Giá vàng những ngày qua có sự cân bằng, không tăng mạnh cũng không giảm sâu và đang neo quanh mức 66-67 triệu đồng/ lượng. Dù có vẻ “lặng sóng”, song giá vàng trong nước vẫn đang bỏ xa giá thế giới. Đặc biệt, mối quan tâm của người dân đối với kim loại quý vẫn chưa bao giờ hạ nhiệt.
Giá vàng được nhiều yếu tố ủng hộ
Tính đến 8h30 sáng 16/11 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới giảm 2,5 USD (-0,15%) so với mở cửa xuống 1.776,6 USD/oz, giao dịch thời điểm đó dao động trong khoảng 1.768 - 1.787,9 USD/oz.
Tại thị trường trong nước, sáng 16/11, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết tại TPHCM ở mức 66,70 - 67,70 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối phiên trước, nhưng đã tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua - bán so với cùng thời điểm ngày trước đó, 15/11.
Tại Hà Nội, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 66,70 - 67,72 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối phiên trước, nhưng đã tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua - bán so với cùng thời điểm ngày 15/11. Trong khi đó, giá vàng DOJI tại TPHCM và Hà Nội cùng niêm yết ở 66,70 - 67,70 triệu đồng/lượng, không đổi so với cuối phiên trước nhưng đã tăng 300 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua - bán so với sáng 15/11
Cùng thời điểm sáng 16/11, giá vàng miếng PNJ được niêm yết ở mức 53,9 triệu đồng/lượng và 55 triệu đồng/lượng lần lượt ở hai chiều mua vào và bán ra, giữ nguyên so với cùng phiên ngày trước đó. Giá vàng miếng SJC ở Bảo Tín Minh Châu được rao ở mức 66,77 triệu đồng/lượng giá mua vào và 67,69 triệu đồng/lượng giá bán ra.
Những diễn biến của kênh kim loại quý cho thấy, dường như giá vàng đã được “khớp” quanh mốc 66 – 67 triệu đồng/ lượng, nếu có tăng hoặc giảm cũng chỉ bớt đi hoặc nâng lên một vài trăm ngàn đồng/ lượng, không thấy có dấu hiệu “sóng thần” tăng vọt như thời điểm hồi tháng 4, tháng 5.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, mọi yếu tố hiện tại đang ủng hộ vàng. Những lo ngại về suy thoái kinh tế và sự biến động trên thị trường tiền điện tử đã kích hoạt cho đợt tăng giá của vàng vào tuần trước. Bên cạnh đó, dữ liệu lạm phát của Mỹ thấp hơn dự đoán cũng tiếp thêm động lực cho kim loại quý.
Có một điểm đáng chú ý, dù giá vàng thế giới có nâng lên hay hạ xuống thế nào, thì giá vàng trong nước vẫn luôn bỏ xa giá vàng thế giới một khoảng cách lớn, và khoảng cách đó dường như khó có thể thu hẹp lại được. Điều này khiến cho người dân có xu hướng thận trọng hơn trong đầu tư vàng nhưng nhu cầu vẫn không hạ nhiệt.
Không quá khó hiểu khi giá vàng miếng SJC luôn ở mức cao, thậm chí chênh lệch với giá vàng thế giới bởi lâu nay vàng miếng SJC đã không còn được sản xuất thêm, nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhiều chuyên gia cho rằng biến động giá lớn có thể đi kèm với rủi ro dù mức lợi nhuận thu về tương đối cao.
Và cho dù kể cả thị trường vàng có yên ắng, thì mối quan tâm của các nhà đầu tư đối với kênh này vẫn chưa bao giờ hạ nhiệt.
Lướt sóng hay tích trữ dài lâu?
Câu hỏi luôn được nhiều người quan tâm, đó là: Có nên mua vàng trong thời điểm này? Trả lời câu hỏi này, chuyên gia ngành tài chính ngân hàng – TS. Nguyễn Trí Hiếu đưa ra nhận định, mua vàng dự trữ là lựa chọn an toàn dành cho cả người dân và các nhà đầu tư. Hiểu một cách đơn giản thì mua vàng dự trữ là việc mua vàng để cất giữ, sau đó dựa vào sự lên xuống của giá vàng trên thị trường để lựa chọn thời điểm bán ra và kiếm lời từ đó. Do đây là một hình thức đầu tư nên đòi hỏi người mua cần có sự am hiểu nhất định về thị trường để lựa chọn thời điểm mua và bán phù hợp nhất.
Về tính thời điểm, vị chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư không nên bỏ tiền vào kim loại quý lúc này, vì biến động mạnh dễ thua lỗ, nhất là những nhà đầu tư mua đi bán lại để hưởng lời thì việc “xuống tiền” cho vàng lúc này là không nên. Cũng theo lời khuyên của vị chuyên gia, nhà đầu tư khi đổ tiền vào bất kỳ kênh nào, nhất là vàng cần phải hết sức thông thạo, nắm bắt thông tin về tình hình diễn biến trên thế giới kèm theo các nhận định bản thân, để xác định được đâu là thời điểm thích hợp để có thể giao dịch mua hoặc bán kim loại quý.
Cùng với câu hỏi về tính thời điểm, không ít người quan tâm về việc nếu đầu tư vào vàng, thì việc tích trữ nên là bao lâu? Lướt sóng hay để một thời gian dài?
Câu hỏi này được giới chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng, đối với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, chuộng phong cách “ăn chắc mặc bền” thì khi đầu tư vào vàng không nên lướt sóng, mà nên tích trữ thời gian dài, ít nhất cũng phải 5-10 năm, khi đó giá vàng sẽ tăng cao hơn so với lúc mua vào, như vậy, người mua chắc chắn không bị lỗ.
Còn nếu có tư duy đầu tư vàng để lướt sóng, nhà đầu tư buộc phải đầu tư nhiều hơn vào việc nắm bắt thông tin về tình hình thế giới, về những diễn biến của thị trường vàng ở thế giới, bởi thị trường vàng trong nước chịu tác động của thế giới rất lớn. Chỉ khi nhà đầu tư lướt sóng thông thạo, nắm bắt kỹ thông tin tình hình thế giới cả về vi mô lẫn vĩ mô thì mới nên tham gia cuộc chơi này.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mỗi kênh đầu tư luôn tiềm ẩn những thuận lợi và khó khăn riêng. Trong giai đoạn này, vàng không phải là một kênh đầu tư tốt bởi sự chênh lệch với giá vàng thế giới quá cao, ngoài ra với lãi suất gửi tiết kiệm cao như hiện nay thì khách hàng cần cân nhắc thật kỹ để đưa ra lựa chọn phù hợp. Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, để đảm bảo an toàn cho đồng vốn, lời khuyên của ông dành cho nhà đầu tư vẫn luôn là: “Không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.
Giá vàng trong nước rạng sáng 16/11 đảo chiều tăng mạnh với mức tăng cao nhất là 300.000 đồng/ lượng. Hiện tại, giá vàng trong nước đang niêm yết: Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 66,7 triệu đồng/lượng mua vào và 67,72 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.