Kinh tế

Cơ hội bứt phá kinh tế tư nhân

Thuý Hằng 30/04/2025 14:31

Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt mức tăng trưởng hai con số từ năm 2026. Đây là thời điểm để nhận diện cả cơ hội lẫn thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp tư nhân phải bứt phá mạnh mẽ.

Tiềm năng kinh tế tư nhân

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Việt Nam đang chứng kiến một giai đoạn lịch sử đổi mới, chuẩn bị cho bước chuyển sang thời đại khác cùng với nhân loại. Bởi theo ông thế giới đang "bất thường" và Việt Nam "khác thường".

Theo ông Thiên, sự bứt phá của doanh nghiệp (DN) tư nhân thời điểm này là đáng quý vô cùng. Đây sẽ là thời đại của các DN nghĩ lớn và làm ăn lớn. Cuộc đua cạnh tranh không dành cho những toan tính, kiếm ăn nhỏ lẻ.

anh thay
Doanh nghiệp tư nhân là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Ảnh: Quang Vinh.

Cả thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số... Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới và kỳ vọng tăng trưởng 2 con số. Vì vậy, vai trò của kinh tế tư nhân sẽ phải thích nghi nhanh hơn, trong đó, thích ứng quan trọng nhất là thích ứng về khoa học công nghệ. Kinh tế tư nhân bao giờ cũng là khu vực năng động nhất và sẵn sàng chấp nhận rủi ro, đây cũng là cơ hội lớn cho kinh tế tư nhân bứt phá.

Hiện tại, khu vực kinh tế tư nhân đã được nhìn nhận là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Cùng với chính sách, Chính phủ cũng đã có những hành động cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển như: DN tư nhân được tham gia vào đầu tư công thông qua các đơn đặt hàng của Chính phủ; Chính phủ cũng đang đặt mục tiêu cắt giảm 30% các thủ tục hành chính không cần thiết...

Là một DN đa ngành, TS Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái nhận định, giai đoạn này có nhiều sự thay đổi lớn và nhanh. Nếu DN chậm 1 ngày thì mất 3 ngày cơ hội. Do đó, ông Đoàn cho rằng DN phải chủ động, phải trăn trở suy nghĩ, tìm cách để thích nghi và đặt ra câu hỏi phải làm gì trong 5 năm tới? “Đây là lúc DN tư nhân phải thay đổi từ môi trường truyền thống sang một môi trường mới, khác biệt hoàn toàn, đòi hỏi DN phải có trình độ quốc tế. Đặc biệt, DN phải biết lựa sức mình, tập trung vào các giá trị cốt lõi, không dàn trải, đa ngành khi chưa đủ nguồn lực” - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nêu quan điểm.

Hỗ trợ bằng cách nào?

Trao đổi với báo chí, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty cho rằng, hỗ trợ khu vực tư nhân là cần thiết, thông qua các biện pháp như nới lỏng quy định hành chính, giảm bớt thủ tục rườm rà và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN tiếp cận tài chính, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Đây là những yếu tố then chốt.

Trong tương lai, việc cải thiện năng suất lao động cũng sẽ là một yếu tố quan trọng. Điều này đòi hỏi phải tập trung vào giáo dục và đào tạo, giúp nâng cao trình độ, năng lực lao động Việt Nam. Nhờ đó, người lao động sẽ có thể tìm được những công việc tốt hơn, mang lại lợi ích cho chính họ và cả nền kinh tế.

GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng khoa Kinh tế Chính trị, Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, cấu trúc nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu gia công, đặc biệt là khu vực FDI. Do đó, nền kinh tế cần nhanh chóng chuyển dịch sang dựa vào khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

GS.TS Tô Trung Thành cũng cho rằng, cần cải cách thể chế kinh tế để thúc đẩy kinh tế tư nhân, đồng thời với việc thay đổi tư duy xây dựng pháp luật từ "quản lý bằng cấm đoán" sang "hỗ trợ và phục vụ DN". Ngoài ra, việc tạo dựng một môi trường đầu tư - kinh doanh minh bạch, bình đẳng sẽ là yếu tố nền tảng để DN nội địa phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Cần thúc đẩy nội địa hóa sản phẩm trong khu vực FDI, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và đầu tư vào các ngành công nghiệp chiến lược từ đó tạo sức bật mới cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới" - GS.TS Tô Trung Thành đề xuất.

Đầu tư công thúc đẩy đầu tư tư nhân

Từ một góc nhìn khác, PGS.TS Phạm Thế Anh chỉ rõ rằng trong bối cảnh thế giới bất định, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ ngày càng thận trọng. Trong bối cảnh này, với DN FDI không còn nước nào, bao gồm cả Việt Nam là một điểm đến an toàn tuyệt đối, đặc biệt khi các rào cản thuế quan gia tăng.

Với đầu tư tư nhân, ông nhấn mạnh việc tạo dựng một môi trường ổn định, minh bạch là chìa khóa để giữ và thu hút dòng vốn dài hạn.

"Ngoại trừ đầu tư kiểu “ăn xổi”, hưởng chênh lệch giá trong thời gian ngắn, với hoạt động đầu tư tư nhân bài bản vào sản xuất, kinh doanh, không ai đầu tư để kiếm lợi trong một vài năm mà mục tiêu thậm chí tính bằng thập niên. Do đó, muốn thúc đẩy, quá trình cải cách tạo dựng môi trường kinh doanh tốt cũng phải đạt được kết quả trong thời gian tương đối dài mới thật sự thu hút mạnh mẽ khu vực này một cách thực chất" - PGS.TS Phạm Thế Anh nói.

Về đầu tư công, vị chuyên gia này khẳng định rằng đây là nguồn lực quan trọng, tuy nhiên, cần lưu ý đây không phải là mục đích cuối cùng mà là hoạt động có vai trò dẫn dắt của khu vực tư nhân.

"Nếu đẩy mạnh giải ngân đầu tư công bằng mọi giá, rất dễ dẫn đến rủi ro lạm phát, bong bóng tài sản, lệch pha chính sách tiền tệ, tài khóa. Thay vào đó, cần thúc đẩy giải ngân đầu tư công một cách chọn lọc, hướng tới các công trình có khả năng thay đổi diện mạo nền kinh tế và kêu gọi cả khu vực tư nhân cùng tham gia đầu tư" - PGS.TS Phạm Thế Anh nói.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Công ty Kiểm toán PwC chia sẻ, DN tư nhân cần phải tập trung vào việc tích hợp AI vào hoạt động của DN khi sự phát triển của AI đang tiến dần đến hoạt động của mỗi DN tư nhân. Bên cạnh đó, DN tư nhân cần phải phát triển bền vững, đây là một trong những vấn đề nóng. Tiếp theo, DN tư nhân cần phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực, trong thời đại thay đổi hiện nay, vấn đề đào tạo nhân lực là một trong những vấn đề hết sức quan trọng.

Cuối cùng, DN cần chú trọng vấn đề tái cơ cấu. “DN cần xác định được vấn đề năng lực cốt lõi, năng lực cạnh tranh, nếu không xác định được sẽ ảnh hưởng đến vấn đề phát triển lâu dài” - bà Vân nhận định.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Tập đoàn Tân Đông Hiệp, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM:

Chính sách cần đi vào thực tế

miss Lý Kim Chi

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cắt giảm 30% thủ tục hành chính nhưng thực tế, các dự thảo của một số bộ, ngành vẫn xuất hiện những quy định làm tăng chi phí, gia tăng thủ tục cho DN. Nếu các bộ, ngành vẫn giữ tư duy "quản không được thì cấm" thì sẽ không thể tháo gỡ những rào cản đối với sự phát triển của nền kinh tế. Chính sách đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Việc thực thi chính sách cần được thực hiện một cách đồng bộ, đi vào thực tế sản xuất - kinh doanh và đời sống của DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội bứt phá kinh tế tư nhân