Lý giải về nguyên nhân chậm cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc xây dựng danh mục, kế hoạch thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn còn chưa khả thi, chưa sát với thực tế.
Tồn tại nhiều vấn đề về tài chính
Nhiều chuyên gia đưa ra đề nghị về việc, Bộ Tài chính cần làm rõ nguyên nhân của việc chậm tiến độ, không hoàn thành mục tiêu kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước, thoái vốn nhà nước tại DN giai đoạn 2016 - 2020. Đến thời điểm này, chỉ có 39/137 DN thuộc danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã thực hiện cổ phần hóa, đạt 28,4% theo kế hoạch. Về thoái vốn, chỉ đạt 30% về số lượng và 11% tổng giá trị phải thoái.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN là do khâu tổ chức thực hiện.
Trong đó, nguyên nhân khách quan là do các DN cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, sở hữu nhiều đất đai, tồn tại nhiều vấn đề về tài chính. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội đã ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị DN, rà soát, lập phương án sắp xếp các cơ sở nhà, đất để thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định.
Nguyên nhân chủ quan là do công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn (xử lý, sắp xếp các cơ sở nhà, đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tồn tại tài chính…) chưa tốt, một số phương án cổ phần hóa chưa hấp dẫn với nhà đầu tư nên khi chào bán cổ phần lần đầu (IPO) không bán hết số lượng cổ phần, do đó khi niêm yết trên thị trường chứng khoán bị hạn chế giao dịch. Đơn cử như việc cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 2 - GENCO2, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam - PVPOWER, 3 Tổng công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản việt Nam, tỷ lệ cổ phần DN nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa lớn.
Bên cạnh đó việc chậm quyết toán cổ phần hóa cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn như Tổng công ty Thép Việt Nam chính thức chuyển thành công ty cổ phần từ năm 2011 đến nay đã hơn 11 năm chưa thực hiện quyết toán cổ phần hóa.
Bộ trưởng khẳng định, trách nhiệm thuộc về cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp. Việc xây dựng danh mục, kế hoạch thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn còn chưa khả thi, chưa sát với thực tế, chậm rà soát, điều chỉnh kế hoạch nên khi triển khai thực hiện không đạt kết quả; ảnh hưởng đến số thu về ngân sách nhà nước từ cổ phần hóa, thoái vốn. Trách nhiệm chủ yếu thuộc về các cơ quan đại diện chủ sở hữu và DN .
Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, cơ quan đại diện chủ sở hữu còn chưa cao, còn ngại khó, né tránh, sợ trách nhiệm, thiếu tính chủ động mà trông chờ vào việc thay đổi cơ chế, chính sách mới triển khai, còn tư tưởng đùn đẩy trách nhiệm đến các Bộ, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ... và không muốn cơ cấu lại DN nhà nước theo hình thức cổ phần hóa, thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ, đang hoạt động ổn định. Trách nhiệm thuộc về các cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp.
Cùng với đó, một số bộ, ngành, địa phương, DN nhà nước chưa quan tâm đến việc sắp xếp xử lý nhà, đất. Việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các Ủy ban nhân dân tỉnh thành phố bộ ngành liên quan trong việc thực hiện lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất còn chưa tốt, chậm. Trách nhiệm thuộc về cơ quan đại diện chủ sở hữu và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn.
Xây dựng cơ chế, chính sách tiền lương theo nguyên tắc thị trường
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong thời gian tới sẽ xây dựng kế hoạch, danh mục DN nhà nước thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo khả thi, phù hợp.
Các bộ, ngành, địa phương, DN nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DN nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp DN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025”, Quyết định số 22/20221/QĐ-TTg ngày 2/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiêu chí phân loại DN nhà nước, DN có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 – 2025” và công điện số 478/CĐ-TTg ngày 27/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại DN nhà nước.
Trong đó nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách tiền lương theo nguyên tắc thị trường, gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với người giữ chức danh, chức vụ, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN, bảo đảm phù hợp với kết quả, điều kiện sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động của DN.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị Bộ Nội vụ rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về người quản lý DN; cán bộ, công chức của cơ quan đại diện chủ sở hữu để xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DN nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ, công việc liên quan; coi việc thực hiện nhiệm vụ và kết quả thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DN nhà nước là một tiêu chí đánh giá các cơ quan, đơn vị tập thể, cá nhân liên quan.