Tín dụng đang chịu nhiều sức ép trong bối cảnh nhu cầu vốn tăng cao mà các nguồn vốn khác diễn biến không thuận lợi. Vậy có nên nới room tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng?
Định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra từ đầu năm là tín dụng tăng 14%, có điều chỉnh theo diễn biến thực tế. Số liệu cho biết, đến ngày 28/9/2022, tăng trưởng tín dụng đã đạt 10,96%. Dự báo nhu cầu tín dụng còn tăng mạnh vào dịp cuối năm.
Đặt trong bối cảnh một số kênh huy động vốn của nền kinh tế đang có vấn đề, chẳng hạn kênh trái phiếu doanh nghiệp (DN) bị chững lại, chứng khoán giảm sâu vậy có nên nới room tín dụng lên mức 14% - 15% để hỗ trợ tăng trưởng.
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM cho biết, vấn đề chính của các DN hiện nay chính là vốn. Qua đợt dịch Covid-19, nhiều DN nhỏ và vừa đã rời bỏ thị trường, chủ yếu do thiếu vốn và không thể tiếp cận vốn. Nguồn vốn bấy lâu nay các DN nhỏ và vừa mong muốn tiếp cận là vốn ngân hàng nhưng hầu như DN không tiếp cận được bởi ngân hàng yêu cầu có tài sản thế chấp, trong khi các DN nhỏ và vừa không có.
Bên cạnh đó, thời gian qua hầu hết DN nhỏ và vừa không có lãi nên hồ sơ tài chính không đảm bảo, không vay được vốn tín dụng ngân hàng. Các DN nhỏ và vừa cũng phải làm kế hoạch để chứng minh dòng tiền đó có thể trả nợ nhưng do thị trường bấp bênh nên rất khó thực hiện được việc này.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, NHNN hoàn toàn có cơ sở xem xét nâng room tín dụng thêm 1-2% so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100-200 ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm. Trong đó xem xét tăng trần dư nợ tín dụng cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất (Big 4) và các ngân hàng thương mại đạt chuẩn Basel II.
Ông Châu phân tích thêm, ngoài nhóm DN được ưu tiên cho vay theo chính sách chiếm số ít trong nền kinh tế thì cần tạo điều kiện cho các DN không thuộc đối tượng ưu tiên nhưng họ là DN làm ăn bình thường. Vì vậy, họ cần được tạo điều kiện để tiếp cận tín dụng bình thường; trong đó có DN bất động sản. Tuy nhiên việc cho vay cũng có thứ tự, thậm chí, các ngân hàng thương mại sẽ “chọn mặt gửi vàng” khi hướng tới những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, dự án có tính khả thi cao...
Đồng tình với đề xuất nới thêm room tín dụng 2 tháng cuối năm để không làm mất đà tăng trưởng của nền kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc kiểm soát nguồn cung tiền là rất quan trọng, nhưng cần kiểm soát vừa phải, không nên siết quá chặt. Theo ông Nghĩa, room tín dụng được nới sẽ gây áp lực nhất định cho tỷ giá, nhưng mức độ không lớn (tín dụng tăng thêm 1%, sẽ làm tỷ giá tăng khoảng 0,33%). Ảnh hưởng với tỷ giá có thể trung hòa nếu sử dụng đồng thời giải pháp khác như giảm thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, nới room tín dụng cũng giảm bớt áp lực lên mặt bằng lãi suất.
Giới chuyên gia cho rằng, NHNN cần linh hoạt về hạn mức tăng trưởng tín dụng và không nên quá lo ngại về lạm phát mà siết thị trường tín dụng, trong khi có thể tận dụng được cơ hội phục hồi. Nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay được nhận định sẽ tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực hơn so với trước rất nhiều do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, DN có nhu cầu vốn để hoạt động. Đặc biệt Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng. Việc đầu tiên là cần đẩy nhanh tốc độ triển khai gói hỗ trợ này để tạo sức lan tỏa, giúp người dân, DN phục hồi sau dịch.
Đứng ở góc độ quản lý, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN kiên định mục tiêu tín dụng, kiểm soát tác động của lạm phát, vừa kiểm soát kỳ vọng vừa thực hiện nhiệm vụ ổn định tỷ giá, nên tất cả công cụ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN phải đảm bảo sự nhất quán.
Vừa rồi, NHNN cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất. Trước đó, NHNN chịu nhiều áp lực điều chỉnh nới room tín dụng lên 15-16%, nhưng thực tế cho thấy, việc NHNN kiên định điều hành chính sách là đúng và trúng, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, điều hành tín dụng là công cụ rất quan trọng để vừa tập trung kiểm soát lạm phát cả năm nay và năm sau. Có thể khẳng định, NHNN đã điều hành tốt chính sách tín dụng cho nền kinh tế góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh và đặc biệt “giữ chân” dòng vốn đầu tư nước ngoài. Qua đó cho thấy, Chính phủ, các bộ, ngành, ngân hàng trung ương đã có các giải pháp, cách thức điều hành tin tưởng.