Sức khỏe

Có nên cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng?

Ngọc Bích 25/07/2024 08:59

Theo các chuyên gia, việc áp dụng chính sách cấm hay quản lý thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng cần phải dựa trên nhiều yếu tố như bối cảnh kinh tế - xã hội, hạ tầng, năng lực của mỗi quốc gia.

Theo khuyến nghị của đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt
Nam, cấm thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN) là giải
pháp duy nhất cho Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết cấm.

Tuy nhiên, đề xuất này hiện đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Ngoài các cơ sở khoa học và pháp lý, dữ liệu thực tế từ các nước và cũng là các quốc gia thành viên của WHO đang chứng minh, chính sách quản lý vẫn là giải pháp phù hợp nhất.

Phân biệt giữa chính sách cấm và quản lý thuốc lá mới

Bên cạnh đề xuất cấm của Bộ Y tế, Bộ Công thương cũng đề xuất hướng tiếp cận phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước bằng nhiều phương án như: cho phép chính thức hoặc thí điểm lưu thông TLLN vì sản phẩm này có nguyên liệu thuốc lá; quản lý cả TLLN và TLĐT hệ đóng; giao Bộ Y tế đề xuất chính sách riêng cho TLĐT về sau.

Tuy nhiên, hiện nay, bộ chủ quản ngành và cơ quan y tế chưa đồng thuận với các phương án này. Cơ sở đề xuất cấm của Bộ Y tế là ngăn chặn giới trẻ sử dụng TLĐT. Trong khi đó, cơ sở để Bộ Công thương đề xuất quản lý là tạo hành lang pháp lý để ngăn chặn buôn lậu, chống thất thu thuế và bảo vệ cộng đồng.

Nhìn từ thực tiễn tại các quốc gia trên thế giới, mặc dù áp dụng biện pháp cấm TLĐT, TLLN nhưng tình trạng giới trẻ sử dụng vẫn diễn ra, thậm chí còn gia tăng.

Tại Úc, báo cáo tỷ lệ thanh thiếu niên 15 - 19 tuổi hút TLĐT mỗi ngày trong năm 2023 (bang Nam Australia) là 15,1%, tăng gấp đôi chỉ sau 1 năm mặc dù Úc đã có chính sách nghiêm ngặt với TLĐT. Theo BS. Colin Mendelsohn, trong 1,7 triệu người đang dùng TLĐT tại Australia, có đến 90% người dùng hàng lậu.

Trong số các nước ASEAN, Thái Lan là quốc gia cấm TLĐT và các sản phẩm thuốc lá mới từ năm 2015. Theo số liệu năm 2023 tại Thái Lan, có đến 17,6% trẻ em 13 - 15 tuổi hút TLĐT, tăng gấp 5 lần so với năm 2015 (tương ứng 3,3%) dù đã thực hiện lệnh cấm.

Ngược lại, tại một quốc gia cho phép TLLN và các sản phẩm thuốc lá mới khác như Mỹ, tỷ lệ sử dụng TLĐT ở giới trẻ Mỹ đã liên tục giảm. Theo báo cáo của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ, năm 2019, tỷ lệ này là 27,7%. Tuy nhiên, đến năm 2023, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 10%.

screenshot-2024-07-24-180247.png
Kết quả khảo sát quốc gia của Mỹ về tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới trong độ tuổi thanh thiếu niên. Nguồn: CASAA.

Dữ liệu quản lý TLLN, TLĐT từ các quốc gia khác cho thấy, "chợ đen" là thách thức lớn cần tìm ra hướng giải quyết. Tuy nhiên, biện pháp cấm khiến thất thoát 100% thuế, trong khi đó, vẫn không kiểm soát được thị trường chợ đen để ngăn chặn giới trẻ.

Theo Cơ quan Thuế của Australia, doanh thu thuế đối với TLĐT, TLLN đã thất thoát khoảng 2,3 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2022.
Tại Việt Nam, tình trạng buôn lậu thuốc lá điếu và các sản phẩm thuốc lá không khói đã khiến Việt Nam thất thoát ít nhất 8.500 tỷ đồng mỗi năm.

Cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra chính sách đối với thuốc lá mới

Thực tế cho thấy, việc cấm hoặc áp dụng biện pháp nghiêm ngặt để quản lý TLĐT, TLLN cần phải dựa trên bối cảnh kinh tế, xã hội, hạ tầng, năng lực của từng quốc gia. Nhiều quốc gia đang gánh hệ lụy từ các lệnh cấm.

Gần đây nhất, Thái Lan đã đánh giá lại việc quản lý TLĐT, TLLN sau 10 năm áp dụng lệnh cấm nhưng không đạt được kỳ vọng. Tới đây, Thái Lan sẽ có thể là một trong các nước tiếp theo đi cùng nhóm các nước ASEAN cho phép thuốc lá mới, trong đó có Philippines. Được biết, Philippines đã chính thức thông qua Luật quản lý các sản phẩm TLLN, TLĐT và các sản phẩm không khói khác từ năm 2022.

screenshot-2024-07-24-180417.png
Philippines không cấm thuốc lá mới nhưng có nhiều quy định nghiêm ngặt.

Tại Hội nghị các quốc gia tham gia Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) lần thứ 10 (COP10) hồi tháng 2/2024, Điều 2.1 đã được nêu rõ về việc các nước có thể thực thi chính sách đo lường, kiểm soát TLLN, TLĐT vượt ngoài khuyến nghị FCTC nhằm đạt
mục đích của mỗi quốc gia, trên cơ sở tôn trọng nhân quyền và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Do đó, theo các chuyên gia và đại biểu Quốc hội, quyết sách đối với
TLLN, TLĐT cần dựa trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm thực tiễn từ các nước cũng như hài hòa lợi ích các bên.

Theo đó, một chính sách phù hợp không nên là chính sách đem lại tổn thất cho quốc gia, tăng gánh nặng phòng chống buôn lậu, chi phí y tế cho việc điều trị các hệ lụy sức khỏe do sản phẩm từ chợ đen không rõ nguồn gốc và đảm bảo mục tiêu ngăn chặn giới trẻ khỏi sản phẩm này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Có nên cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng?