Còn ai vẽ minh họa báo chí?

HOÀNG THU PHỐ 18/06/2023 08:36

Từng có thời điểm, minh họa trên báo chí mang tới sắc thái riêng biệt cho một số tờ báo văn nghệ. Và không ít họa sĩ đã gắn bó với việc vẽ minh họa cho các tòa soạn báo và tạo được dấu ấn riêng. Thế nhưng, ở thời 4.0 này, khi báo in đang bị báo điện tử và mạng xã hội lấn lướt, thì còn ai vẽ minh họa cho báo chí?

Minh họa của họa sĩ Công Quốc Hà cho một truyện nước ngoài, in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2020.

Đã qua thời “hoàng kim”

Ngược dòng thời gian, báo chí Việt Nam đã có sự đồng hành, gắn kết giữa tòa soạn và các họa sĩ. Trong đó, nhiều họa sĩ mà sau này được coi như những danh họa của mỹ thuật Việt Nam cũng có những năm tháng gắn liền với công việc vẽ tranh minh họa cho các báo, tạp chí. Lật mở những trang báovăn nghệ chưa xa xưa lắm, như hồi những năm 70-80 của thế kỷ trước, dễ dàng gặp lại tranh của họa sĩ: Nguyễn Sáng, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Thụ, Văn Cao, Văn Đa…

Thế nhưng, ở thời điểm hiện nay, khảo sát thị trường báo chí, dễ nhận thấy một điều, số báo, tạp chí còn duy trì các trang sáng tác (truyện ngắn, thơ, tản văn…) không nhiều. Những tờ báo còn duy trì và đều đặn mời họa sĩ vẽ minh họa có thể kể tới: Tuần báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nhân Dân hằng tháng, Văn nghệ Công an, tạp chí Nhà văn và Tác phẩm… Ngoài ra, một số ấn phẩm dành cho thiếu niên, nhi đồng như: Họa mi, Nhi đồng, Thiếu niên Tiền phong, Rùa vàng, Mặt trời nhỏ… thì mảng tranh minh họa vẫn không thể thiếu. Các họa sĩ đương đại còn tham gia vẽ minh họa báo chí có: Thành Chương, Phạm Minh Hải, Đỗ Phấn, Hà Trí Hiếu, Đào Hải Phong, Đỗ Dũng, Phạm Hà Hải, Vũ Đình Tuấn…

Từ bức minh họa trên, đầu năm 2023, họa sĩ Công Quốc Hà có cảm hứng vẽ thành bức tranh "Tình yêu Tây Nguyên" kích thước lớn (85x170cm, chất liệu acrylic).

Tuy nhiên, ở thời buổi kỹ thuật số như hiện nay, một số ấn phẩm có xu hướng dùng tranh minh họa được khai thác từ mạng internet. Thậm chí, nhiều tòa soạn trước đây vẫn mời gọi họa sĩ vẽ minh họa, nhưng hiện nay đã thay thế bằng việc lấy ảnh đồ họa “free” (miễn phí) trên internet, hoặc dùng ảnh thay cho tranh vẽ.

Họa sĩ Lê Tiến Vượng - Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2 (Hội Mỹ thuật Việt Nam) thừa nhận minh họa báo chí cũng có nhiều thăng trầm. Ông lấy ví dụ như thời làm báo trước những năm 1990, vai trò người họa sĩ được đề cao rất rõ. Sau năm 2000, khi kỹ thuật số được cập nhật, kinh tế thị trường trên diễn ra sôi nổi, các ấn phẩm báo chí, xuất bản nở rộ, đòi hỏi số lượng các họa sĩ thiết kế và vẽ minh họa tăng cao. Trong khi đó, nhiều họa sĩ danh tiếng đã già, nhiều người đã mất, nhiều tòa soạn phải dùng các kỹ thuật viên tham gia quá trình mỹ thuật báo chí, nhiều người không học mỹ thuật chỉ biết vi tính đã tham gia thiết kế và thậm chí tham gia minh họa báo chí, nên chất lượng mỹ thuật và minh họa của một số ấn phẩm bị suy giảm. Ngay ở các tờ báo dành cho tuổi thiếu nhi, nơi cần lực lượng họa sĩ đông đảo, cũng đặt vị trí các họa sĩ rất mù mờ, chịu sự chi phối “giám định mỹ thuật” không chỉ dưới ban biên tập mà còn dưới cả các ban chuyên môn khác, do đó nhiều họa sĩ có chuyên môn giỏi, thành danh đã lặng lẽ chuyển nghề, nhiều họa sĩ giỏi là cộng tác viên cũng không còn háo hức như xưa. “Nhìn vào nhiều tờ báo trẻ em, hay tuổi mới lớn giờ chỉ thấy “màu mè diêm dúa” mà thiếu hẳn những nét vẽ khỏe khoắn ngộ nghĩnh ngày nào, thậm chí để nhớ đến một cái tên họa sĩ danh tiếng trong rất nhiều tờ báo kia cũng rất khó kiếm…”, họa sĩ Lê Tiến Vượng chia sẻ.

Có thể nói thực trạng câu chuyện nghệ thuật minh họa báo chí, đặc biệt là báo in đang trải qua thời kỳ thách thức. Thời hoàng kim của báo in và minh họa báo chí đang thu hẹp, việc minh họa báo chí ít được chú trọng.

Cũng có thể vì thế, hiện nay, nhiều họa sĩ vẽ minh họa có phong cách riêng đang dần dần rời xa với công việc mà họ từng gắn bó và để lại dấu ấn.

Trang báo Tinh hoa Việt Xuân Nhâm Dần với minh họa của họa sĩ Phạm Hà Hải cho tản văn của nhà văn Nguyễn Bình Phương.

Những người “bắc cầu” lặng lẽ

Bước chân vào triển lãm “Nghệ thuật minh họa báo chí, xuất bản Việt Nam 2023” do Hội Mỹ thuật Việt tổ chức (diễn ra tại 16 Ngô Quyền-Hà Nội, từ ngày 17 đến 25/6), thấy được nhiều tên tuổi họa sĩ đã và đang có những đóng góp cho lĩnh vực vẽ minh họa cho các tác phẩm trên báo chí cũng như xuất bản Việt Nam. Với gần 50 họa sĩ trên cả nước, người quan tâm sẽ thấy được việc vẽ minh họa sách báo có thể thực hiện với nhiều phong cách ngôn ngữ tạo hình khác nhau, miễn sao “thuyết phục” được tòa soạn và độc giả. Xem triển lãm, có thể thấy được dấu ấn và sự đóng góp của một số họa sĩ trong lĩnh vực vẽ minh họa báo chí. Những tác phẩm của họ thực sự mang đến sự sinh động, tươi mới cho “văn bản chữ”. Và trải qua thời gian, những họa sĩ vẽ minh họa có nhiều năng lực, nhiều sự sáng tạo đã dần định vị phong cách minh họa riêng, khiến họ không lẫn dù có không có chú thích ghi tên bên dưới.

Có thể ví, họa sĩ vẽ minh họa giống như người bắc một “nhịp cầu” để độc giả đặt chân vào thế giới của những con chữ. Những nét vẽ minh họa, bố cục, màu sắc bắt mắt đã là ấn tượng thị giác đầu tiên để thu hút độc giả khi cầm tờ báo, tạp chí hay cuốn sách trên tay.

Trong số các họa sĩ đương đại tham gia vẽ minh họa trên báo chí, dấu ấn của họa sĩ Thành Chương rất đậm nét. Với sức sáng tạo dồi dào, Thành Chương đã góp phần đưa minh họa báo chí lên một vị trí mới. Không chỉ vậy, ông còn là người có công dìu dắt một số họa sĩ trẻ bước chân vào “nghiệp phận” vẽ minh họa sách báo. Họa sĩ Thành Chương từng nêu quan niệm: “Nghề này muốn minh họa hay thì chắc chắn họa sĩ phải vẽ đẹp. Nhưng cũng có rất nhiều họa sĩ vẽ tranh rất đẹp mà minh họa vẫn không hay”.

