'Cơn địa chấn' trong kỳ bầu cử Quốc hội Đức

Linh Chi 25/09/2017 18:29

Nhiều nhà phân tích cho rằng kết quả bầu cử Đức được công bố trong hôm 25/9 vừa là thắng lợi đối với bà Angela Merkel khi bà giành được nhiệm kỳ Thủ tướng thứ tư của mình, nhưng cũng là thất bại khi số ghế của đảng của bà trong Quốc hội giảm trong khi đảng cực hữu lại trỗi dậy.

Bà Angela Merkel trong bài phát biểu sau khi giành chiến thắng trong bầu cử. (Nguồn: Reuters).

Bà Merkel giành nhiệm kỳ thứ tư

Đảng cực hữu Sự thay thế cho nước Đức (AfD) đã trở thành nhóm lớn thứ 3 trong Quốc hội Đức, Bundestag, khi cử tri Đức dường như đã đưa ra một cú đòn choáng váng với các đảng chính trị truyền thống. Đảng trung hữu CDU của bà Merkel và đảng liên minh CSU đều chứng kiến lượng phiếu bầu sụt giảm.

Đảng lâu đời nhất của nước Đức, đảng trung tả SPD, từng nằm trong liên minh lớn với bà Merkel, đã chuyển thành phe đối lập.

Phát biểu trước những người ủng hộ, bà Merkel đã nói rằng kết quả trên đã tiếp tục trao cho bà sự ủy thác để dẫn dắt nước Đức, nhưng sự trỗi dậy của đảng AfD sẽ cần có sự "phân tích kỹ lưỡng" để hiểu rõ tâm lý của giới cử tri.

Các kết quả ban đầu cho thấy liên minh đảng CDU/CSU của bà Merkel sẽ trở thành nhóm lớn nhất trong Quốc hội Đức, nhưng số ghế của họ lại bị giảm xuống còn 33,5%, hạ từ mức 41,5% trong năm 2013. Đảng SPD cũng có số ghế giảm từ 25,7% xuống còn 21,6%. Được biết đây là kết quả tồi tệ nhất đối với đảng CDU kể từ năm 1949 và của đảng SPD kể từ năm 1945.

Đảng AfD, mới chỉ được thành lập cách đây 4 năm, đã trở thành đảng cực hữu đầu tiên được vào Quốc hội Đức kể từ năm 1961, dù chỉ giành 12% số phiếu bầu.

Phát biểu trước những người ủng hộ, bà Merkel cam kết sẽ cố gắng tìm hiểu mối quan tâm của các cử tri đã bỏ phiếu cho AfD. "Có một thách thức mới cho chúng tôi, và đó chính là việc AfD lọt vào Quốc hội. Chúng tôi muốn giành lại cử tri từ tay AfD", bà Merkel nói.

Lãnh đạo đảng SPD Martin Schultz thì nói rằng kết quả trên là một "sự thất vọng cay đắng" và đảng này sẽ không tham gia vào tiến trình đàm phán thành lập liên minh. Trong lúc tranh cử, ông Schultz đã không thể đưa ra đòn công kích hữu hiệu nhằm vào bà Merkel.

Sự trỗi dậy của đảng cực hữu

Lãnh đạo địa phương của AfD tại Berlin, Georg Pazderski, đã tuyên bố sự thành công của đảng này là một "cơn địa chấn chính trị".

Được thành lập năm 2013, AfD đã nhanh chóng trỗi dậy nhờ vào quan điểm chống người di cư và chống lại quyết định mở cửa biên giới đối với hơn 1 triệu người nhập cư, chủ yếu là những người chạy trốn chiến sự ở Trung Đông, của bà Merkel. AfD cho rằng hành động trên đã gây nên nỗi sợ người Hồi giáo ở nước Đức.

AfD có lực lượng người ủng hộ đặc biệt mạnh mẽ ở phía Đông nước Đức, trong đó bao gồm cả thủ đô Berlin, thu hút được 21,5% số phiếu bầu. Ở phía Tây, họ giành được khoảng 11%. Kết quả này đã giúp AfD trên con đường trở thành đảng lớn thứ hai ở khu vực phía Đông, chỉ sau CDU.

Alice Weidel, một lãnh đạo của AfD, nói với người ủng hộ rằng bà sẽ tiếp tục giữ lời hứa sẽ thành lập một ủy ban điều tra quyết định của bà Merkel cho phép tiếp nhận hơn 1 triệu người di cư tới Đức trong năm 2015. Bà cho rằng bà Merkel nên bị "trừng phạt" vì quyết định trên.

Có một số cuộc biểu tình đã diễn ra ngay bên ngoài trụ sở của đảng AfD sau khi kết quả bầu cử được công bố. Những người biểu tình dơ cao biểu ngữ phản đối đảng này và quan điểm chống người di cư của họ.

Đại hội Do Thái châu Âu (EJC) còn kêu gọi các đảng lớn của nước Đức kiềm chế AfD trong Quốc hội. "Chúng tôi tin rằng các đảng trung hữu trong Quốc hội Đức sẽ đảm bảo rằng AfD không có đại diện trong chính phủ liên minh sắp tới", Moshe Kantor, Chủ tịch EJC, nói.

"Liên minh Jamaica"

Trong lúc mà đảng SPD từ chối tham gia lại chính phủ liên minh và không có đảng nào muốn làm việc với AfD, thì kết quả bầu cử vừa qua khiến cho bà Merkel chỉ có rất ít lựa chọn thành lập liên minh.

Bà Merkel có thể buộc phải thỏa thuận với hai đảng Green và FDP để tạo nên cái gọi là "Liên minh Jamaica" - tức màu xanh lá và màu vàng đại diện cho 2 đảng này kết hợp với màu đen của đảng CDU sẽ tạo nên quốc kỳ của đất nước Jamaica.

Đảng FDP dự kiến sẽ giành được 10% số ghế trong Quốc hội. Và các cuộc đàm phán để hình thành liên minh chắc chắn sẽ chỉ diễn ra sau khi kết quả bầu cử chính thức được công bố.

Để hình thành một chính phủ, các đảng liên quan cần phải có tổng số ghế trong Quốc hội ít nhất 50%. Sẽ có một số lựa chọn thành lập liên minh, và vô số bất đồng có thể xảy ra giữa các đảng trong lúc đàm phán. Quốc hội Đức sẽ triệu tập lại vào ngày 24/10 tới sau khi chính phủ mới được thành lập.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Cơn địa chấn' trong kỳ bầu cử Quốc hội Đức