Cơ hội cho dạy - học trực tuyến

Thu Hương 18/12/2021 08:06

Trong điều kiện dịch bệnh, nhiều trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đã nhanh chóng và kịp thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo với phương châm dạy học trực tuyến không phải là phiên bản online của dạy học trực tiếp.

Nhu cầu tự thân

Đào tạo trực tuyến (E-learning) trên thực tế đã được ứng dụng trong giảng dạy ĐH ở Việt Nam từ lâu. Tuy nhiên phần lớn chỉ là đào tạo một phần theo hình thức ứng dụng công nghệ vào trong bài giảng, trình chiếu slide, học trên máy tính, chia sẻ tài liệu qua mạng… nhưng học trên giảng đường vẫn là chủ đạo.

Nếu như trước đây, việc đào tạo ĐH 100% là học tập trung, không có ứng dụng của E-learning trong giảng dạy thì thời gian gần đây có những trường sử dụng E-learning như một trong những phương thức đào tạo quan trọng, là một thành phần không thể thiếu trong việc tổ chức lớp học, được đầu tư mạnh về hệ thống. Ở cấp độ cao nhất của E-Learning tại Việt Nam tính đến nay đó là các nhà trường hình thành nên Trung tâm đào tạo trực tuyến, chuyển đổi hoàn toàn mô hình hoạt động sang học trực tuyến, từ học tập, giảng dạy, quản lý, chất lượng.

Điển hình, Trường ĐH Mở Hà Nội đã triển khai thành công phương thức đào tạo trực tuyến từ kinh nghiệm hơn 30 năm trong đào tạo từ xa. TS Dương Thăng Long - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội nhìn nhận, đào tạo trực tuyến là nhu cầu tất yếu và cũng là nhu cầu tự thân đối với các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam nói chung và với những trường có đào tạo từ xa nói riêng.

“Công nghệ đã giúp xóa nhòa khoảng cách về chất lượng đào tạo, dù là từ xa hay trực tiếp. Theo đó, chất lượng giáo dục vẫn được cung cấp đến người học một cách tốt nhất” - TS Long nêu quan điểm.

Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, việc dạy học trực tuyến là hình thức giáo dục phù hợp và phổ biến ở nhiều quốc gia và được thực hiện ở nhiều cấp học. Đặc biệt, với sinh viên ĐH, CĐ có ý thức tự giác học tập, trưởng thành hơn so với học sinh phổ thông nên việc dạy học trực tuyến cũng có nhiều thuận lợi hơn.

Khó khăn lớn nhất đó là việc nhiều ngành nghề khó triển khai thực hành, thực tập thông qua giảng dạy trực tuyến mà cần phải trực tiếp hướng dẫn, thao tác mẫu với dụng cụ thật bằng mắt thấy tai nghe. Ngay cả các xưởng thực hành ảo cũng chỉ có được một số thiết bị mô phỏng ảo mà dù sinh viên đã thực hành rất nhiều lần nhưng đến khi gặp phải trực tiếp vẫn ít nhiều bỡ ngỡ.

Vì vậy, làm sao để nâng cao hiệu quả đào tạo trực tuyến, giúp các trường bảo đảm tiến độ học tập của sinh viên, học viên trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát và ngay cả khi đã thích ứng với dịch bệnh thì giải pháp đào tạo trực tuyến cho giáo dục ĐH vẫn là vấn đề được tất cả các cơ sở giáo dục quan tâm.

Quan trọng là thay đổi phương pháp

Tại hội thảo “Đào tạo trực tuyến trong giáo dục ĐH Việt Nam” do Trường ĐH Mở Hà Nội Nội phối hợp với VTVlive và Câu lạc bộ Giáo dục Mở (Hiệp hội Các trường ĐH,CĐ Việt Nam) tổ chức, TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết đến thời điểm này Bộ GDĐT đã ban hành một số chính sách liên quan đến đào tạo trực tuyến.

Trong đó, có Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT. Thông tư này cho phép các cơ sở đào tạo được tổ chức các lớp học theo phương thức trực tuyến khi đáp ứng các quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng. Ngoài ra, có các giải pháp bảo đảm chất lượng và minh chứng về chất lượng tổ chức lớp học phương thức trực tuyến không thấp hơn chất lượng lớp học phương thức trực tiếp.

Đặc biệt, Thông tư quy định đối với đào tạo theo hình thức chính quy và vừa làm vừa học, tối đa 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo được thực hiện bằng lớp học trực tuyến. “Theo tôi đây là cơ hội rất tốt để các trường thúc đẩy hình thức giảng dạy trực tuyến trong điều kiện bình thường” - TS Nghệ nói.

Cơ sở pháp lý đã có và đang dần hoàn thiện từng bước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Song như quan điểm của GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, phương pháp dạy học trực tuyến rất quan trọng, giáo viên cần phân biệt được sự khác nhau giữa giảng dạy trực tiếp và trực tuyến để làm nên thành công của quá trình đào tạo.

Bởi dù có đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại đến đâu đi nữa, đường truyền tốc độ cao, mà giáo viên không nắm vững phương pháp thì sẽ không thể dạy học trực tuyến được hiệu quả và lâu bền.

Theo GS Phạm Tất Dong, dạy học trực tuyến đúng nghĩa sẽ giúp người học tự kiến tạo tri thức cho mình, thông qua việc cá biệt hóa lộ trình học tập. Mỗi người có thể xem đi xem lại nhiều lần một bài học, các bài tập đánh giá thường xuyên, câu hỏi trắc nghiệm sẽ được lồng ghép ngay trong bài học khiến người học tự mình có thể hiểu rõ bài học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội cho dạy - học trực tuyến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO