Bất động sản

Cơ hội và thách thức của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc trước thềm APEC 2027

Thanh Tiến 18/04/2025 17:29

Sự kiện Tuần lễ APEC 2027 được kỳ vọng là cơ hội vàng để Phú Quốc khẳng định đẳng cấp quốc tế và vươn xa hơn trên bản đồ du lịch thế giới đồng thời, tác động đến thị trường bất động sản của Phú Quốc sôi động trở lại, bước vào chu kỳ phát triển mới.

Chiều 18/4, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) tổ chức Hội thảo “Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc hướng tới APEC 2027 và sự phát triển bền vững”.

1.jpg
Hội thảo “Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc hướng tới APEC 2027 và sự phát triển bền vững”. (ảnh: Thanh Tiến)

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đánh giá thực trạng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trên đảo Phú Quốc; chỉ ra những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc trước thềm sự kiện Tuần lễ APEC 2027 và hướng tới sự phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó giám đốc Sở Du Lịch Kiên Giang cho biết, tính đến cuối năm 2024, Phú Quốc có 484 cơ sở lưu trú với đa dạng loại hình từ khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà nghỉ, căn hộ du lịch, bãi cắp trại du lịch… Trong đó, có 27 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao (với 12.703 phòng, chiếm gần 48% tổng số phòng lưu trú toàn đảo).

"Phú Quốc đang đứng trước cơ hội vàng để khẳng định đẳng cấp quốc tế và vươn xa hơn trên bản đồ du lịch thế giới. Việc đầu tư bài bản vào hệ thống cơ sở lưu trú không chỉ nhằm phục vụ sự kiện APEC-2027 một cách chuyên nghiệp, mà còn mở ra cánh cửa đưa ngành du lịch bứt phá trở thành biểu tượng du lịch tầm cỡ quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt ngành du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng trong giai đoạn phát triển mới.", Nguyễn Chí Thanh nhận định.

Nói về thị trường bất động sản, ông Trần Minh Khoa - Chủ tịch UBND TP Phú Quốc cho biết, thời gian qua, thị trường bất động sản Phú Quốc đã hình thành và đang đà phát triển. Tuy có lúc thăng trầm nhưng đây vẫn là lĩnh vực hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế.

tien3199(1).jpg
Ông Trần Minh Khoa - Chủ tịch UBND TP Phú Quốc phát biểu. (ảnh: Thanh Tiến)

Theo ông Trần Minh Khoa, việc triển khai thực hiện kịp thời các chính sách của Trung ương, của tỉnh về thu hút đầu tư, đến nay, thành phố có 300 dự án, chiếm hơn 86% dự án đầu tư du lịch toàn tỉnh với tổng diện tích 9.485 ha, tổng vốn đầu tư 388.410 tỷ đồng. Một số tập đoàn lớn như: Vingroup, Sungroup, Bim Group, CEO Group, Tân Á Đại Thành...đã và đang thực hiện các dự án quy mô lớn vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của Phú Quốc.

"Hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm đang được triển khai phục vụ cho Tuần lễ APEC 2027 với tổng số vốn lên đến trên 300 ngàn tỷ đồng. Sự kiện APEC 2027 cũng là một trong những yếu tố tiềm năng tác động đến thị trường bất động sản giúp Phú Quốc hồi sinh, bước vào chu kỳ phát triển mới", ông Trần Minh Khoa - Chủ tịch UBND TP Phú Quốc thông tin.

Ông Nguyễn Anh Quê - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, giá bất động sản Phú Quốc mặt bằng chung còn rẻ, thấp hơn rất nhiều so với TPHCM và Hà Nội, thậm chí thấp hơn Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long.

"APEC 2027 sẽ làm thay đổi cơ bản cơ sở hạ tầng nơi đây và hạ tầng xã hội ngày càng được chú trọng. Tôi tin rằng, bất động sản Phú Quốc sẽ phát triển nhiều hơn nữa", ông Nguyễn Anh Quê nhận định.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, hiện nay, thách thức rất lớn của Phú Quốc là thời gian thực tế chỉ còn khoảng 18-28 tháng để thực hiện khoảng 30 dự án nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới để phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2027.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tuần lễ APEC 2027 là tình thế tình thế “bất thường” do đó, các giải pháp giải quyết tình thế phải “khác thường”, không theo “quy trình, logic thông thường”.

tien3211(1).jpg
PGS.TS Trần Đình Thiên phát biểu tại Hội thảo. (ảnh: Thanh Tiến)

"Tình thế bất thường thì phải có giải pháp khác thường. Nếu cứ đi theo lối mòn, theo quy trình hành chính thông thường, chắc chắn sẽ tắc nghẽn", PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, cần có cơ chế phối hợp Trung ương - Địa phương như là một chương trình hành động ưu tiên Quốc gia đặc biệt. Khuyến khích các sáng kiến tháo gỡ các “tắc nghẽn cơ chế”. Mạnh dạn áp dụng nguyên tắc “chi phí - lợi” để khuyến khích đột phá thực hiện các dự án ưu tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ hội và thách thức của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc trước thềm APEC 2027