Thuộc thế hệ sau, họa sĩ Phạm Hà Hải có gần 20 năm theo đuổi nghiệp vẽ minh họa cho các báo, tạp chí. Người kéo Phạm Hà Hải rẽ vào minh họa báo chí chính là họa sĩ Thành Chương. “Tôi vẽ minh họa gần 20 năm nhưng làm vì thích hơn là coi như một nghề. Tuy nhiên, với báo chí ngoài yếu tố luôn “trả bài” gấp theo công việc xuất bản thì minh họa cần sáng ý, tìm được những tạo hình đơn giản mà thu hút, dễ cảm nhận. Họa sĩ cần tôn trọng văn bản từ đó mà diễn đạt bằng tạo hình để đồng hành cùng văn bản trong cảm thụ của người đọc”, họa sĩ Phạm Hà Hải chia sẻ.

Đa số các họa sĩ đều coi việc vẽ minh họa với báo chí là một công việc “vui vui”, và không dành quá nhiều thời gian, tâm sức. Tuy nhiên, cũng có những người mà nhắc đến hành trình hội họa của họ thì “nhánh” tranh vẽ minh họa khá là nổi bật, được nhiều người nhớ tới. Chẳng hạn như họa sĩ Nguyễn Đăng Phú. Ông bền bỉ vẽ minh họa cho báo Văn nghệ và tạp chí Văn nghệ Quân đội suốt nhiều chục năm. Riêng với báo Hà Nội mới cuối tuần, ông cộng tác vẽ cho chuyên mục “Hà Nội tạp văn” liên tục trong cả chục năm trời. Đều đặn, hàng tuần, tranh của Nguyễn Đăng Phú đã đồng hành với tản văn, tạp bút của hàng trăm nhà văn, nhà thơ, tác giả trên mọi miền đất nước. Đến đầu năm nay, vì sức khỏe không cho phép, ông mới chia tay chuyên mục gắn bó thân thiết này.

Hay như họa sĩ Phạm Hà Hải, khi đã nhận lời vẽ minh họa, anh thường rất đúng hẹn. Minh họa của anh thường được vẽ trên chất liệu giấy giang tạo nên một hiệu ứng thẩm mỹ khác biệt.

Khi được hỏi, có khi nào việc vẽ minh họa cho báo chí đã gợi ra ý tưởng, hoặc gợi hứng cho họa sĩ sáng tác tác phẩm mỹ thuật không, nhiều họa sĩ thừa nhận là có. Sự tươi mới của các tác phẩm văn học được viết bởi nhà văn, nhà thơ sống ở các vùng miền đất nước, thậm chí các nhà văn nước ngoài mang lại ít nhiều cảm hứng cho sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ. Khiến họ như được tiếp thêm nguồn năng lượng sống dồi dào để có thể hứng khởi thi triển những tác phẩm hội họa độc lập. Họa sĩ Đào Hải Phong quan niệm, đừng coi việc vẽ minh họa báo chí là “việc nhỏ”, hay vẽ “cho vui”. Qua mỗi bức tranh minh họa, là dịp để họa sĩ rèn mình, sửa mình, đồng thời cũng là cơ hội để họa sĩ tìm mình.

Dù khẳng định, khi sáng tác hội họa không tư duy như khi làm việc vẽ minh họa, song họa sĩ Phạm Hà Hải thừa nhận “có lúc trong khi tìm cách đổi mới thể hiện minh họa thì cũng xuất hiện cảm xúc thẩm mỹ, kỹ thuật gợi ý cho hội họa của mình”.

Còn họa sĩ Công Quốc Hà - một họa sĩ gắn bó với việc vẽ minh họa trên báo chí từ thập niên 80 của thế kỷ trước cũng thừa nhận: “Sau khi vẽ xong một tranh minh họa cho một tác phẩm văn học mà tôi thích thú, tôi có thể có cảm hứng để sáng tác một tác phẩm hội họa của mình”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Còn ai vẽ minh họa báo chí?