Dịch Covid-19 đã dẫn tới chuỗi cung ứng trong ngành nông sản, thực phẩm bị đứt gãy, trong khi nhu cầu thực phẩm tại các quốc gia trên thế giới vẫn tăng mạnh.
Và Việt Nam chính là sự lựa chọn lý tưởng trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta kiểm soát dịch tốt, nguồn cung cấp nông sản, thực phẩm phong phú với chất lượng đảm bảo, phù hợp nhiều phân khúc tiêu thụ khác nhau để cung ứng cho thị trường quốc tế.
Đây là ý kiến của ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tại Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế nông sản, thực phẩm Việt Nam 2020 sáng 24/9, tại Hà Nội.
Chỉ tính riêng tháng 8, trị giá xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang thị trường EU ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng 7/2020 và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019. Ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) cũng cho rằng, Việt Nam có năng lực đảm bảo các yêu cầu từ phía những nhà nhập khẩu về hàng nông sản, thực phẩm khi có hơn 6.335 ha hoa quả áp dụng VietGAP/GlobalGAP và đã được cấp mã số vùng trồng đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, chúng ta có hơn 5.000 ha trang trại thuỷ sản được công nhận áp dụng VietGAP/GlobalGAP; 100% trang trại cá basa xuất khẩu được cấp mã xuất xứ; 100% tàu đánh bắt cá cam kết nói không với đánh bắt cá trái phép (IUU fishing);...
Ngoài ra, Việt Nam đang phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao, nhằm đưa sản phẩm vượt trội về chất lượng, thương hiệu, tuân thủ những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm...; qua đó, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu, tăng khả năng cạnh tranh. Đây chính là những lợi thế để nông sản của Việt Nam ngày càng rộng đường ra thế giới.
Cam kết tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Dự án để nâng cao kim ngạch xuất khẩu, bà Dương Kim Liên - Phó Giám đốc Dự án USAID LinkSME nhấn mạnh, USAID LinkSME sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, cụ thể là Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu cùng các hiệp hội ngành hàng để ngày càng hỗ trợ được nhiều hơn các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.