Cơ duyên, cơ hội, cơ may, vận may, dịp may, thời cơ may mắn... là những ước mơ, mong ước cháy bỏng của con người bình thường đang sống trên trái đất này.
Có triết gia cổ đại đã động viên con người bằng lời nhắn nhủ thân tình sau đây: “Cố gắng lên bạn hỡi, cơ hội cứ cách 1 giờ lại gõ cửa nhà bạn đấy. Đừng bỏ phí cơ hội nhé”.
Triết gia danh tiếng La Cordaire (1802 - 1861) lại khẳng định giá trị tuyệt đối của cơ hội, vận may như sau: “Cơ hội là một sự kiện mạnh mẽ, không có nó việc gì cũng hỏng, có nó việc gì cũng thành công”.
Vậy cơ duyên, cơ hội, cơ may... là gì? Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Cơ duyên là duyên may mà tạo hóa đã định sẵn (theo quan điểm duy tâm)”. “Cơ hội là: 1/Hoàn cảnh thuận lợi gặp được để làm việc gì thường mong ước. Thí dụ: Có cơ hội đi du lịch. Cơ hội ngàn năm có một. 2/(quan điểm): Lợi dụng cơ hội, mưu cầu những lợi ích trước mắt. Thí dụ: Thái độ cơ hội”. “Cơ may là: Cơ hội, dịp có thể gặp may. Thí dụ: Bệnh nhân có cơ may phục hồi được sức khỏe. Cơ may hiếm có. Bỏ lỡ cơ may”.
Qua từ điển và một vài triết gia đã nêu ở trên, có thật cơ hội chia đều cho mọi người không, có thật cơ hội cứ cách 1 giờ lại gõ cửa nhà bạn một lần không? Có người than phiền rằng: “Cả đời tôi mua sổ số mà không bao giờ trúng dù là giải thưởng hạng chót”.
Có người lại rất phấn khởi hào hứng kể lại rằng cuộc đời mình luôn gặp may, luôn có cơ hội thăng tiến, chẳng thế mà 32 tuổi đã có bằng Tiến sĩ, 36 tuổi đã được phong Phó giáo sư. Sự thật cuộc sống mà chúng ta đã và đang trải qua quá phong phú, quá đa dạng, quá vô thường nên cứ phải từ từ theo dõi, từ từ tìm hiểu về cơ hội.
Có tác giả ví cơ hội như là một sự ngẫu nhiên lạ lùng, có thể coi là một ngã tư, một ngã năm của một sự việc. Có đường rẽ rất khó khăn. Có đường rẽ lại rất thuận lợi. Có người luôn gặp các ngã tư may mắn mà đi đến hết cuộc đời một cách bình an vô sự. Vì sao thế? Vì thành công hay thất bại, hạnh phúc hay bất hạnh, khổ hay sướng, buồn hay vui lại còn tùy thuộc vào góc nhìn, tùy vào trình độ tư duy, tùy vào quan niệm sống của từng người.
Ai học làm nghề thầy lang chữa bệnh theo lối đông y thời trước đều thuộc lòng câu danh ngôn sau đây: “Gặp lúc không may, ăn củ hoài sơn mà cũng chết. Gặp khi may mắn, chỉ dùng nước lã cũng cứu được người” (Vận khứ hoài sơn năng sát tử.
Thời lai bạch thủy khả khôi sinh). Củ hoài sơn vốn là một chất bổ để bồi dưỡng, tăng cường sức khỏe cho cơ thể con người, nhưng khi sức lực đã quá yếu, bệnh đã quá nặng thì có khi vừa ăn xong củ hoài sơn thì chết. Trái lại, khi bệnh nhân đến giai đoạn lui bệnh, cơ thể hồi phục dần thì một bát nước lọc cũng có tác dụng làm khỏi bệnh. Như thể rõ ràng cơ hội ở đây chính là biết nắm vững ba giai đoạn tiến triển của một bệnh nói chung như sau:
Giai đoạn 1: Thời kỳ ủ bệnh. Tùy theo bệnh mà có thời gian ủ bệnh từ 2, 3 ngày đến một tuần. Thời gian này tuy đã mắc bệnh nhưng các triệu chứng chưa biểu hiện ra bên ngoài, nên người bệnh chưa đi khám. Ở giai đoạn này người thầy thuốc phải dựa thêm vào các kết quả xét nghiệm cùng với theo dõi các triệu chứng lâm sàng như ho, sốt, tức ngực, khó thở... mới chẩn đoán được bệnh.
