Sớm tinh mơ, vượt quãng đường ngoằn ngoèo, hun hút từ TP Hà Tĩnh lên xã miền núi Hương Liên, chúng tôi đặt chân đến dãy Giăng Màn khi mây vẫn còn vương vấn lưng chừng núi. Đó cũng là lúc 2 giáo viên “cắm bản” Hoàng Thị Hương và Lê Thị Thành (Trường mầm non Hương Liên, điểm trường bản Rào Tre) tất bật dọn dẹp, nấu ăn rồi nhanh chân đến từng nhà đón học sinh đến trường. Nhà em Hồ Viết Tú (5 tuổi), Hồ Quốc Vương (3 tuổi) ở cuối bản. Khi cô Lê Thị Thành đến, Vương chạy lon ton theo mẹ dưới bếp nhưng Tú còn ngái ngủ trên nhà sàn. Cô Thành nhanh chân lên nhà mặc quần áo, lau mặt, đỡ Tú xuống cầu thang, tiếng khóc thút thít đeo bám mãi. Bước chân thành thục, cô Hoàng Thị Hương đến hỗ trợ vệ sinh cho em Hồ Quốc Nguyên (3 tuổi) để đưa em đến trường. Những người dân có con theo học rất muốn chở con đi cho cô đỡ vất vả nhưng khổ nỗi nhà nghèo, không có phương tiện. Cuộc sống của bà con dân tộc Chứt ở đây còn nhiều khó khăn. Có nhiều gia đình muốn đưa đón các em học sinh đi học cho đỡ vất vả nhưng vì phương tiện đi lại không tiện nên các cô phải đưa đón. Cuộc sống của người giáo viên nhiều lúc khó khăn, nhưng con đường đến trường của trẻ em dân tộc Chứt ở bản Rào Tre suốt hàng chục năm qua chưa bao giờ đứt đoạn. Trên chiếc xe máy cũ kỹ, men theo con đường bê tông ướt nhoẹt lấm đầy bùn đất, hai cô giáo vượt quãng đường hơn 3km mới đến được nhà của học sinh ở bản mới - khu tái định cư bản Rào Tre. Điểm trường bản Rào Tre có 12 cháu nhưng chỉ có 2 cháu gần nhà nên bố mẹ đi bộ đưa đến lớp, còn lại 10 cháu cô giáo phải đến tận nhà đưa, đón. Ngày 2 lượt, đều như vắt chanh. Trước đây khi chưa tổ chức bán trú, giáo viên “cắm bản” ở Rào Tre phải đưa, đón 4 lượt cả đi lẫn về. Trẻ em dân tộc Chứt ở Rào Tre được hỗ trợ tiền ăn bán trú mỗi ngày 16 nghìn đồng/em, riêng ăn sáng được tài trợ mỗi em 5 nghìn đồng/ngày. Các cô phải xin thêm quần áo, làm tất cả các loại hồ sơ, giấy tờ thay phụ huynh, từ giấy khai sinh, hộ khẩu, học bạ đến hồ sơ nhận tiền ăn… Đến trường được ăn những bữa ăn ngon hơn và được cô giáo dạy nhiều điều bổ ích nên trẻ Rào Tre thích được đến lớp. Nhưng sự háo hức của trẻ dường như chưa thay đổi được suy nghĩ của bố mẹ chúng. “Bố mẹ trẻ còn gọi con dậy, chuẩn bị cho con rồi chờ cô đến đón, chứ những ông bố bà mẹ tuổi trên 30 là phó mặc cho cô. Việc học của con họ là trách nhiệm của cô, họ nghĩ vậy”, cô Hương cho hay. Cô Lê Thị Thành mới về điểm trường Rào Tre công tác 2 năm nhưng đã thấm được nỗi nhọc nhằn nghề gieo chữ ở đất này. Rào Tre bây giờ đổi khác nhiều, đã có chiếc cầu bắc qua con sông Ngàn Sâu hung dữ. Nhờ sự chung tay của cả cộng đồng, điểm trường Rào Tre lúc này đã khang trang, tiện nghi hơn hẳn. Người Chứt ở Rào Tre không có ngôn ngữ viết mà chỉ có tiếng nói. Thông qua giao tiếp, học hỏi, hai cô đã thành thục thổ ngữ của đồng bào nơi đây. Suốt hơn 20 năm về với bản Rào Tre, cô giáo Hoàng Thị Hương chưa một lần bỏ lớp. Không đơn thuần là cô giáo dạy chữ, cô còn là y sĩ, họa sĩ, ca sĩ đem cả bầu trời yêu thương đến với những đứa trẻ dân tộc Chứt.