Vấn đề trên đang còn những ý kiến trái chiều khi các ĐBQH thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) ngày 8/9.
ĐB Phạm Đình Thanh (đoàn Kon Tum) cho rằng, về hành vi bạo lực gia đình, quy định tại khoản 2 Điều 3 nêu rõ, hành vi bạo lực quy định cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn; người chung sống với nhau như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị em của người đã ly hôn, của người chung sống với nhau như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi.
Theo ông Thanh, để đảm bảo thống nhất với Luật Hôn nhân và gia đình, không nên quy định các hành vi bạo lực với người đã ly hôn, trường hợp cần thiết áp dụng với người đã ly hôn để đảm bảo phòng ngừa, xử lý vi phạm, tội phạm thì nên rà soát, xem xét, lựa chọn để quy định một số hành vi bạo lực được quy định tại khoản 1 Điều 3 để áp dụng với người đã ly hôn, thay vì áp dụng tất cả các hành vi này.
ĐB Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cũng đề nghị cân nhắc và xem xét lại quy định tại Khoản 2, Điều 3 quy định về hành vi bạo lực gia đình áp dụng đối với vấn nạn ly hôn. Theo đó, cần làm rõ hơn quy định về hành vi bạo lực gia đình nêu tại Khoản 1 Điều 3 thì chỉ xác định hành vi bạo lực gia đình khi xảy ra trong phạm vi gia đình giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Còn các hành vi xảy ra ngoài phạm vi gia đình thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật mà các trường hợp này thì tùy theo tính chất, mức độ để xử lý theo quy định của pháp luật chuyên ngành như pháp luật về hình sự, pháp luật vi phạm Luật xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về hôn nhân gia đình.
Bà Tâm đề nghị xem xét, quyết định các hành vi bạo lực gia đình sau ly hôn chỉ áp dụng trong trường hợp quan hệ giữa cha mẹ và con, không áp dụng trong quan hệ giữa cha và mẹ. Tại quy định tại khoản 14 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình quy định cụ thể ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Theo đó, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đã chấm dứt, chỉ có trách nhiệm cùng nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái. Chính vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc đối với quy định này.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình không hạn chế việc xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự với các vi phạm pháp luật xảy ra trong gia đình. Tất cả các hành vi vi phạm pháp luật mà xảy ra trong gia đình thì đều có thể xử lý hành chính và hình sự theo quy định của pháp luật có liên quan. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đưa ra các biện pháp đặc thù để xử lý hành vi bạo lực gia đình.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, theo ông Mai, cùng một hành vi gây thương tích cho người trong gia đình nhưng nếu vô ý gây thương tích thì không thể cách ly họ, mà chỉ cần giáo dục, thuyết phục để xử lý vấn đề, vì mục tiêu chính là bảo vệ gia đình.
Liên quan đến đối tượng ly hôn bị bạo lực gia đình, theo ông Mai, câu chuyện xảy ra là áp dụng các biện pháp đặc thù để bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Bởi quan hệ sau ly hôn rất phức tạp, là quan hệ đặc biệt. Nếu trường hợp đối tượng vẫn tiếp tục đe dọa, hành hạ người đã ly hôn rồi thì có thể áp dụng biện pháp cách ly, lệnh cấm tiếp xúc. Đây là các biện pháp đặc thù để bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam, chúng ta đều thấy bạo lực gia đình xảy ra sau ly hôn. “Dự thảo luật không chỉ có biện pháp cấm tiếp xúc mà còn có biện pháp hỗ trợ nạn nhận bạo lực gia đình”- ông Mai nhìn nhận.