Giai đoạn 2: Thời kỳ toàn phát bệnh. Các triệu chứng lâm sàng đã biểu hiện rầm rộ, rõ ràng cùng với các kết quả xét nghiệm cho hướng chẩn đoán bệnh chính xác. Tùy từng bệnh, giai đoạn này kéo dài từ một tuần đến hai tuần.
Giai đoạn 3: Thời kỳ lui bệnh. Nhờ có chẩn đoán bệnh đúng, nhờ có thuốc đặc trị, nhờ được bồi dưỡng cơ thể, được ăn uống, nghỉ ngơi một cách khoa học mà bệnh lui dần. Các triệu chứng lâm sàng nhẹ dần, hết sốt, hết ho, hết khó thở... Người bệnh sẽ dần hồi phục sức khỏe.
Qua việc mô tả về 3 giai đoạn của một bệnh, ta thấy ngay cơ hội chữa khỏi bệnh tốt nhất là ở giai đoạn 1. Sang đến giai đoạn 2 thì việc điều trị rất gay go, phải mạnh tay về thuốc men và phải theo dõi bệnh nhân vất vả qua từng phút, từng giờ. Đến giai đoạn 3 thì việc điều trị rất thuận lợi, chủ yếu là đẩy lùi bệnh và khôi phục sức khỏe cho người bệnh.
Qua câu danh ngôn của đông y, ta thấy rõ ràng cơ hội cũng phải song hành với khoa học, với trí tuệ, với sự hiểu biết về y học.
Triết gia kiêm thi sĩ CH.Mackay đã có bài thơ rất hay về cơ hội vì ông đánh giá rất cao tất cả những nỗ lực nhỏ bé, những đóng góp nhỏ bé nhưng đều được coi là những cơ hội để tạo nên một thành công, một kết quả. Bài thơ như sau: “Mỗi cố gắng nhỏ cũng là một cơ hội/ Mỗi gợn sóng đều góp vào đại dương sâu/ Mỗi hạt mưa giúp nở cành hoa nhỏ/ Mỗi đấu tranh nhân loại bớt nỗi sầu”.
Cái nhìn lạc quan và đầy sức cổ vũ của Mackay đã giúp cho ai đọc thơ ông cũng phấn khởi, vui lòng với những việc nhỏ bé mà mình đang chăm chỉ và tận tụy làm để mưu sinh nhưng cũng là đóng góp phần nhỏ bé vào phát triển xã hội, vun đắp cộng đồng.
Những gợi ý của Mackay lại nhắc ta nhớ đến lời dạy của Lão Tử, một đại triết gia huyền thoại của Đông phương tinh hoa khi trả lời câu hỏi: “Thế nào là người đắc đạo, thế nào là người có cơ hội?”. Lão Tử đã dạy: “Người đắc đạo là người chẻ củi yên tâm chẻ củi cho tốt, người thổi cơm yên tâm thổi cơm cho tốt”.
Từ lời dạy này có tác giả đã suy luận ra là: Người nào chú ý làm tốt công việc của mình đang làm chính là mình đang tự tạo nên cơ hội cho chính mình. Như thế, người nào cứ bồn chồn làm không ra làm, nhấp nhổm không yên, đứng núi này trông núi nọ chính là người tự đánh mất cơ hội cho cuộc đời mình đó. Ngạn ngữ cổ của người Pháp cũng nhắc ta: “Hòn đá cứ lăn mãi thì làm sao có rêu bám vào được”. Mà rêu không bám vào được thì lấy đâu ra cảnh non nước hữu tình, lấy đâu ra rừng nguyên sinh, thảm thực vật phong phú.
Để bàn về cơ hội, có nhiều ý kiến đóng góp rất cụ thể, vừa đúng với lý thuyết, vừa đúng với thực tế. Ngạn ngữ Anh cổ rất được thích thú khi dạy con người: “Hãy làm cỏ khi có nắng”. Nếu trời mưa mà làm cỏ thì coi như vô ích. Nắng càng to, làm cỏ càng tốt. Cơ hội cho nông nghiệp trong việc làm cỏ là trời phải nắng, còn cơ hội đối với con người thì ra sao? Triết gia Sébastien Chamfort (1741 - 1794) đã thẳng thắn cảnh báo: “Đừng bao giờ cho rằng cơ hội sẽ gõ cửa nhà anh hai lần”. Cảnh báo này rất đúng vì có người cả đời chỉ có một lần có cơ hội làm việc này hay việc khác, nhưng anh ta cứ đắn đo, cân nhắc mãi đến nỗi bị người khác tranh mất cơ hội.
