Có thể thấy, sự ra đời của các liên hoan phim (LHP) tại những thành phố lớn đang khuấy động bầu không khí điện ảnh có phần trầm lắng. Đồng thời, góp phần tạo sức ảnh hưởng sâu rộng đến giới truyền thông, làm tăng mối quan tâm của công chúng đối với điện ảnh.
Mới đây, tại LHP quốc tế TPHCM lần 1 - 2024, nhiều nhà làm phim trẻ cũng đã tranh tài trong các hạng mục "Chợ dự án", "Vườn ươm kịch bản". Ở hạng mục "Vườn ươm kịch bản", phim "Câu chuyện gọi là đức tin" của Phương Anh Đặng đã đoạt giải Nhất kịch bản phim điện ảnh, phim "Chuẩn cơm mẹ nấu" của Quản Phương Thanh đoạt giải Nhất kịch bản phim truyền hình.
Những năm gần đây, Việt Nam đã xuất hiện nhiều nhà làm phim trẻ độc lập. Có thể kể đến một số bộ phim của các đạo diễn trẻ đã thắng nhiều giải LHP mang tầm quốc tế như: "Những đứa trẻ trong sương" của đạo diễn Hà Lệ Diễm; "Mưa trên cánh bướm" của đạo diễn Dương Diệu Linh; "Cu li không bao giờ khóc" của đạo diễn Phạm Ngọc Lân… Những bộ phim điện ảnh này được quốc tế đánh giá cao.
Ông Antonio Termenini - Giám đốc LHP châu Á tại Rome nhận định, những năm gần đây, Việt Nam có thêm nhiều LHP mang tầm quốc tế là rất đáng khích lệ. Sự ra đời của LHP quốc tế TPHCM hay LHP châu Á - Đà Nẵng là những sân chơi rất quan trọng cho các nhà làm phim trong nước và khu vực.
Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cũng cho rằng, trong xu thế điện ảnh Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, việc tổ chức các LHP quốc tế rất quan trọng, bởi đây là nơi để những nhà làm phim độc lập, nhà làm phim nghệ thuật có cơ hội phát triển. Đồng thời, tại các LHP quốc tế còn có nhiều workshop và nhiều chương trình tài trợ cho các nhà làm phim, đây chính là cơ hội để các nhà làm phim trẻ tìm nguồn kinh phí cho các dự án phim của mình.
“LHP không chỉ mang lại lợi ích cho các nhà làm phim, mà đây còn là dịp để công chúng hiểu hơn về điện ảnh nước nhà cũng như thế giới. Bởi, nếu bình thường khán giả chỉ quan tâm đến những bộ phim thương mại thì các LHP chính là cơ hội để công chúng tiếp cận với những bộ phim của các nhà làm phim độc lập và được tham dự vào các buổi trò chuyện với các đạo diễn, nhà làm phim” - ông Lâm nói.
Nếu được đầu tư và định hướng phát triển đúng đắn, các LHP địa phương còn có thể giúp thu hút các đoàn làm phim. Đây cũng là một cách hiệu quả để quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Theo đạo diễn, nhà sản xuất Lương Đình Dũng, điện ảnh ngoài việc quảng bá hình ảnh văn hóa, con người, quốc gia, còn mang lại lợi nhuận rất lớn. Các nhà làm phim, nhất là những người trẻ đang làm tốt việc xây dựng thương hiệu điện ảnh Việt, nhưng lại gặp khó khăn về kinh phí và sự hỗ trợ. Đó cũng là sự khác biệt và chưa tiệm cận với các nền điện ảnh khác, khi họ đang hỗ trợ, tạo ra các điểm tựa giúp các nhà làm phim vươn xa ra thế giới.
Nói về tầm quan trọng của những LHP được tổ chức tại Việt Nam, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng: LHP là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh và đất nước con người Việt Nam cũng như kết nối các nhà làm phim nước ngoài đến Việt Nam, vì thế, điều quan trọng là chúng ta phải tạo ra bản sắc, sức hút riêng để LHP quốc tế ở Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà làm phim thế giới và khu vực. Điều đó sẽ kích hoạt nền công nghiệp điện ảnh phát triển mạnh mẽ trong tương lai.