Vào ngày 24/3 tới đây di tích địa điểm cây đa và đền La Tiến (xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ, Hưng Yên) sẽ được đón bằng công nhận trở thành Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, cây đa cổ thụ bên bến nước xưa vẫn xum xuê tỏa bóng và sừng sững đứng đó như một chứng nhân lịch sử.
Đền thờ La Tiến.
Địa điểm Cây đa và Đền La Tiến có khuôn viên rộng hơn 3.000m2 gồm nhiều hạng mục công trình như: Đền La Tiến, bia căm thù, cây đa cổ thụ. Vào thăm đền tưởng niệm, đọc đôi câu đối trên bức đại tự do Giáo sư - Anh hùng lao động Vũ Khiêu viết tặng: “Nước sông Luộc sục sôi dòng huyết hận/Trời Phù Cừ cao vút khí anh linh” mỗi người lại càng thấy tự hào hơn về những trang sử anh hùng của cha ông.
Ngược dòng lịch sử, địa điểm cây đa và đền La Tiến là nơi ghi dấu chiến công của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong thời gian thực dân Pháp thực hiện kế hoạch bình định đồng bằng Bắc Bộ, La Tiến là nơi có vị trí chiến lược trọng yếu về quân sự. Hệ thống giao thông thuỷ, bộ rất thuận lợi cho việc chuyển quân, vận chuyển lương thực, thực phẩm chi viện cho khu vực tả ngạn sông Luộc.
Mặt khác, đây là địa bàn trung tâm, có phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, thực dân Pháp đã lấy La Tiến là vị trí chiếm đóng, lập bốt, án ngữ nhằm ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của, vũ khí, súng đạn, lương thực, thực phẩm... từ các vùng lân cận và đàn áp phong trào cách mạng của quân, dân Phù Cừ.
Trong số 72 bốt thực dân Pháp lập trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thì bốt La Tiến có vị trí chiến lược quân sự và giao thông quan trọng nhất nên thực dân Pháp bố trí người Pháp làm cai bốt, chỉ huy.
Ngày 24/12/1949, quân địch từ Thị xã Hưng Yên đi bằng ca nô, tàu chiến theo đường sông Luộc đổ bộ lên chợ La Tiến, chiếm đóng vị trí quan trọng này. Ngay từ buổi đầu chiếm đóng bốt, địch đã khủng bố vô cùng tàn bạo. Chúng vào làng phá dỡ đình, chùa, miếu, trường học... Đi đến đâu, địch cũng bắn giết, hãm hại dân lành, đốt phá nhà cửa, hòng khuất phục ý chí và tinh thần của nhân dân ta.
Chúng bắt hàng trăm người dân trong vùng mà chúng cho là Việt Minh, du kích đem về bốt La Tiến tra tấn dã man và giết người bằng những hình thức thời trung cổ như: treo người lên cây đa cắt tiết, mổ bụng, moi gan, dùng kìm nhổ móng tay, chặt tay, chặt chân làm đau đớn đến tột cùng rồi mới giết và thả xác trôi sông.
Nhiều chiến sĩ cách mạng, Đội nữ Du kích Hoàng Ngân, bộ đội địa phương, người dân bị chúng giết hại dã man như: nữ anh hùng liệt sĩ Trần Thị Khang (tức Vũ Thị Kính) quê ở xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, chị là Huyện ủy viên, Bí thư phụ nữ Cứu quốc huyện Phù Cừ, chỉ huy Đội nữ Du kích Hoàng Ngân; đồng chí Đinh Thị Nhẹn, đồng chí Trần Ngọc Châu, đồng chí Lê Văn Hồi, đồng chí Trần Văn Tiện, liệt sĩ Nguyễn Văn Năng (cán bộ tuyên truyền, địch vận)... ông Kiện thợ may ở thôn La Tiến, ông Dĩnh ở thôn Thị Giang, ông Trừ, ông Chơm, ông Toan… và nhiều gia đình bị giết hại cả nhà.
Trong thời gian chiếm đóng bốt La Tiến (1949 - 1954), thực dân Pháp đã giết hại 1.145 chiến sĩ cách mạng và đồng bào ta. Trong đó có 121 cán bộ và nhân dân xã Nguyên Hoà (riêng thôn La Tiến có 60 người, 40 người thôn Thị Giang, 19 người thôn Sỹ Quý, 1 người thôn Hạ Đồng), 12 người xã Tam Đa; 6 người xã Đoàn Đào huyện Phù Cừ... và rất nhiều người ở những xã khác của tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương.
