Sức khỏe

Cơ hội tầm soát ung thư sớm bằng công nghệ AI

Minh Quang 01/07/2024 15:20

Sáng 1/7 tại Hà Nội, Trung tâm tầm soát công nghệ cao NURA (Nhật Bản) tích hợp AI đã chính thức được khai trương. Đây là mô hình sàng lọc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, giúp sàng lọc nhanh, chính xác, phát hiện sớm các bệnh ung thư.

Những con số đáng báo động

Theo số liệu Globocan (Tổ chức Ung thư toàn cầu) 2022 công bố hồi tháng 3/2024, trên toàn thế giới có khoảng 19,9 triệu ca mới và 9,7 triệu ca tử vong. Trong đó, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 180.400 ca mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. Như vậy, mỗi ngày có khoảng 330 gia đình phải đối mặt với nỗi đau mất người thân. Đó không chỉ là những con số, mà đó chính là những câu chuyện buồn của những gia đình phải đối diện với nỗi mất mát người thân vì căn bệnh này.

Đáng lưu ý, tình hình mắc mới ung thư ở Việt Nam đang tăng gấp 3 lần trong vòng 2 thập kỷ qua. Các bệnh ung thư phổ biến đang có khuynh hướng “trẻ hóa” có thể kể đến như ung thư vú, ung thư đại tràng...Tại TPHCM, khuynh hướng một số bệnh nhân ung thư như vú, đại tràng có độ tuổi trẻ hơn và một số loại ung thư có tỉ lệ mắc tăng như giáp, dạ dày, tiền liệt tuyến.

Ghi nhận cho thấy, ở Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, số bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh lý ung bướu ngày càng tăng. Năm 2023, Bệnh viện này đã đón nhận gần 800.000 lượt bệnh nhân đến khám, thực hiện gần 37.000 ca phẫu thuật, hơn 180.000 ca xạ trị và gần 300.000 lượt điều trị nội khoa bằng hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch.

Trong khi đó, trên địa bàn Hà Nội, Bệnh viện K có 3 cơ sở thăm khám, điều trị cho người bệnh ung thư, với trên 2.400 giường bệnh, nhưng cũng không tránh được sự quá tải. Theo thống kê từ Bệnh viện K, năm 2023 số lượt khám tại bệnh viện đã tăng 34% so với năm 2022, tương đương khoảng 450.000 lượt người bệnh.

TS.BS Diệp Bảo Tuấn, phụ trách điều hành Bệnh viện Ung bướu TP HCM chia sẻ, bệnh lý ung thư đã và đang là gánh nặng cho gia đình, cho xã hội trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Chú trọng tầm soát ung thư sớm

Cụ thể hơn tại Việt Nam, năm 2022 ghi nhận 24.563 ca ung thư vú, chiếm tỉ lệ cao nhất trong các loại ung thư (chiếm 13,6%). Tiếp đến là ung thư gan với 24.502 ca, xếp thứ ba là ung thư phổi với 24.426 ca (chiếm 13,5%), sau đó là ung thư đại trực tràng và ung thư dạ dày lần lượt là 9,3% và 9%. Đáng chú ý, tỉ lệ mắc mới ung thư trong nước ở nhóm trung bình của thế giới, nhưng tỉ lệ tử vong lại thuộc nhóm cao trong khu vực Đông Nam Á. Nguyên nhân tử vong cao vì phát hiện bệnh quá trễ.

Tại Việt Nam, 50-80% người bệnh mắc bệnh ung thư đến khám ở giai đoạn 3 và 4. Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc có tỉ lệ mắc mới ung thư cao hơn Việt Nam nhưng tỉ lệ tử vong lại thấp hơn. Lý do là các chương trình tầm soát tại hai quốc gia này rất hiệu quả, người bệnh được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

2(1).jpg
Các giải pháp và hệ thống trang thiết bị của Fujifilm tại trung tâm NURA.

Thống kê cho thấy, tại Việt Nam mỗi năm có 180.480 ca mắc mới ung thư, nhưng tỉ lệ tử vong lên đến 73,5% do hầu hết phát hiện ở giai đoạn muộn. Trong khi đó, tại Nhật Bản có hơn 1 triệu người phát hiện mắc mới ung thư mỗi năm (cứ 30 giây có 1 ca mắc mới ung thư), nhưng tỉ lệ sống bình quân sau 5 năm lên đến hơn 80%; tỉ lệ điều trị triệt để ung thư giai đoạn sớm là 96%, cao nhất thế giới. Sự đối nghịch này không đến từ một bí quyết kỳ diệu nào, mà đến từ một thói quan trọng nhất là kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm. Ở Nhật Bản, 80% dân số thực hiện kiểm tra sức khỏe tổng quát, trong khi ở Việt Nam con số này chỉ là khoảng 3,5%. Các tổn thương nhỏ nhất được phát hiện từ rất sớm là cơ sở để theo dõi và điều trị sớm, gia tăng tuổi thọ.

Tại sự kiện ra mắt Trung tâm tầm soát công nghệ cao NURA vào sáng nay, những ứng dụng mới của công nghệ AI trong tầm soát sớm ung thư và các bệnh lý do lối sống đã được giới thiệu tới người dân. Theo đó, NURA Việt Nam được trang bị các thiết bị y tế tiên tiến của Fujifilm, bao gồm các hệ thống CT và chụp nhũ ảnh, tất cả đều được tích hợp công nghệ AI. Sự đổi mới này hỗ trợ các bác sĩ trong việc chẩn đoán 10 loại ung thư và 22 bệnh lý lối sống phổ biến với độ tin cậy cao. Công nghệ AI không chỉ nâng cao độ chính xác trong chẩn đoán mà còn đảm bảo rằng quá trình sàng lọc diễn ra nhanh chóng, toàn diện trong 120 phút.

3(1).jpg
Các giải pháp và hệ thống trang thiết bị của Fujifilm tại trung tâm NURA.

Đánh giá về việc khai trương trung tâm NURA cơ sở đầu tiên tại Hà Nội với việc cung cấp các dịch vụ sàng lọc sức khỏe tiên tiến, phát hiện sớm bệnh, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) bày tỏ tin tưởng rằng, NURA sẽ trở thành một hình mẫu tiên phong, góp phần thay đổi nhận thức của người dân và kiến tạo thói quen chủ động chăm sóc sức khỏe định kỳ.

NURA là mô hình sàng lọc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, dược phát triển bởi hãng sản xuất thiết bị chẩn đoán hình ảnh Fujifilm với 5 cơ sở tại châu Á trước khi đến Việt Nam. NURA Việt Nam là thành quả từ sự hợp tác chiến lược giữa FuJifilm –và Trung tâm Y khoa Nhật Bản T-Matsuoka.

NURA ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo với hơn 50 bộ AI khác nhau tích hợp, giúp giảm đến 97% liều tia X. Công nghệ AI hỗ trợ bác sĩ phát hiện những tổn thương chỉ 1mm, giúp tầm soát không bỏ sót, từ đó có phương pháp theo dõi và điều trị các bệnh lý ung thư hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội tầm soát ung thư sớm bằng công nghệ AI