Cổ phiếu VNZ của Công ty Cổ phần VNG - công ty được ví là kỳ lân công nghệ, tiếp tục tăng kịch trần lên 893.400 đồng/cp. Ngược lại, tình hình kinh doanh của VNG không mấy khả quan.
Kết phiên 10/2/2023, cổ phiếu VNZ của kỳ lân công nghệ VNG tăng trần lên mức 893.400 đồng, khớp lệnh đạt 300 đơn vị. Sau 8 phiên tăng trần liên tiếp, cổ phiếu này trở thành cổ phiếu đắt đỏ nhất lịch sử thị trường chứng khoán Việt.
3 ngày sau khi cổ phiếu VNZ xác lập chuỗi tăng trần, CTCP VNG vừa có báo cáo giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán và Sở HNX.
Trong công văn ngày 10/2/2023, phía VNG cho biết việc giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên từ ngày 1 - 7/2/2023 hoàn toàn phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường chứng khoán và thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư; công ty không có bất kỳ sự can thiệp hay kiểm soát nào đối với diễn biến giá cổ phiếu VNZ trong cùng thời điểm.
Thêm vào đó, phía VNG cũng khẳng định, công ty vẫn hoạt động bình thường và không có bất kỳ biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.
Sau phiên 10/2, vốn hóa cổ phiếu VNZ tăng lên mức 25.672 tỷ đồng. Giá trị tài sản của ông Lê Hồng Minh - đồng sáng lập CTCP VNG tiếp tục tăng lên mức 3.150 tỷ đồng - bằng 50% giá trị tài sản của Chủ tịch Tập đoàn FPT - ông Trương Gia Bình. Con số này thậm chí sẽ tiếp tục tăng lên nếu cổ phiếu VNZ duy trì được phong độ.
Phiên 13/2/2023, nếu cổ phiếu VNZ tiếp tục tăng trần (phiên thứ 9 liên tiếp), thị giá của mã sẽ có thêm 134.000 đồng - tương ứng giá cổ phiếu tăng lên mức 1.027.000 đồng/cổ phiếu - gấp 4,27 lần giá chào sàn - qua đó trở thành cổ phiếu Việt đầu tiên cán mức giá kỷ lục này sau 23 năm.
Dù vậy, con số này vẫn đặt nhóm cổ đông nước ngoài từng mua vào cổ phiếu VNG nhiều năm về trước trong tình trạng "mua hớ".
Cụ thể, năm 2021, Công ty Quản lý quỹ Mirae Asset đã chi 1.228 tỷ đồng để mua cổ phiếu VNG với mức giá 1,7 triệu đồng/cổ phiếu. Trước đó năm 2019, quý Temasek (Singapore) thậm chí đã mua 355.820 cổ phiếu VNG với giá 1.861.800 đồng/cổ phiếu - tương ứng khoản tiền bỏ ra gần 662 tỷ.
Dù định giá chung của thị trường có giảm sút nhưng việc VNG chào sàn với mức giá 240.000 đồng/cổ phiếu là rất khó hiểu do vậy mà việc cổ phiếu này tăng phi mã như hiện nay là không quá ngạc nhiên khi mà vẫn còn rất thấp so với mức giá Mirae Asset hay Temasek đã mua.
Trái ngược với sự đi lên giá cổ phiếu, tình hình kinh doanh của “kỳ lân” công nghệ đầu tiên của Việt Nam đang không mấy khả quan. Năm 2022, VNG lỗ trước thuế 943 tỷ đồng, lỗ sau thuế 1.315 tỷ đồng, lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 858 tỷ đồng. Đây không những là số lỗ kỷ lục mà còn là lần đầu tiên cả 3 chỉ tiêu này đều ở mức âm trong lịch sử hoạt động của VNG.