Trước bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động và xu hướng bảo hộ gia tăng, thị trường Halal (Hồi giáo) nổi lên, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở xuất khẩu.
Indonesia, UEA - những thị trường Halal tiềm năng
Ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, đặc biệt là những thách thức từ hàng rào kỹ thuật và bảo hộ thương mại, điển hình như chính sách áp thuế đối ứng của Hoa Kỳ, đã tạo áp lực lớn đến thị trường thương mại quốc tế, trong đó có Việt Nam. Theo ông Lữ, trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng do nhu cầu thế giới sụt giảm, giá nguyên liệu tăng, chi phí logistics cao và sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực. Vì vậy, doanh nghiệp (DN) cần đổi mới mô hình, tập trung vào thị trường tiềm năng như Halal để mở rộng xuất khẩu, đồng thời chủ động ứng phó với nguy cơ sụt giảm ở thị trường truyền thống.
Việt Nam và Indonesia thời gian qua đã không ngừng mở rộng hợp tác kinh tế, hướng đến phát triển bền vững và cùng có lợi. Trong đó, ngành công nghiệp Halal được xem là trọng tâm hợp tác giữa hai quốc gia. Ông Agustaviano Sofjan - Tổng Lãnh sự Indonesia tại TPHCM nhấn mạnh, ngành công nghiệp Halal là trọng tâm hợp tác, không chỉ đáp ứng nhu cầu của cộng đồng Hồi giáo mà còn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng toàn cầu, nhờ cam kết về chất lượng và an toàn. Indonesia, với vai trò là quốc gia Hồi giáo, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về tiêu chuẩn Halal, đồng thời, kỳ vọng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, du lịch và dịch vụ tài chính Halal. Ông cũng kêu gọi DN hai nước tăng cường kết nối, tham gia các diễn đàn chuyên ngành để khai thác tiềm năng chung.
Không riêng thị trường Halal tại Indonesia, thông tin về thị trường Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), ông Trương Xuân Trung - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE chia sẻ, UAE là quốc gia hàng đầu thế giới về chỉ số Hồi giáo toàn cầu trong nhiều lĩnh vực. Ngành công nghiệp thực phẩm Halal của UAE có trị giá 19 tỷ USD để tiêu thụ trong nước hoặc tái xuất. UAE là thị trường mở và phụ thuộc vào nhập khẩu để phục vụ nhu cầu trong nước và tái xuất khẩu. Ngoài ra, Halal là một phân khúc thị trường ngách đáng kể trong ngành thực phẩm. Dân số Hồi giáo tăng, thu nhập bình quân đầu người tăng là một trong những yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm thực phẩm Halal tại UAE.
Thị trường mang tính bảo hộ cao
Các báo cáo cho thấy, ngành công nghiệp Halal và thị trường sản phẩm Halal còn nhiều dư địa để khai thác. Dự báo đến năm 2030, tổng giá trị thị trường Halal, bao gồm thực phẩm và đồ uống (F&B) và các ngành hàng khác, đạt 10 nghìn tỷ USD; trong đó, riêng lĩnh vực F&B dự kiến đạt 5,91 nghìn tỷ USD vào năm 2033. Indonesia là thị trường Halal lớn nhất thế giới với hơn 280 triệu dân, trong đó phần lớn theo đạo Hồi. Đây là cơ hội để DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm đạt chuẩn Halal sang thị trường này.
Đánh giá cao thị trường Halal tại Indonesia, song các chuyên gia cũng nhận định, đây cũng là thị trường mang tính bảo hộ cao, đòi hỏi về giấy phép nhập khẩu; chứng nhận Halal (phải do cơ quan có thẩm quyền Indonesia cấp); tiêu chuẩn quốc gia (SNI); quy định về cảng nhập khẩu (một số nhóm hàng); thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt, các quy chuẩn Halal nghiêm ngặt, hệ thống chứng nhận phức tạp cũng là thách thức không nhỏ đối với DN. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Văn phòng Chứng nhận Halal (HCA) cung cấp thông tin về các quy định bắt buộc đối với sản phẩm Halal tại Indonesia. Theo quy định, Cơ quan Quản lý bảo đảm sản phẩm Halal Indonesia (BPJPH) yêu cầu, hầu hết hàng hóa nhập khẩu và kinh doanh tại Indonesia phải có chứng nhận Halal. Sản phẩm không đạt chuẩn phải ghi rõ “Non-Halal” trên bao bì. Về quy trình chứng nhận, DN Việt Nam có thể đăng ký thông qua các tổ chức được BPJPH công nhận. Sau khi có chứng nhận, DN cần đăng ký trên hệ thống SIHALAL của Indonesia và tuân thủ quy định ghi nhãn, logo. Bà Hằng cũng nhấn mạnh sẵn sàng hỗ trợ DN trong suốt quá trình thực hiện.
UAE cũng có hệ thống tiêu chuẩn Halal riêng, để hàng hóa Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường này, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE khuyến cáo, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp lý về Halal, bao gồm việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia và quy trình chứng nhận phù hợp với yêu cầu quốc tế. Đồng thời, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Halal giữa Việt Nam và UAE, đặc biệt là hoạt động cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn Halal của UAE. Vị này dự báo, các sản phẩm Halal của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại đến từ các quốc gia đã có nhiều năm kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực này. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, bao gồm ưu tiên nguồn lực ngân sách cho sản xuất và cấp chứng nhận, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đào tạo nhân lực chuyên trách về Halal. Đồng thời, cần có các tổ chức trung gian uy tín giúp DN trong quá trình chứng nhận và tuân thủ quy định tại các thị trường xuất khẩu.