Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giá gạo xuất khẩu trong vài tháng gần đây liên tục “nhảy lên”. Cụ thể vào cuối tháng 12/2022, giá gạo 5% tấm đạt 455 USD/tấn, cao hơn 11 USD/tấn so với tháng 11. Đến cuối tháng 1/2023, giá loại gạo này tăng lên 467 USD/tấn, cao hơn 12 USD so với tháng trước. Trong khi đó, giá gạo 25% tấm cuối tháng 1/2023 cũng ghi nhận tăng cao ở mức 439 USD/tấn, tăng 14 USD so với tháng trước.
Ngày 5/2, giá lúa gạo tại khu vực ĐBSCL tiếp tục điều chỉnh tăng. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam điều chỉnh tăng 15 USD/tấn.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam neo cao sau phiên điều chỉnh tăng. Hiện giá gạo 5% tấm đang ở mức 473 USD/tấn; gạo 25% tấm duy trì ở mức 453 USD/tấn. Trong tuần qua, giá gạo xuất khẩu điều chỉnh tăng 15 USD/tấn.
Ông Nguyễn Văn Toản - Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Thiên Toàn (An Giang) cho biết, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện cao hơn từ 5-8USD/tấn so với gạo cùng chủng loại của Thái Lan. “Điều này cho thấy vị thế, chất lượng và cách tiếp cận thị trường của chúng ta đang tốt lên rất nhiều” - ông Toản nói.
Những diễn biến trên đã tác động tích cực đến giá lúa tại ĐBSCL. Cụ thể, tại Đồng Tháp chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, giá lúa OM 5451 tăng từ 1.000 đồng/kg, tức ở 6.300 lên 7.400 đồng/kg; lúa IR50404 giữ ở mức 6.600 - 7.500 đồng/kg; tương tự tại Vĩnh Long, giá lúa OM 5451 tăng từ mức 6.200 - 6.300 đồng/kg; giá lúa Đài thơm tại An giang tăng vọt từ mức 8.000 đồng/kg lên 9.500 đồng/kg.
Tín hiệu đáng mừng là hạt gạo Việt đã thâm nhập sâu vào những thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước thuộc khối Ả Rập. Trong đó, điển hình là gạo thơm ST24, ST25 được xuất khẩu sang nhiều nước, với giá gấp hơn 2 lần gạo trắng thông thường.
Tại cuộc họp mới đây bàn về xuất khẩu ngành lúa gạo, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong khó khăn, ngành lúa gạo vẫn luôn giữ được đà tăng trưởng tốt. Đáng mừng là xuất khẩu gạo đang tăng cả về giá và số lượng, thậm chí có những thời điểm, giá gạo của Việt Nam có giá trị cao hàng đầu thế giới. “Một lần nữa tiếp tục thể hiện hướng đi đúng trong việc chuyển hướng tăng cường sản xuất gạo chất lượng cao của ngành nông nghiệp” - ông Tiến nói.
Đáng chú ý, để tăng về sản lượng, chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã có các hỗ trợ người nông dân trong các hoạt động mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao.
Mới đây, 7 ngân hàng đã công bố gói cam kết sẽ hỗ trợ nguồn vốn trị giá gần 2.500 tỷ đồng, để bổ sung nguồn vốn lưu động trong các hoạt động mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao, đảm bảo nguồn cung cả về số lượng và chất lượng của bà con nông dân.