Về lựa chọn cơ hội cũng có rất nhiều ý kiến tranh luận. Triết gia La Rochefoucauld (1613 - 1680) đã thẳng thắn xác định: “Trong công việc lớn, phải nên tận dụng ngay cái cơ hội trước mắt hơn là cứ phải chăm chăm chú chú chờ đợi vô vọng một cơ hội khác tốt hơn”. Những người trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm sống đều xác định được lời của Rochefoucauld là đúng. Muốn rõ hơn nữa, sáng tỏ hơn nữa thì hãy tham khảo ý kiến sau đây của Đại văn hào Anh, ông Bernard Shaw (1856 - 1950) đã có một tổng kết mang tính phổ cập, để đời và luôn luôn đúng là: “Đừng tiếc cái hôm qua, đừng đợi cái ngày mai, nhưng quan trọng hơn cả là đừng bỏ cái hôm nay”.
Đừng bỏ “cái hôm nay” tức là đừng bỏ cái cơ hội đang ở trước mắt, đang xảy ra. Phải can đảm đón nhận, phải có chút phiêu lưu để thực hiện bằng được, phải quyết tâm mà tiến tới dù sau đó có hậu quả gì cũng được, bởi đó cũng là một “phép thử” ở đời.
Có ai đó đã nói rất đúng: “Thất bại là mẹ thành công”, vậy thì nếu có thất bại ở cơ hội này để mà rút được kinh nghiệm, để mà trải nghiệm thêm cuộc sống thì cũng đáng giá lắm chứ. Có thất bại thì mới có hy vọng thành công, như một thi sĩ ở thế kỷ trước đã từng thốt lên: “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”. Cuộc đời là liên tiếp những xấu, tốt, thăng, trầm thôi mà, chớ nghĩ ngợi băn khoăn mãi một việc làm gì.
Đại triết gia cổ đại Suetonius (từ năm 98 đến năm 138 sau Công nguyên) đã thành thật khuyên nhủ con người: “Cơ hội có thể mất đi bởi sự bàn cãi quá nhiều”. Điều này mới nghe tưởng là dễ hiểu và ai cũng biết, ai cũng rút được kinh nghiệm để mà tránh việc bàn ra, tán vào, cãi nhau liên miên đến nỗi tuột mất cả cơ hội. Nhưng tiếc thay, trên thực tế cuộc sống, những tranh luận vô bổ vẫn cứ diễn ra ngày này qua ngày khác để đến nỗi cơ hội mất đi hết lần này đến lần khác.
Nguyên nhân sâu xa vẫn là do cái “tôi” quá lớn, ai cũng cho là mình giỏi, mình hay để dạy bảo người khác. Dân gian Việt Nam cũng có câu tương tự là: “Lắm thầy nhiều ma, lắm cha con khó lấy chồng”. Mỗi một thầy bói, thầy cúng lại “sáng tác” ra một loại ma quỷ riêng, thành ra mất bao nhiêu tiền cúng bái mà ma vẫn hoành hành. Nhiều loại bố, loại cha quá, nào cha đẻ, cha nuôi... cãi lộn nhau mãi thành ra con gái hơn 30 tuổi vẫn ế chồng. Tốt nhất tự mình, tự bản thân phải xác định được cơ hội cho mình. Việc tham khảo ý kiến người khác cũng cần thiết, nhưng chỉ cần đến một mức độ nào đó thôi kẻo lỡ mất cơ hội, tuột mất thời cơ.
Khi bàn về “cơ hội” có người bạn đã nhắc tôi: “Sao không coi những cố gắng nhỏ của chúng ta hàng ngày đều là những cơ hội để hoàn thành các công việc?” làm tôi nhớ lại hai câu thơ đã học thuộc lòng của thi sĩ CH.Mackey: “Mỗi hạt mưa giúp nở cành hoa nhỏ/ Mỗi đấu tranh nhân loại bớt nỗi sầu”.