Cơ giới hóa nông nghiệp còn xa

Phương Nguyên 29/02/2016 10:10

Cơ giới hóa nông nghiệp là chủ trương trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, vấn đề này đến nay vẫn chưa đạt được như mong muốn. Thực tế qua 30 năm đổi mới, các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong thủy lợi, cơ giới... được đánh giá là kém phát triển. Nhiều con số cho thấy nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa trở thành một nền nông nghiệp hiện đại. 

Cơ giới hóa nông nghiệp còn xa

Ngành cơ khí chế tạo máy kéo, máy nông nghiệp trong nước
mới chỉ đáp ứng được 32,6% thị trường.

Theo giới chuyên gia, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và tình trạng thiếu lao động rất cao, thường xuyên tiếp xúc hóa chất độc hại, nên chất lượng sản phẩm làm ra và chí phí giá thành không cạnh tranh được với các nước trên thế giới. Vì vậy việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp sẽ giải quyết được tình trạng thiếu lao động nông nghiệp chuyển sang hoạt động phi nông nghiệp. Từ vấn đề này, sức máy thay sức người không những tạo chuyển biến nhanh cho ngành nông nghiệp mà còn là cơ hội để người dân đi lên.

Số liệu thống kê cho thấy, từ giai đoạn đầu đổi mới, ngành nông nghiệp cả nước chỉ có tổng số 97.877 chiếc máy kéo (năm 1995) thì đến những năm gần đây đã tăng lên khoảng trên 497.053 cái. Trước đây, cứ 1000 hộ dân làm nông, lâm, thủy sản thì có 9 máy kéo, đến những năm này đã tăng lên trung bình 32 chiếc/1000 dân. Số lượng máy kéo cỡ trung và cỡ lớn (từ 12CV trở lên) cũng được coi là tăng lên đáng kể trong các lĩnh vực của nông nghiệp, nhưng lại phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Còn các vùng khác như Trung Bộ, Bắc Bộ đặc biệt là các vùng Đông, Tây Bắc thì tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp có dấu hiệu thấp kém hơn.

Hiện nay mức độ đáp ứng cơ giới hóa trong nông nghiệp của người nông dân mới đáp ứng được 32,6% nhu cầu. Mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của Việt Nam được coi là thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và châu Á. Hiện công suất cho ngành này mới đạt bình quân 1,6 HP/ha canh tác, trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan đã đạt 4 HP/ha, Trung Quốc đạt 8 HP/ha, Hàn Quốc 10 HP/ha.

Mặc dù tỷ lệ cơ giới hóa ở nhiều khâu được coi là đã ở mức cao, nhưng do không đồng đều, đặc biệt là tỷ lệ cơ giới hóa sau thu hoạch thấp, nên tỷ lệ thất thoát lúa cũng như các loại nông lâm sản khác rất cao, tạo ra ảnh hưởng lớn về thu nhập cho người dân. Thêm nữa, do công nghiệp trong nước không phát triển phục vụ nông nghiệp nên phần nhiều máy móc nông nghiệp có nguồn gốc từ Trung Quốc và máy cũ từ các nước khác.

Hiện nay, cũng theo thống kê, chỉ có khoảng trên 20% máy làm đất, 32% máy bơm, và 30% máy phát điện, bình phun thuốc có động cơ cung cấp cho các hộ sản xuất tại Việt Nam, bao gồm cả một số loại do chính người nông dân tự chế. Mặc dù các khâu sản xuất đã được chú ý cơ giới hóa, nhưng riêng khâu sơ chế, chế biến sau thu hoạch còn nhiều hạn chế và ít được hỗ trợ.

Tương tự như ngành sản xuất lúa gạo, lâm sản, việc cơ giới hóa cho ngành này cũng còn nhiều bất cập. Được coi là nước có thế mạnh về biển và có những bước tiến cần ghi nhận nhưng trong nhiều năm, số lượng tàu, thuyền, có động cơ của ngành khai thác thủy sản mới tăng được 25%. Tỷ lệ tàu thuyền sở hữu gia đình có công suất lớn chiếm phần rất nhỏ trong tổng số lượng tàu thuyền trên cả nước. Vì vậy, trang bị của ngành khai thác thủy sản Việt Nam hiện nay không phù hợp với hoạt động đánh bắt xa bờ, dù từ năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 393/TTg về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước cho các dự án đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và tàu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ.

Trong chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010 tầm nhìn tới năm 2020, ngành cơ khí chế tạo máy kéo, máy nông nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng được 32,6% thị trường (thấp hơn mục tiêu của chiến lược là 40-50% vào năm 2010). Nhập siêu của ngành cơ khí lớn hơn 10 tỷ USD/năm, trong đó giá trị nhập khẩu thiết bị máy móc chiếm tỷ lệ cao nhất. Mặc dầu tỷ lệ cơ giới hóa cao song trình độ trang bị còn rất lạc hậu. Hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún. Cơ giới hóa tập trung chủ yếu trên cây lúa. Gieo trồng lúa bằng công cụ sạ hàng kéo tay, máy cấy mới chỉ rải rác ở một số địa phương với tỷ lệ thấp.

Theo Học viện Nông nghiệp Việt Nam, để chính sách đi vào thực tiễn cần phải thực hiện tốt các chính sách đó bằng các cơ chế cụ thể. Đặc biệt cho ba vị trí quan trọng là: doanh nghiệp, nông dân, nhà nghiên cứu khi đầu tư vào khoa học công nghệ, đầu tư cho cơ giới hóa. Còn theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam, ngành cơ khí máy nông nghiệp gần như “dậm chân tại chỗ”. Cả nước hiện có khoảng 100 cơ sở chế tạo, song phần lớn là quy mô nhỏ, sản xuất chất lượng thấp, quy trình sản xuất khép kín, thiếu chuyên môn hóa, thiếu hợp tác liên kết trong tổ chức sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ giới hóa nông nghiệp còn xa