Cơ quan Công an khuyến cáo về phòng, chống cháy nổ

Minh Lộc 24/07/2023 07:15

Thời gian qua tại Hà Nội và các địa phương đã xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng dẫn đến những hậu quả nặng nề về người và tài sản. Trong đó có một số nguyên nhân cần đặc biệt lưu ý.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 117 vụ cháy, trong đó có 32 vụ chập điện, cháy thiết bị sạc chủ yếu xảy ra ở đô thị. Nguyên nhân cháy thiết bị điện chủ yếu do thiết bị kém chất lượng và do người dân ít quan tâm bảo dưỡng, kiểm tra hạn sử dụng để thay thế. Trong khi đó, đối với việc sạc các thiết bị điện không tuân thủ quy định, hầu hết ai cũng theo thói quen cắm sạc thiết bị điện từ tối đến sáng. Do trong thời gian vào ban đêm, nguồn điện mạnh hơn dẫn đến dòng điện vẫn tác động gây nóng và cháy, nổ.

Theo cơ quan Công an, đối với các hộ gia đình cần bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ. Ý thức của người dân về công tác PCCC sẽ là biện pháp an toàn cho chính mình, người thân và những người xung quanh.

Công an TP Hà Nội cũng đưa ra khuyến cáo một số biện pháp PCCC như: Không câu móc, đấu nối điện tùy tiện; không luồn dây điện qua trần xốp, mút, mái tôn mà không có ống gen nhựa; không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm; không nên sạc điện thoại, máy tính, xe đạp điện qua đêm.

Trước khi đi ngủ hoặc ra khỏi nhà, người dân cần kiểm tra nơi đun nấu, thắp hương thờ cúng; tắt các thiết bị không cần thiết; lựa chọn dây dẫn điện có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng; thường xuyên kiểm tra, thay thế các thiết bị điện và mạng điện hư hỏng.

Mỗi hộ dân cần tính toán, thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống điện trong nhà đảm bảo tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật; nên lựa chọn dây điện có chất lượng cao để đi ngầm trong tường; lựa chọn dây điện có tiết diện phù hợp với khả năng chịu tải của thiết bị tiêu thụ điện; các mối nối dây điện phải đảm bảo đúng kỹ thuật, nối so le và được quấn băng cách điện.

Sạc điện qua đêm và “chuồng cọp” hàn kín là hiểm họa, nên cần cảnh báo cho các hộ dân ở đô thị. Thiết bị sạc ở dưới tầng 1 để qua đêm nhưng trên các tầng, ban công lại bịt kín bởi các lồng sắt và khi xảy ra hỏa hoạn thì không có lối thoát nạn.

Mỗi gia đình cần có phương án thoát nạn và chia sẻ cho các thành viên trong gia đình biết, đặc biệt phải mở lối thoát nạn, cắt bỏ lồng sắt. Các gia đình nên hạn chế để trẻ em ở nhà một mình.

Khi xảy ra cháy, nếu phải băng qua lửa, khói, người dân phải dùng khăn ướt để bảo vệ cơ quan hô hấp; không trú ẩn dưới gầm giường, tủ quần áo, trong nhà vệ sinh; trước khi mở cửa dùng mu bàn tay kiểm tra nhiệt.

Hiện nay đang ở thời điểm nắng, nóng và cháy, nổ thường có diễn biến phức tạp. Đặc biệt, đối với thiết bị điện dễ cháy nổ hơn, bởi bình ắc quy, pin thường nóng hơn và chịu thời gian sạc ngắn hơn thông thường. Do đó, các đơn vị, cơ sở và hộ gia đình cần nâng cao cảnh giác, cẩn trọng trong sử dụng thiết bị điện về đêm, chú trọng kiểm tra nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy. Người dân cần đặc biệt chú ý các biện pháp an toàn trong khi sử dụng điện và thiết bị điện, góp phần kiềm chế sự gia tăng về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ quan Công an khuyến cáo về phòng, chống cháy nổ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO