Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đề cập rất rõ việc nâng cao chất lượng cán bộ. Để triển khai Nghị quyết này, Thủ tướng cũng đã yêu cầu siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính. Làm sao để Nghị quyết đi vào cuộc sống, tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ, trao đổi với ĐĐK, Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh đến 2 yếu tố là chọn người; và cương quyết chống tham nhũng.
Trung tướng Khuất Duy Tiến.
PV: Thưa ông, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đề cập rất rõ việc nâng cao chất lượng cán bộ, vậy theo ông phải triển khai triệt để vấn đề này như thế nào để chọn cho được “người tài thay vì người nhà” như Thủ tướng đã nói?
Trung tướng Khuất Duy Tiến: Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cho thấy: Đảng quyết tâm rất cao, tìm mọi cách để tạo sự chuyển biến thực sự trong công tác Đảng, mà công tác Đảng chính là công tác cán bộ, vì cán bộ quyết định hết, và cán bộ hiện nay hầu hết là đảng viên. Từ đại hội VI đến nay Đại hội nào cũng có Nghị quyết về công tác Đảng, công tác cán bộ.
Trước đây đã nói có một bộ phận đảng viên tha hóa biến chất, và giờ cũng nhắc lại như vậy, nhưng nguy hiểm hơn là tự diễn biến, nghĩa là đã nặng hơn. Tham nhũng chính là giặc “nội xâm”, là tha hóa biến chất, nhũng nhiễu là thứ phá Đảng.
Nghị quyết Trung ương 4 đã nói, một trong những thiếu sót nhất trong công tác Đảng là công tác kiểm tra Đảng, còn ở bên ngoài là Bộ Nội vụ. Hệ thống kiểm tra, giám sát không chặt chẽ, làm không đến nơi đến chốn cho nên phần tử tha hóa phát triển, trong khi kiểm điểm không phát hiện ra.
Mới đây nhất là sai phạm của Trịnh Xuân Thanh, hay của Vũ Huy Hoàng tại Bộ Công Thương, còn trước đây là tại Vinaline, Vinashin.
Cho nên Nghị quyết Trung ương 4 lần này đòi hỏi phải phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Đảng, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ thì chúng ta mới làm được. Do đó bây giờ Ban Tổ chức Trung ương phải sắp xếp người cho đúng, cho trúng. Còn những người được đề cử chức danh Đảng, nhân dân tin tưởng giao cho thì phải làm sao cho xứng đáng.
Chỉnh đốn Đảng cũng chính là công tác cán bộ vậy chúng ta phải làm chặt từ lựa chọn cán bộ khi bổ nhiệm, cất nhắc?
Chỉnh đốn Đảng bây giờ trên phải mẫu mực, “nói đi đôi với làm”, có kế hoạch, vừa làm vừa chỉnh đốn. Theo Nghị quyết Trung ương 4, để sắp xếp đội ngũ cán bộ tốt chuẩn bị cho Đại hội XIII phải xếp từ dưới cơ sở, ở nông thôn phải từ xã trở lên, xã có người tốt thì huyện mới tốt, còn ở thành phố từ phường, phường tốt thì quận tốt.
Ở dưới có tốt thì trên mới tốt được vì đó là cái “gốc”. “Gốc” có tốt thì “ngọn” mới tốt như người xưa hay nói “dân vi bản”. Ở dưới cơ sở, chi bộ Đảng không tốt thì sao trên có được cán bộ tốt.
Bây giờ phải kiểm điểm xem chi bộ Đảng có bao nhiêu chi bộ tốt, đảng viên tốt? Nói 100% hoàn thành nhiệm vụ; 70% hoàn thành mức 1, mức 2 thì tôi không tin. Hiện nay đánh giá đảng viên tốt ở dưới chi bộ được bao nhiêu người? Bao nhiêu đảng viên sẵn sàng trước “nước sôi lửa bỏng”, đảng viên đi đầu có được bao nhiêu phần trăm?
Từ đó chọn những “lá cờ đầu” đưa làm chủ tịch, cán bộ thì những người đó mới là “mầm tốt”, “hạt giống đỏ” từ dưới lên sau đó phát triển lên cao thì mới có Bí thư, Chủ tịch huyện rồi lên đến Trung ương.
Hiện xây dựng đội ngũ cơ sở còn yếu. Cho nên muốn xây dựng Đảng tốt thì phải từ cơ sở, trong chiến tranh thấy rất rõ điều này. Còn bây giờ trong đấu tranh hòa bình vô cùng phức tạp nhưng tuyển chọn đội ngũ cán bộ rất sơ sài. Cho nên cần hết sức coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ từ cơ sở đưa lên thì Trung ương mới có cán bộ tốt.
Ông nghĩ sao khi tại phiên họp Chính phủ vừa qua, báo cáo về một số nội dung cơ bản triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, Bộ Nội vụ đã đưa ra giải pháp khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ công chức, viên chức có vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu?
Trong đấu tranh chống tham nhũng, bè phái thì phải làm triệt để, làm hai việc song song. Những cán bộ hiện tại tha hóa thì phải đấu tranh đến cùng làm cho ra, giải quyết bằng được, không nhu nhơ, đừng tính đến bố mẹ của cán bộ đó có nhiều hy sinh cống hiến mà nương nhẹ. Những người nghỉ hưu dù ở cấp nào mà có dấu hiệu tham nhũng thì cũng phải làm triệt để không để “hạ cánh an toàn”. Bởi tư duy nhiệm kỳ vẫn còn tồn tại rất nặng nề.
Thực tế có cán bộ trước khi làm Chủ tịch xã nhà nghèo khó, nhưng sau khi làm Chủ tịch xã đến khi về hưu hạ cánh an toàn có xe ô tô đi, con có ô tô, nhà to. Rồi ở huyện cũng có. Vậy lấy tiền ở đâu ra?
Chuyện này phải làm bằng được, giờ yêu cầu kê khai tài sản, những ai nghỉ hưu nhưng phát hiện sai phạm thì giờ kiểm tra lại và làm bằng được thì sẽ giáo dục được những người đương chức không dám làm nhưng cũng để cho người đương chức trong sạch được hoan nghênh.
Do đó phải làm mẫu từ trên xuống. Do đó cất nhắc cán bộ phải từ dưới lên, còn kê khai tài sản chống tham nhũng phải từ trên xuống thì sẽ giải quyết được vấn đề.
Trân trọng cảm ông!