Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vừa khởi tố 2 bị can về hành vi kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ. Điều đáng nói, một trong số hai bị can bị khởi tố đang là Phó trưởng Công an xã Hợp Đức (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) Nguyễn Trung Kiên. CQĐT cáo buộc Kiên đã buôn bán hàng cấm bằng tài khoản Facebook cá nhân mang tên “Trung Kiên”.
Trên thực tế có khá nhiều người cố tình vi phạm pháp luật, buôn bán, tàng trữ và vận chuyển pháo nổ, nhất là những độ Tết đến Xuân về. Song, việc một phó trưởng công an xã biết luật vẫn cố tình phạm luật, ngang nhiên dùng mạng xã hội Facebook để kinh doanh pháo nổ thì đúng là... coi trời bằng vung. Hành vi của Kiên không chỉ là gây hại cho xã hội, điều lớn hơn là làm méo mó hình ảnh lực lượng CAND trong mắt người dân.
Dư luận xã hội cho rằng, cùng một hành vi phạm pháp là buôn bán, tàng trữ và vận chuyển pháo nổ, nhưng những người biết luật phạm luật cần phải bị tuyên mức án cao hơn, dân thường để răn đe, phòng ngừa. Song, luật pháp không phân định thân phận người phạm tội. Vì thế, việc biết luật phạm luật chỉ là một tình tiết tăng nặng chứ không khiến cho người phạm tội bị mức án cao hẳn lên so với kẻ khác.
Quy định của pháp luật là công bằng với mọi người. Song, trên thực tế những người ở trong cơ quan bảo vệ pháp luật lại có nhiều “cơ hội” phạm tội hơn, nhiều khả năng thoát tội hơn người dân bình thường. Đơn giản vì họ có nghiệp vụ do được đào tạo nên dễ dàng che giấu hành vi phạm tội, xóa dấu vết, tạo dựng hiện trường giả... Đó là chưa kể còn có sự nể nang, xuê xoa nhất định giữa những người “trong cùng một ngành”.
Đó là lý do mà thời gian qua có không ít người trong các cơ quan bảo vệ pháp luật phạm tội, từ các tội phạm ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng. Trong nhiều vụ án, nếu không có sự vào cuộc của Bộ Công an với sự tham gia của những cán bộ dày dạn kinh nghiệm đấu tranh phòng chống tội phạm, tham gia của CQĐT Viện KSND Tối cao, e rằng tội phạm sẽ không bao giờ bị lộ mặt.
Có thể lấy ngay ví dụ trong vụ án “nổi đình đám” gần đây là vụ án liên quan đến Công ty Nhật Cường. Bị can Nguyễn Đức Chung từng là Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, là điều tra viên cao cấp nên rất có kinh nghiệm trong việc che giấu hành vi phạm tội, xóa dấu vết. Vì thế nhân vật này mới tự tin chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước có liên quan đến vụ án Nhật Cường hòng “che mắt” CQĐT.
Song, cổ nhân vẫn có câu: “Tà bất thắng chính”, “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt”. Dù những người trong các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phạm tội có giỏi xóa dấu vết, có các tiểu xảo tinh vi đến đâu thì cũng không thoát khỏi lưới pháp luật. Đơn giản là bởi “thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân”, nghĩa là anh giỏi nhưng còn có người khác giỏi hơn, nên khó lòng thoát tội, không thể trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.
Nêu ra ví dụ bị can Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cựu Giám đốc Công an TP Hà Nội) trong vụ án chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước liên quan đến Công ty Nhật Cường, để thấy rằng những người có “nghiệp vụ” nếu không tu dưỡng, rèn luyện, sẽ dễ dàng phạm tội bởi họ luôn “có điều kiện” hơn kẻ khác. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần “để mắt” hơn đến cán bộ, tránh việc “mất bò mới lo làm chuồng”.
Đáng tiếc, thời gian qua có không ít cán bộ, chiến sĩ công an ở một số địa phương thay vì tu dưỡng đạo đức, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, làm rạng danh hình ảnh người chiến sĩ CAND, họ lại sử dụng nghiệp vụ được đào tạo để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Vì thế, khá nhiều cán bộ chiến sĩ đã bị xử lý kỷ luật, từ thuyên chuyển công tác, hạ cấp bậc đến cách chức, tước quân tịch, thậm chí bị khởi tố hình sự.
Điều đó cho thấy thái độ kiên quyết xử lý vi phạm, bất kể đó là ai, giữ chức vụ gì... của lãnh đạo Bộ Công an, ban giám đốc Công an các địa phương. Lẽ ra, với những tấm gương tày liếp đó, nhiều người phải lấy làm sợ để tự răn mình không dám nghĩ đến việc vi phạm pháp luật. Song, vẫn có không ít kẻ “điếc không sợ súng”, cố tình lao vào con đường phạm pháp, dù biết phía trước là nhà tù. Đáng tiếc thay!