Cơ hội bứt tốc của nền kinh tế

T.H 28/10/2022 05:49

Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, dự kiến quý IV/2022 có gần 49% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2022, gần 34% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Vì vậy, sự kỳ vọng của một số chuyên gia kinh tế về những cơ hội cho sự bứt tốc của nền kinh tế trong quý IV/2022 là có cơ sở.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Trong những tháng đầu năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường và chưa có tiền lệ; ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Trong bối cảnh đó, bám sát các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực; tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp, làm việc, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí lớn nhất từ trước tới nay; đồng thời triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội...

Vì vậy, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. CPI bình quân 9 tháng năm 2022 tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%. Tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2022 đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu đặt ra là 6 - 6,5%). Thu ngân sách 9 tháng năm 2022 đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; ước cả năm vượt 14,3%, tăng 2,9% so với năm 2021.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh), những nỗ lực của Việt Nam đã được thế giới ca ngợi. Thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, đòi hỏi chúng ta tiếp tục nắm bắt tình hình, phát huy hơn nữa những thành quả đạt được, dự báo tốt và tiếp cận với thị trường quốc tế để có giải pháp ứng phó phù hợp. Năm 2023, Việt Nam hướng tới mục tiêu tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ông Ngân cho rằng Việt Nam cần tăng thêm các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, trong các chính sách hỗ trợ đó có Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt giải ngân nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Về tiến độ triển khai gói hỗ trợ lãi suất, bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Đến hết tháng 8/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất khoảng 10.700 tỷ đồng với gần 580 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất 9.820 tỷ đồng và số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng dự kiến 13,5 tỷ đồng. Qua báo cáo nhanh đến hết tháng 9/2022, số tiền hỗ trợ lãi suất của toàn hệ thống đạt khoảng 26 tỷ đồng.

Cho rằng việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% vẫn còn khá thấp, người đi vay vẫn còn gặp những khó khăn trong việc tiếp cận gói hỗ trợ này, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất, cần chuyển nguồn này sang hỗ trợ miễn giảm thuế phí, gia hạn thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, có như vậy, chúng ta mới tạo được thanh khoản cho doanh nghiệp, tạo động lực và Chính phủ chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh giá cả đang có những biến động mạnh.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng những tháng cuối năm, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình thế giới phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, lạm phát cao trên toàn cầu, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào tăng, dịch Covid-19 vẫn có nguy cơ gia tăng trên thế giới… Vì vậy, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022, nhiều ý kiến cho rằng, cần tập trung khơi thông các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, để đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm thực hiện, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.

Cùng với đó, đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai quy hoạch, tăng cường liên kết vùng để tạo sự đồng bộ, không gian mới và động lực mới cho sự phát triển của các vùng kinh tế - xã hội cũng như các địa phương trong vùng. Đẩy mạnh sản xuất trong nước, nhất là các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung...

Tính chung 9 tháng năm 2022, thu ngân sách nhà nước ước đạt 94% dự toán, tăng 22%; vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2022 ước tính đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất 9 tháng trong 5 năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội bứt tốc của nền kinh tế