bổng cho sinh viên.
Trong bản kế hoạch gửi các trường, Thuỳ tập trung trình bày mong muốn được nghiên cứu về các nhân tố tác động đến việc mở rộng thị trường ra nước ngoài của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đài Loan trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
"Em chọn đề tài trên là do ở Đài Loan hiện nay số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 96% thị trường của nền kinh tế. Nhưng khi các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường ra nước ngoài họ gặp nhiều khó khăn và hướng đi đúng. Đồng thời, trước Thuỳ cũng chưa có nghiên cứu chính thống nào đề cập tới vấn đề này. Đó có thể là lý do nhiều trường đại học ở Đài Loan cấp học bổng cho em", nữ sinh chia sẻ.
Đạt 4 học bổng toàn phần nhưng cô gái sinh năm 1999 quyết định chọn mức học bổng hơn 800 triệu đồng từ ĐH quốc lập Đông Hoa (Đài Loan).
Lý do khiến Thuỳ chọn du học Đài Loan thay vì Italia một phần bởi nền văn hoá. Nữ sinh yêu thích nét riêng biệt của Đài Loan, được pha trộn một chút văn hoá cổ Trung Hoa cùng hơi hướng văn hoá phương Đông, vừa cổ kính, vừa hiện đại.
Để chuẩn bị cho việc học thạc sĩ, ngay từ năm thứ 2 đại học, Thuỳ tích cực nâng cao vốn ngoại ngữ của bản thân. Hiện cô đang ở mức 7.5 IELTS tiếng Anh và giao tiếp cơ bản bằng tiếng Trung.
Chia sẻ về kế hoạch học tập, Thuỳ cho rằng, bậc thạc sĩ yêu cầu cao hơn rất nhiều so với bậc đại học nên từ sớm em đã lên kế hoạch học tập cụ thể, chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước. Ngoài thời gian học tập trực tuyến, em dành thời gian đọc sách giáo trình, sách chuyên ngành để có cái nhìn sâu và kỹ hơn về các vấn đề cần được quan tâm.
Dự kiến trong thời gian học tập tại Đài Loan, Thuỳ sẽ tranh thủ trau dồi thêm vốn tiếng Trung để có thể giao tiếp thành thạo với người bản địa. Bởi vì điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tiếp cận các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình nghiên cứu luận văn thạc sĩ.
Về mục tiêu sắp tới, Thuỳ cho biết sẽ cố gắng hoàn thành chương trình thạc sĩ đúng thời hạn để tiếp tục tìm kiếm các học bổng bậc tiến sĩ ở một số nước đầu tàu về kinh tế trong khu vực châu Á, như: Singapore, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.
Thùy tâm sự rằng, cho đến hiện tại, bước ngoặt lớn nhất với Thuỳ là khi bà nội qua đời. Từ nhỏ, em đã ở với ông bà nội nên chịu ảnh hưởng về tình cảm, lối suy nghĩ, cách sống. Sự ra đi của bà để lại nỗi đau lớn, nhưng cũng vì thế mà Thuỳ cố gắng và nỗ lực nhiều hơn để bà an lòng. Nếu bà vẫn còn sống, hẳn sẽ rất tự hào vì cô gái đã hoàn thành lời hứa với bà.
Một số thành tích nổi bật của Nguyễn Thị Thuỳ:
- Sinh viên 5 Tốt thành phố Hà Nội năm học 2019-2020,
- Á quân cuộc thi Tìm hiểu kiến thức xã hội bằng Tiếng Anh - Mastermind 2019,
- Speaker tại dự án MỞ CỬA - dự án vào vòng Chung Kết Cuộc thi toàn cầu về sáng tạo kinh doanh xã hội (Social Business Creation - SBC) 2021,
- Đại sứ trẻ chương trình Tư Duy Thời Đại Số của Facebook,
- Thành viên nòng cốt dự án “Trẻ em số Châu Á - Thái Bình Dương” của UNESCO và được thuyết trình trong buổi đối thoại chính sách giữa UNESCO và Bộ GDĐT.
- Thực tập sinh tại Hiệp hội Thương mại Hoa Kì tại Việt Nam và Bộ Công Thương.
- Đồng thời nữ sinh này cũng có các nghiên cứu khoa học được đăng tải trên Tạp chí Công thương và gửi đi tham dự giải thưởng sinh viên Nghiên cứu khoa học Eureka năm 2021.