Cơ sở pháp lý để nhận diện ‘tín dụng đen’

Thuý Hằng (thực hiện) 15/12/2021 07:00

“Tín dụng đen” là hoạt động tín dụng bất hợp pháp, trong đó điển hình là việc cho vay với lãi suất “cắt cổ” và đòi nợ mang tính côn đồ.

Trò chuyện với PV Báo Đại Đoàn Kết, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc công ty Luật AnVi, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế cho rằng, muốn chặn “tín dụng đen” phải tạo điều kiện để cân bằng tối đa cung cầu tín dụng.

PV: Theo ông, đâu là cách thức để nhận diện “tín dụng đen” trong bối cảnh cho vay lãi suất cao vượt quá quy định tràn lan như hiện nay?

Luật sư Trương Thanh Đức: Trên thực tế, không có định nghĩa nào của pháp luật về tín dụng đen, nhưng có thể xác định tín dụng đen là một hoạt động cho vay thường có ít nhất 2 trong số 3 yếu tố bất hợp pháp là: cho vay bất hợp pháp, lãi suất trái luật và đòi nợ phạm pháp. Thứ nhất, nếu doanh nghiệp, cá nhân hoạt động cho vay với số tiền lớn một cách thường xuyên, liên tục, chuyên nghiệp như một hoạt động kinh doanh chính, thì là hoạt động cho vay bất hợp pháp, vì không được Ngân hàng nhà nước cấp phép hay pháp luật cho phép. Thứ hai, lãi suất trái luật là mức vượt quá 20%/năm theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Thứ ba, đòi nợ phạm pháp là việc bên cho vay hoặc thông qua bên thứ ba đòi nợ bằng cách gây sức ép kiểu đe doạ, cưỡng ép, khủng bố tinh thần, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của người vay và thân nhân họ.

Ngoài ra, một trong các cách thức hoạt động “tín dụng đen” là lập lờ sử dụng các cụm từ “công ty tài chính” hoặc “dịch vụ tài chính” đã vi phạm vào quy định, nếu không phải là tổ chức tín dụng thì không được phép sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ “công ty tài chính”. Bên cạnh đó, vay qua các app trên điện thoại thông minh là cách cho vay trực tiếp giữa người cho vay với người vay thông qua nền tảng công nghệ kết nối trực tuyến mà không có sự tham gia của các tổ chức tín dụng. Nhưng hình thức cho vay này có dấu hiệu phạm pháp rất rõ, lãi suất các app chỉ để mức 19%/năm nhưng với các loại phí cộng dồn thì lãi suất thực chất cao gấp nhiều lần.

Tuy nhiên, lãi suất chỉ là yếu tố dễ nhận biết nhất nhưng lại không phải là dấu hiệu quan trọng nhất để xác định tín dụng đen do chính quy định bất hợp lý về lãi suất từ Bộ luật Dân sự năm 2005 trước kia và năm 2015 hiện nay. Lãi suất cho vay trên thực tế luôn là sự hợp lý mang tính quy luật của thị trường. Điều này có thể thấy rõ thông qua việc các tổ chức tín dụng cho vay hợp pháp nhưng đã được quyền “vượt rào” cho vay với lãi suất cao gấp nhiều lần 20%/năm mà không bị giới hạn.

Hành lang pháp lý để bảo vệ khách hàng khi lỡ sa chân vào các đường dây cho vay nặng lãi hiện được quy định cụ thể như thế nào, thưa ông?

-Với các hoạt động liên quan đến tín dụng đen nói chung hiện chưa có cơ quan chuyên trách bảo vệ trực tiếp, mà chỉ có các cơ quan liên quan đến việc quản lý hoạt động, đồng thời tham gia bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng như Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương, cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước hay là cơ quan công an, với vai trò bảo vệ trật tự, trị an xã hội; các cơ quan xử lý các vi phạm pháp luật. Có thể thấy, tình trạng “tín dụng đen” hoành hành chủ yếu là do các kênh tín dụng hợp pháp còn chưa đáp ứng được các nhu cầu vay vốn. Ngoài ra, còn do chưa có quy định và chế tài rõ ràng, cụ thể, dẫn đến việc khó xử lý vi phạm, cả hành chính cũng như hình sự.

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự (tức 100%), thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu - 1 tỷ đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Việc chỉ dựa vào mỗi tiêu chí lãi suất 100%/năm hoặc thu lợi bất chính là mới chỉ xử lý một lỗi nhẹ nhất trong 3 vấn đề bất hợp pháp nêu trên. Hơn nữa, quy định này còn chưa trả lời được câu hỏi: Loại phí nào thì được tính vào lãi suất và tại sao các tổ chức tín dụng thì lại có quyền cho vay lãi suất cao hơn nhiều lần các “giao dịch dân sự” khác?

Do đó, chủ yếu là người dân phải tự bảo vệ mình bằng việc lường trước những rủi ro khi vay tiền cân nhắc khả năng trả nợ gốc và nhất là trả lãi với lãi suất cao ngất ngưởng.

Vậy, theo ông, giải pháp nào để hạn chế “tín dụng đen”?

-Theo tôi phải thực hiện đồng thời nhiều giải pháp. Thứ nhất, sửa đổi pháp luật ngân hàng. Cụ thể sửa đổi quy định khoản 2, Điều 8 về “Quyền hoạt động ngân hàng”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 theo hướng: Quy định rõ ràng để có thể phân biệt được giữa các cá nhân và pháp nhân được phép cho vay với hoạt động cho vay, “hoạt động ngân hàng” và hoạt động cho vay bất hợp pháp, thay vì quy định mâu thuẫn với các luật khác, rất khó hiểu và không phù hợp với thực tế là “nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng” (cho vay là một hoạt động ngân hàng điển hình). Đồng thời mở rộng hoạt động cho vay chính thức.

Bên cạnh đó, sửa đổi pháp luật dân sự, trong đó sửa đổi quy định tại Điều 268 về “lãi suất”, Bộ luật Dân sự năm 2015 về giới hạn lãi suất cho vay theo hướng áp dụng giới hạn lãi suất theo lãi suất thị trường, để tránh tình trạng phần lớn giao dịch cho vay lâu nay rơi vào tình trạng lãi suất bất hợp pháp, dẫn đến khó phân biệt và khó xử lý “tín dụng đen”.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cơ sở pháp lý để nhận diện ‘tín dụng đen’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO