Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ yêu cầu hàng hóa “made by Vietnam” phải đáp ứng nhiều vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng hướng đến người tiêu dùng trên thế giới. Và doanh nghiệp Việt đang nỗ lực xây dựng hàng hóa đạt chuẩn để hội nhập.
Doanh nghiệp nỗ lực
Bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao khẳng định: “Tiêu chuẩn đối với hàng hóa, đặc biệt là nông sản và thực phẩm của Việt Nam đang ngày càng nóng, ngày càng khốc liệt hơn. Nếu chúng ta không có đầy đủ thông tin, không nắm được sự tiến bộ của cuộc cạnh tranh, chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi”.
Bà Hạnh lấy ví dụ cụ thể: “Tôi nghe một thương lái xuất khẩu sầu riêng đi Trung Quốc cho hay, sầu riêng Thái Lan cạnh tranh với sầu riêng Việt bằng cách không hạ giá, không khuyến mại, chỉ cạnh tranh bằng tiêu chuẩn”. Bà Hạnh giải thích rõ, người ăn sầu riêng có nhiều khẩu vị khác nhau nhưng Thái Lan đưa ra tiêu chuẩn sầu riêng khô là ngon nhất vì họ hiểu được thị hiếu của khách hàng”.
Là người dày dạn kinh nghiệm khi đưa sản phẩm gạo Việt vào các thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc,... và cũng là một trong những doanh nghiệp đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập, ông Phạm Thái Bình – Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, tiêu chuẩn này tạo nhiều lợi thế cho doanh nghiệp.
Ông Bình nhấn mạnh: “Sản phẩm đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập giúp doanh nghiệp định vị xem hàng hóa ở mức nào, phản hồi quốc tế ra sao, đồng thời kích thích động lực phát triển của doanh nghiệp. Hơn nữa, những sản phẩm đạt hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập đẩy mạnh lượng tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước”.
Còn ông Phùng Nhi Phương - chuyên gia đánh giá tiêu chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập nhận định, tiêu chuẩn hội nhập giúp doanh nghiệp đảm bảo chất lượng ổn định đúng như cam kết với người tiêu dùng. Đạt được chuẩn hội nhập cho sản phẩm xuất khẩu sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo kịp chuẩn hội nhập
Chia sẻ với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, một trong những khó khăn của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là việc lựa chọn tiêu chuẩn để áp dụng cho sản phẩm. Tuy nhiên, khi có định hướng về tiêu chuẩn, chất lượng thì doanh nghiệp nên cố gắng xây dựng một cách hiệu quả”.
Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập có thể trở thành chuẩn riêng giúp hàng Việt tăng sức cạnh tranh bằng cách mở rộng thị trường tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. “Cạnh tranh bằng giá kéo nhau xuống đáy. Cạnh tranh bền bỉ, nghiêm túc, quyết liệt nhất chính là bằng chất lượng ổn định. Muốn chất lượng ổn định cần tuân thủ theo tiêu chuẩn một cách nghiêm túc”- bà Vũ Kim Hạnh lưu ý doanh nghiệp. Theo bà Hạnh, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng thì việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu trở nên cần thiết và quan trọng.
Ông Nguyễn Quân – Nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ nêu quan điểm, hàng Việt muốn vào thị trường các nước thì phải đáp ứng tiêu chuẩn của thế giới. Nếu như trước đây hàng Việt Nam chất lượng cao chỉ do người tiêu dùng bình chọn nhưng nay yêu cầu thêm thành hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập. Nghĩa là hàng hóa phải đáp ứng cả hệ thống tiêu chuẩn trong và ngoài nước.
Ông Quân cho rằng, tiêu chuẩn này sẽ khó hơn nhưng doanh nghiệp Việt phải luôn cố gắng, phấn đấu, đạt và giữ vững chất lượng hàng hóa đối với thị trong nước và xuất khẩu. Từ đó, có thể rộng cửa tham gia chuỗi giá toàn cầu, tiếp cận người tiêu dùng quốc tế.
“Tôi mong muốn, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập. Hy vọng một ngày không xa rất nhiều doanh nghiệp Việt có thương hiệu. Khi đó, người tiêu dùng thế giới nhắc đến sản phẩm chất lượng, thương hiệu là nhắc tới Việt Nam”- ông Quân nói.
Tính đến nay, đã có 197 doanh nghiệp được cấp chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập, trong đó có 135 doanh nghiệp ngành thực phẩm và 62 doanh nghiệp ngành phi thực phẩm. Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM nhận định: “Rõ ràng, hàng hóa đạt chuẩn hội nhập là cần thiết, giúp doanh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu hiệu quả hơn. Thế nhưng, doanh nghiệp cũng không nên bỏ lỡ thị trường trong nước”.
Chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập thường xuyên có các chương trình tư vấn hàng tuần hay kết hợp với các sự kiện lớn của chương trình hàng Việt Nam Chất lượng cao cho doanh nghiệp về tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng như HACCP, ISO 22000, FSSC, LocalG.A.P., GlobalG.A.P, ISO 9001, 14001, 4500. SA8000… và Bộ tiêu chí hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập.