Bộ Tài chính đang lấy ý kiến phương án giảm Thuế Bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ ngày 1/4 đến hết năm 2022. Nhưng theo các chuyên gia còn nhiều cơ chế chính sách trong điều hành để giảm giá xăng dầu xuống nữa.
Cần tính toán mức hợp lý
Phương án giảm Thuế Bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ ngày 1/4 đến hết năm 2022, với mức giảm 500 đồng đến 1.000 đồng so với mức kịch khung đang áp dụng. Với các mức dự kiến giảm này, giá xăng giảm tương ứng 1.000 đồng mỗi lít, dầu là 500 đồng một lít thì trong góp ý gửi Bộ Tài chính về mức dự kiến giảm Thuế Bảo vệ môi trường với xăng, dầu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá “mức giảm 500 đồng với mỗi lít dầu, 1.000 đồng với xăng là thấp và cần giảm mạnh hơn”.
Vậy mức giảm bao nhiêu là phù hợp? Ông Trần Văn Lâm- Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, hiện nay Ủy ban chưa nhận được văn bản chính thức từ Bộ Tài chính chuyển sang để thẩm tra. Tuy nhiên nêu quan điểm về mức giảm bao nhiêu là hợp lý, ông Lâm cho rằng trong bối cảnh hiện nay cần giữ cho được ổn định, kiểm soát lạm phát. Do đó bình ổn giá là vấn đề được đặt ra. Trong rất nhiều phương án thì phương án cuối cùng là xem xét việc giảm các loại thuế để kiểm soát việc tăng giá của các mặt hàng, nhất là mặt hàng chiến lược như xăng dầu.
“Mức giảm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: giá cả thị trường tại thời điểm đó; các yếu tố tăng giá; vấn đề sức chịu đựng của ngân sách. Nếu giảm quá lớn sẽ hụt thu, nếu hụt thu mà không bù đắp được sẽ mất cân đối ngân sách thì cũng không được. Đây là những yếu tố đặt ra để tính toán, cân nhắc kỹ. Từ đó quyết định mức giảm sao cho phù hợp”- ông Lâm nói.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, ông Lâm cũng cho rằng, nếu để chênh lệch giá quá lớn so với giá nước ngoài thì sẽ thúc đẩy việc buôn lậu qua biên giới. Xăng dầu giá rẻ trong nước lại “chảy” qua biên giới sang các thị trường mà giá cao hơn, nhất là bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra. Cho nên chúng ta cần tính toán cho hài hòa, hợp lý. Giá xăng dầu phụ thuộc chính vào yếu tố xung đột Nga - Ukraine và sự trừng phạt của các nước khác đối với nền kinh tế Nga. Nếu giảm sâu quá, cộng với việc giá xăng dầu trong nước và thế giới chênh lệch nhau lớn sẽ xảy ra buôn lậu xăng dầu. Cho nên mức giảm bao nhiêu thì sẽ phải được cân nhắc, tính toán kỹ.
Giá xăng nên duy trì ở mức khoảng 18-24 nghìn đồng/lít
Chuyên gia kinh tế Bùi Đức Thụ cũng cho rằng, cần nhiều giải pháp để giảm giá xăng dầu bởi nếu mức giảm chỉ 1.000 đồng đối với xăng không đem lại nhiều ý nghĩa. Hiện Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng là 4.000 đồng/lít. Cơ cấu thuế phí chiếm 41-43% trong giá xăng dầu. Do đó cần giảm các loại thuế đánh vào xăng dầu để hạ giá xuống nữa. Như thế hỗ trợ sản xuất kinh doanh mới có ý nghĩa. Nhất là người dân đang rất khó khăn do vừa bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
“Hiện giá xăng đang là 27 nghìn đồng/lít. Nếu giảm Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng thêm 1.000 đồng/lít thì giảm giá được 1.000 đồng. Trong khi đó, Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng đang là 4.000 đồng, vì vậy có thể giảm xuống còn 2.000 đồng/lít. Bên cạnh đó, cộng với việc vừa qua Quốc hội đã quyết định giảm thuế VAT 10% đối với xăng dầu từ 10% xuống 8%. Như vậy giá xăng có thể giảm xuống nữa. Chưa kể, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện tại còn khoảng 1.000 tỷ đồng, và có thể sử dụng để giảm giá xăng dầu xuống nữa”- ông Thụ đưa ra phương án.
Bên cạnh đó, ông Thụ cho rằng, còn có thể giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu. Đó là theo Luật Thuế xuất nhập khẩu thì mức thuế thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Cho nên Chính phủ có thể làm ngay việc này. Đồng thời, Bộ Tài chính nên tham mưu cho Chính phủ có phương án giảm các loại thuế phí xuống bao nhiêu thì cần trả lời câu hỏi mục tiêu điều hành giá xăng dầu ở vào khoảng nào? để có thể duy trì giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Ông Thụ cho rằng, hiện giờ giá xăng đang ở mức 27 nghìn đồng/lít. Trong khi giá dầu thô đã 130 USD/thùng. Tới đây sẽ tăng cao nữa kéo theo giá xăng trong nước cũng tăng theo. Vì vậy cần cấp bách “hạ nhiệt ngay” giá xăng để kiểm soát lạm phát nói chung, trong đó có bình ổn giá xăng dầu. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chặt chẽ hệ thống bán buôn, bán lẻ xăng dầu tránh việc găm hàng tăng giá.
“Giá xăng dầu thế giới đang tăng. Chúng ta hỗ trợ bằng thuế, phí để giảm sẽ khiến giá xăng dầu trong nước thấp hơn các nước lân cận nên sẽ dẫn đến nguy cơ buôn lậu xăng dầu. Chính sách bao giờ cũng có mặt tích cực và có mặt trái. Vấn đề là người hoạch định chính sách, quản lý điều hành phải nhìn toàn diện, đánh giá tác động đối với các mặt của đời sống kinh tế - xã hội một cách toàn diện, lựa chọn phương án nào khả thi có lợi nhất cho đất nước, quốc kế dân sinh”- ông Thụ bày tỏ và cho rằng, bình ổn giá xăng dầu nên duy trì ở mức khoảng 18-24 nghìn đồng/lít là mức hợp lý. Khi giá xăng dầu thế giới tụt dưới giá sàn thì tăng các loại thuế phí, và thu vào Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.