Đêm ngày 30 rạng sáng ngày 31/1/1954, qua một thời gian dài bao vây, trinh sát và làm công tác địch vận, Huyện uỷ, Uỷ ban hành chính huyện Phù Cừ đã quyết tâm chỉ đạo phối hợp các lực lượng: bộ đội chủ lực, dân quân du kích và công tác địch vận để tiến hành đánh bốt La Tiến.
Chỉ trong vòng 20 phút đã diệt và bắt sống 150 tên, thu 8 súng cối,1 trọng liên, 4 đại liên, 4 trung liên,13 tiểu liên,150 súng trường, 10 tấn đạn. Khi bốt La Tiến bị tiêu diệt hoàn toàn, tất cả đều vui mừng phấn khởi. Nhân dân La Tiến được trở về nhà, nơi quê cha đất tổ bao đời gắn bó.
Đứng trước cây đa La Tiến, mỗi khi nhìn lên vòm lá xanh thẫm, không ai lại không cảm động đến rơi nước mắt nghĩ đến bao liệt sĩ và những người thân bị địch giết hại. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, trải qua bao biến đổi của tự nhiên, của lịch sử, cây đa La Tiến là minh chứng sống động, chân thực ghi dấu tội ác của thực dân Pháp và bè lũ tay sai.
Từ những chỗ cành cây bị chặt phá, bao chồi non đã cựa mình bật lên thành tán lá rộng bên bờ sông. Hiện nay, cây đa La Tiến đã cao gần 30 mét, đường kính thân và gốc cây rộng 5 mét, tán rộng khoảng 50 mét che bóng cho ngôi đền thêm linh thiêng và cổ kính. Cây đa La Tiến đã trở thành biểu tượng cho sự bất khuất, kiên cường của người dân xã Nguyên Hòa nói riêng và người dân Hưng Yên nói chung.
Cây đa La Tiến.
Ngày 25/4/2005, cây đa La Tiến đã được Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Hưng Yên xác nhận thuộc danh mục cây cổ thụ cần được chính quyền, nhân dân địa phương chăm sóc, bảo vệ như đối với di sản văn hoá - lịch sử. Bên cạnh cây đa là “Bia căm thù”.
Sau khi bốt La Tiến bị san phẳng, năm 1956, thể theo nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện và được sự nhất trí của các cấp có thẩm quyền, UBND xã Nguyên Hoà đã xây dựng “Bia căm thù” trên đúng vị trí của bốt La Tiến xưa để khắc ghi tội ác của thực dân Pháp và bè lũ tay sai; đồng thời ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, đồng chí và đồng bào đã anh dũng hi sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Bia có bốn mặt được ốp đá xẻ tự nhiên màu xám, nội dung bia được khắc chìm, chữ nhũ vàng bằng hai thứ tiếng Việt và Anh.
Đền tưởng niệm là công trình mới được phục dựng năm 2010 để tưởng niệm vong linh các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng, đồng chí và đồng bào ta đã bị giết hại trong những năm thực dân Pháp chiếm đóng tại đây (từ năm 1949- 1954). Ngôi đền được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống với kết cấu kiểu chữ Đinh gồm 3 gian tiền tế và một gian hậu cung rất vững chắc, kiến cố. Tại đây bài trí nhiều đồ thờ tự có giá trị.
Ngày 26/7/2010, đúng vào dịp kỷ niệm 63 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, công trình tu bổ tôn tạo di tích cây đa La Tiến và đền tưởng niệm được cắt băng khánh thành và tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ. Năm 2012, di tích này đã được công nhận là khu di tích lịch sử của tỉnh Hưng Yên. Trong nhiều năm qua, địa điểm cây đa và đền La Tiến đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng và du khách thập phương.
Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, địa điểm cây đa và đền La Tiến đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 2015. Di tích này đã trở thành địa chỉ đỏ nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng. Ngày nay, khi đến xã Nguyên Hòa, đến với cây đa và đền La Tiến, khách tham quan được sống trong khung cảnh của một làng quê bên bến sông yên bình.
Và tấm bia căm thù đứng đó sừng sững giữa đất trời, vừa nhắc nhở các thế hệ hôm nay về tội ác của kẻ thù, vừa như lời tri ân với những chiến sĩ, đồng bào đã hi sinh anh dũng để bảo vệ quê hương.