Một thời, hàng loạt nhà máy cồn Ethanol đi vào hoạt động, hàng chục nghìn hộ nông dân ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên đua nhau trồng sắn. Thế rồi các nhà máy dừng hoạt động, người nông dân đã méo mặt với cây sắn. Nhưng đến thời điểm này, khi xăng E5 được đưa ra thị trường liệu có tạo ra cơ hội cho cây sắn?
Xăng E5 ra thị trường có tạo ra cơ hội cho cây sắn?
Những năm 2005 - 2010, không chỉ người dân Quảng Nam, Quảng Ngãi mà cả khu vực miền Trung đã đua nhau trồng sắn. Thời điểm này nếu về các địa phương như Sơn Tịnh, Ba Tơ, Trà Bồng… (Quảng Ngãi), hay các huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Phú Ninh, Tiên Phước… (Quảng Nam) đâu cũng thấy sắn. Theo số liệu của ngành nông nghiệp các địa phương, lúc cao điểm, diện tích sắn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên lên đến 181.000 ha, riêng Quảng Nam có lúc sắn lên đến trên 15.000 ha, còn ở Quảng Ngãi đến 18.000 ha.
Ông Nguyễn Đại Nam là một trong những hộ từng trồng sắn rất nhiều của xã Tam Đại, huyện Phú Ninh cho biết: “Thời điểm Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân ra đời, không riêng gì tôi mà bà con các nơi đều đua nhau trồng sắn. Tôi trồng cả mấy ha và bán được giá. Thế rồi nhà máy đóng cửa, sắn ế, đầu ra chỉ biết dựa vào các nhà máy tinh bột. Sắn thừa, rớt giá, bị tư thương ép. Niềm vui dựa vào cây sắn thế là thất bại hoàn toàn!”.
Gần đây khi xăng E5 được đưa ra thị trường, liệu đây có là cơ hội cho cây sắn trở lại thời hoàng kim? Trao đổi với Đại Đoàn Kết về vấn đề này, ông Nguyễn Muộn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết: Thời điểm cao nhất diện tích sắn lên đến trên 15.000 ha, giờ thì còn khoảng 10.000ha. Nếu sắn chỉ có giá 1.200 đồng/kg thì người trồng sắn không có lãi, trong khi đó cây sắn trồng cả năm mới cho thu hoạch. Nếu xăng E5 được thị trường và được chấp nhận cũng có thể là cơ hội cho cây sắn lên ngôi.
Tuy nhiên qua trao đổi với nhiều người nông dân họ vẫn còn dè dặt khi nói về cây sắn. Ông Nguyễn Đại Nam cho rằng, trước, nhiều người thấy các nhà máy cồn xây dựng lên hoành tráng, cứ nghĩ dựa vào sắn sẽ giải quyết được cơm áo, gạo tiền, thậm chí còn là làm giàu. Có lúc sắn được giá lên đến trên 2.000 đồng/kg đã tạo ra nguồn thu hàng chục triệu, thậm chí có gia đình thu cả trăm triệu đồng. Nhưng có lúc sắn rớt xuống 500 đồng/kg, thậm chí bán không ai mua mới thấy đắng lòng. Rồi nhà máy cồn đóng cửa, niềm tin vào sắn đã biến thành nỗi đau.
“Theo tôi, dù xăng E5 được đưa ra thị trường thì người dân vẫn còn e dè. Nếu thị trường xăng này ổn định và giá cả sắn tăng lên thì mọi người mới tính đến trồng cây sắn đại trà” – ông Nam bộc bach. Xem ra việc để cây sắn trở lại thời hoàng kim ở Quảng Nam vẫn còn là câu chuyện ở phía trước.