Wikileaks mới đây đã công bố hàng loạt các bức email rò rỉ từ hòm thư điện tử của Chủ tịch phụ trách chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, ông John Podesta, trong đó cho thấy những vấn đề gây sốc không kém những phát ngôn của Donald Trump.
Ông John Podesta, người phụ trách chiến dịch tranh cử
của bà Clinton. (Nguồn: Reuters).
Trong hôm 12/10 vừa qua, Wikileaks đã công bố hơn 7.000 email gửi và nhận bởi ông Podesta, trong đó đưa ra một góc nhìn hiếm hoi về các hoạt động tranh cử của bà Clinton. Sự việc đã khiến các cố vấn của bà tức giận, người phát ngôn chiến dịch của bà, Brian Fallon đã cáo buộc Wikileaks “làm tay sai truyền thông cho chính phủ Nga nhằm ủng hộ con rối của họ, Trump”.
Một trong số những bức email rò rỉ gây tranh cãi nhất hiện nay chính là bức thư có đoạn nói rằng bà Clinton ghét “những người dân Mỹ tầm thường”.
“Tôi biết bà ấy đã bắt đầu ghét những người Mỹ tầm thường, nhưng tôi nghĩ chúng ta nên sử dụng điều đó ngay lần đầu tiên bà ấy nói tôi đang chạy đua Tổng thống bởi cô và những người Mỹ tầm thường đều cần một người lãnh đạo” - ông Podesta viết trong một bức email gửi tới Giám đốc truyền thông của bà Clinton, Jennifer Palmieri hồi tháng 4/2015.
Trong một nỗ lực nhằm xác nhận bà Clinton có đến tham dự một sự kiện tổ chức ngày 12/4/2015, tức ngày mà bà tuyên bố sẽ chạy đua vào Nhà Trắng, ông Podesta đã gửi một email tới Palmieri về website tin tức Business Insider. Cả hai trong số họ đều mô tả tờ báo này là thuộc phe cánh hữu.
“Tôi có đúng khi nói rằng họ thuộc cánh hữu không? Nhưng họ có lượng người đọc rất lớn đấy chứ” - ông Podesta hỏi.
“Họ thuộc cánh hữu, nhưng Philippe (Reine Philippe, cựu cố vấn của bà Clinton lúc bà còn giữ chức Ngoại trưởng Mỹ) vẫn khai thác được từ họ” - bà Palmieri trả lời.
Theo một bức email, ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đã biết được rằng Arab Saudi và Qatar - hai đồng minh lớn của Mỹ ở Trung Đông - đang cung cấp “tài chính và hỗ trợ vận chuyển cho phiến quân IS và các tổ chức cực đoan người Hồi giáo dòng Sunni khác trong khu vực”, trong khi trước đây bà từng tuyên bố không hề biết về điều này.
“Trong khi các chiến dịch quân sự đang tiến triển, chúng ta cần phải sử dụng các nguồn tin tình báo truyền thống và ngoại giao để gây sức ép cho chính phủ Qatar và Arab Saudi - hai nước đang cung cấp tài chính và hỗ trợ vận chuyển cho IS và các nhóm cực đoan Sunni khác trong khu vực” - Một bức thư mà bà Clinton gửi cho ông Podesta viết.
Trong số loạt email đầu tiên có chứa các đoạn phát biểu mà bà Clinton đưa ra sau khi rời khỏi Bộ Ngoại giao Mỹ có một bài phát biểu hồi năm 2013 trong đó nói rằng tiến trình đưa ra quyết định chính trị nên được giấu kín khỏi các cử tri bởi các thỏa thuận đằng sau hậu trường nằm trong đó có thể khiến nhiều người “lo lắng”.
“Nếu như mọi người đều theo dõi tất cả các cuộc thảo luận đằng sau hậu trường và cả các thỏa thuận nữa, họ sẽ rất lo lắng. Bởi vậy, bạn cần phải có cả quan điểm công chúng và quan điểm cá nhân của mình” - bà Clinton nói trong một bài phát biểu trước một Hội đồng Quốc gia hồi năm 2013, theo Washington Examiner.
Trong một bữa trưa tại Quỹ Thống nhất người Do Thái tại Chicago hồi tháng 10/2013, bà Clinton từng nói rằng làn sóng người di cư Syria đổ tới Jordan - gây ra bởi cuộc nội chiến ở Syria - đã khiến việc kiểm tra nhận dạng của tất cả những người tìm kiếm dạng tị nạn trở nên bất khả thi.
“Tình hình Syria khiến Jordan lo ngại bởi làn sóng người di cư diễn ra tại biên giới của họ và họ phải đối phó với hàng trăm nghìn người di cư. Họ không thể chắc chắn liệu những kẻ thánh chiến có lẩn vào trong dòng người này hay không” - bà Clinton nói trong một đoạn băng được tìm thấy trong email rò rỉ của ông Podesta.
Trong cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai diễn ra hôm Chủ nhật tuần trước, bà Clinton từng nhận được sự ủng hộ lớn nhờ nêu ý tưởng thiết lập một vùng cấm bay trên các vùng nhất định ở Syria. Tuy nhiên, điều này trái ngược hoàn toàn so với những gì mà bà từng nói hồi tháng 6/2013, khi thể hiện rõ sự ngờ vực về tính khả thi của biện pháp này.
“Nhưng ý tưởng mà chúng ta có về vùng cấm bay ở Syria, khó có thể khả thi. Syria có các hệ thống phòng thủ trên không rất tân tiến. Và chúng ngày càng hiện đại hơn nhờ hàng nhập khẩu từ Nga” - bà Clinton nói trong một đoạn băng bị rò rỉ - “Vậy nên chúng ta không nên đẩy phi công của chúng ta vào chỗ nguy hiểm”.