Theo Bộ Tài chính, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá trong tháng 7 vừa qua (ngoại trừ nhóm giao thông), tiếp tục dồn áp lực lên kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại của năm nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nếu đẩy mạnh xuất nhập khẩu; khu vực du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ và nếu tăng trưởng năm 2022 đạt mức 7,8 - 8,4% thì khả năng lạm phát cả năm có thể sẽ ở mức 3,8 - 4,1%.
Cùng với nguyên nhân kể trên, thì áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm còn đến từ các nguy cơ tiềm ẩn, như dịch bệnh, thiên tai, bão lụt… có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ.
Về dịch bệnh, trong 10 ngày qua, số ca mắc Covid-19 có chiều hướng tăng, trong đó có 4 ngày liên tiếp số ca mắc mới lên tới con số 2000. Cúm A cũng quay trở lại, cùng với dịch chân tay miệng, sốt xuất huyết, trong khi dịch bệnh đậu mùa khỉ có nhiều nguy cơ xâm nhập vào nước ta. Thông tin từ Bộ Y tế, chúng ta phải sẵn sàng đối phó với nguy cơ “dịch chồng dịch”. Điều này chắc chắn sẽ tăng chi phí y tế.
Về thiên tai, chúng ta đã bước vào thời điểm mưa bão, nhất là với miền Bắc và miền Trung. Thời gian qua, thế giới đã chứng kiến sự bất thường, cực đoan của thời tiết, trong đó có nhiều nước châu Á. Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka... đã và đang chịu áp lực rất lớn từ hạn hán, lũ lụt. Đó cũng cần được coi là dấu hiệu cảnh báo đối với Việt Nam.
Cũng theo Bộ Tài chính, trong những tháng cuối năm, khi các gói hỗ trợ của Chính phủ được triển khai quyết liệt, bên cạnh việc nền kinh tế phục hồi tốt hơn thì ít nhiều cũng sẽ gây áp lực tới việc kiểm soát lạm phát do tổng cầu phục hồi, nhu cầu chi tiêu, du lịch của người dân tăng lên sau một thời gian dài bị hạn chế bởi đại dịch Covid-19.
Về những băn khoăn với con số lạm phát của Việt Nam sau khi được Tổng cục Thống kê công bố, theo Bộ Tài chính, hiện nay chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) được sử dụng làm thước đo lạm phát của nền kinh tế trong các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm của Quốc hội và Chính phủ theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 7 chỉ tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,59% so với tháng 12/2021 và tăng 3,14% so với tháng 7/2021. Như vậy, bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,44%.
Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia kinh tế nêu vấn đề: "Bão" giá nguyên vật liệu, nhiên liệu có cuốn phăng mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% của năm 2022? Nếu như giá xăng dầu có xu hướng hạ nhiệt về ngắn hạn nhưng về trung và dài hạn thì cũng vẫn là ẩn số, trong khi trên thực tế suốt từ đầu năm cho tới nay, việc giá nhiên liệu này neo cao đã kéo theo nhiều loại hàng hóa khác lên giá, thiết lập mặt bằng giá mới. Còn về các mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược trên thị trường thế giới vẫn tăng, làm “lung lay” mục tiêu kiểm soát lạm phát của nhiều quốc giá, trong đó có Việt Nam do phải nhập khẩu khối lượng lớn phục vụ sản xuất. 6 tháng đầu năm nay, giá sắt thép, xi măng tăng cao; giá ngô, đậu, cám gạo tăng 30 - 40%. Nếu tính riêng biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất, quý 2 năm 2022 tăng 2,23% so với quý trước và tăng 6,38% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng cao nhất thập kỷ của giá nguyên, vật liệu gây áp lực tăng lạm phát.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng dư địa kiểm soát lạm phát dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra còn khá lớn.
Trước hết, đó là nguồn cung lương thực và thực phẩm trong nước dồi dào. Nói như chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thì "nếu không có nông sản do bà con nông dân hai sương một nắng làm ra thì giá cả có lẽ còn tăng cao hơn nữa. So với nhiều quốc gia, Việt Nam có nhiều thuận lợi khi vừa có hàng hóa xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhưng hàng hóa vẫn cung ứng đầy đủ cho tiêu dùng trong nước”.
Thực tế cho thấy, là nhóm chiếm tỷ trọng cao trong rổ hàng hóa tính CPI nhưng các mặt hàng lương thực đều có mức tăng thấp. Thậm chí, một số mặt hàng giảm giá do được mùa và chuỗi cung ứng hồi phục sau khi mở cửa “sống chung” với dịch bệnh. Tính chung 6 tháng, nhóm lương thực, thực phẩm trong rổ hàng hóa giảm 0,4% so với cùng kỳ 2021, phần nào đã khiến CPI tăng chậm lại.
Theo TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), để lạm phát trung bình cả năm nay vượt mức 4%, thì lạm phát trung bình 6 tháng cuối năm phải ở mức trên 5,56%, nghĩa là trong giai đoạn còn lại của năm 2022 CPI sẽ phải tăng trung bình hơn 0,7%/tháng. “Xác suất xảy ra kịch bản này không cao, bởi bất chấp giá xăng dầu và giá các nguyên, vật liệu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, CPI mới chỉ tăng trung bình khoảng 0,5%/tháng” - ông Độ phân tích, và bày tỏ lạc quan khi cho rằng lạm phát trung bình trong năm nay sẽ ở mức dưới 3,5%.
Một trong những nguyên nhân quan trọng để cho rằng năm 2022 chúng ta sẽ giữ được mức lạm phát ở mức 4% còn là do các cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế được kiểm soát và giữ ở trạng thái tốt hơn giai đoạn trước, dự trữ ngoại hối trên 115 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu nhiều tín hiệu khả quan. 6 tháng đầu năm xuất khẩu ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 710 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỷ USD. Cùng đó, đồng tiền Việt Nam (VND) ổn định so với USD và các đồng tiền khác. Đây là cơ sở để lạm phát cơ bản thấp, ổn định thị trường tài chính tiền tệ và kiềm chế mức tăng của CPI.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, trong tháng 7, trừ nhóm giao thông có chỉ số giá giảm mạnh 2,85%; còn lại 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính đều có chỉ số giá tăng so với tháng trước. Bao gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+1,37%); văn hóa, giải trí và du lịch (+0,79%); nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,49%); đồ uống và thuốc lá (+0,39%); may mặc, mũ nón, giày dép (+0,32%); thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,32%); thuốc và dịch vụ y tế (+0,05%); bưu chính viễn thông (0,26%); giáo dục (+0,2%); hàng hóa và dịch vụ khác (+0,43%).