Ngày xưa, trong dân gian thường quan niệm, con gà trống với tiếng gáy vang tận đỉnh núi cao làm ma quỷ khiếp sợ, gọi ánh sáng xua tan bóng tối, là biểu tượng của thần hộ mệnh, diệt trừ, chế ngự cái xấu. Chính vì vậy, hình ảnh con gà xuất hiện trong mỹ thuật dân gian khá sớm. Đặc biệt, nhiều dòng tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam hình tượng con gà được đưa vào rất đa dạng, phong phú.
Bức “Chọi gà”- tranh Đông Hồ.
Gà trong tranh Đông Hồ
Có thể nói, trong tranh dân gian Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), hình ảnh con gà được thể hiện đa dạng, phong phú nhất. Chúng ta có thể gặp ở đây những bức tranh như: “Vinh hoa” (Em bé ôm gà), “Đàn gà mẹ con”, “Thư hùng”, “Nghênh xuân”… Mỗi bức tranh các nghệ nhân dân gian lại gửi gắm những ý nghĩa khác nhau, phản ánh sâu sắc văn hóa dân gian, lễ nghĩa, phong tục tập quán của người Việt từ thời xa xưa.
Theo nghệ nhân làng tranh Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế, trong dòng tranh Đông Hồ có rất nhiều động vật được phản ánh, ví dụ như lợn, vịt, cá, chuột… nhưng riêng với con gà thì có đến 6 loại tranh cùng đề cập. Tuy nhiên, mỗi loại gà trong tranh Đông Hồ đều có một ý nghĩa riêng. Đầu tiên là hình ảnh gà mang tên “Đàn gà mẹ con”.
Trong tranh vẽ hình ảnh 10 con gà con quây quần bên gà mẹ. Bức tranh này biểu trưng cho sự hạnh phúc, đầm ấm trong gia đình, đồng thời, làm toát lên sự hy sinh, vất vả của người mẹ khi gồng gánh, kiếm mồi cho đàn con. Ngoài ra, bức tranh còn cho thấy thực tế xã hội khi muốn nhấn mạnh việc một mẹ có thể nuôi được 10 con, nhưng chưa chắc 10 người con có thể nuôi được mẹ.
Cùng biểu thị hạnh phúc trong gia đình, nhưng tranh gà “Thư hùng” thuộc dòng tranh chúc tụng trong tranh Đông Hồ. Bên cạnh đó, bức tranh “Chọi gà” cũng rất đặc sắc, không chỉ mô tả lại một thú chơi ngày xuân của người dân ở nhiều vùng miền, đề cao tinh thần thượng võ, mà khi tặng bức tranh này thường đi với lời chúc sức khỏe, sự cần mẫn, siêng năng cần cù.
Với “Vinh hoa”, cái khỏe cái mạnh của em bé không chỉ được diễn tả ở da thịt nở nang, hồng hào mà còn ở cách ôm gà của em bé. Đặc biệt, đầu gà ngẩng cao, mặt sáng lên, hai chân dạng mạnh đạp xuống đất, đuôi chổng lên trời… song dường như gà hoàn toàn bất lực trước sức mạnh và sự điềm tĩnh chủ động của em bé. Sự vùng vẫy của gà đối lập với sự yên vui, hồ hởi tiềm tàng ở em bé tạo nên kịch tính, ý nghĩa tâm lý của bức tranh.
Ngoài ra, trong tranh Đồng Hồ còn có bức tranh “Dạ xướng ngũ canh hòa” (Đêm gáy năm canh đều đặn), phản ánh tập quán, thói quen của người Việt thời xưa. Khi chưa có đồng hồ để căn thời gian, người Việt nghe tiếng gà gáy để đoán định thời gian bằng từng canh khác nhau. Còn bức “Gà hoa hồng”, người Việt thường quan niệm con gà trống là biểu tượng của ngũ đức: văn, võ, dũng, nhân, tín.
Gà trong tranh Kim Hoàng
Không đa dạng như tranh Đông Hồ, nhưng 2 bức tranh “Thần kê” của tranh dân gian Kim Hoàng (xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Tây cũ, nay là Hà Nội) cũng rất nổi tiếng, được nhiều người yêu thích. Đặc biệt là đầu năm 2017, dòng tranh dân gian này đã chính thức được khôi phục thành công sau hơn nửa thế kỷ mất dấu trên thị trường.
Theo các tài liệu, từ nửa sau thế kỉ 18, dân di cư từ Thanh Hóa ra xã Vân Canh (Hoài Đức) gồm 2 làng Kim Bảng và Hoàng Bảng, hợp lại thành làng Kim Hoàng. Vốn có nhiều người tài hoa, khéo tay, lại nhanh nhạy nhận thấy tranh Đông Hồ chỉ đủ cung ứng cho mạn Hà Bắc, Hải Dương, Nam Định còn tranh Hàng Trống thì đa phần thuộc về người dân nội thành Hà Nội, họ đã sáng tạo ra dòng tranh mới của riêng mình.
Tranh Kim Hoàng ra đời trên cơ sở kết hợp kĩ thuật của cả tranh Hàng Trống và Đông Hồ vì thế tích hợp được hết các ưu điểm như có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ, màu sắc lại tươi như tranh Hàng Trống, in trên giấy đỏ, hồng điều hoặc giấy vàng tàu.
Sử liệu cũng ghi đi đầu trong việc tổ chức in và vẽ tranh là hai dòng họ Nguyễn Sỹ và Nguyễn Thế. Để chuẩn bị bán cho Tết, từ giữa tháng 11 âm lịch trở đi làng bắt đầu công việc làm tranh. Việc này với họ thiêng liêng và cẩn trọng nên đầu tiên phải cúng tổ nghề, sau đó ván in do trưởng phường giao cho dân làng in, in xong lại nộp lại cho trưởng phường.
Tranh Kim Hoàng có một điểm đặc biệt, là những câu thơ Hán tự được viết theo lối chữ thảo trên góc trái bức tranh. Cả thơ và hình vẽ tạo nên một chỉnh thể hài hoà, chặt chẽ cho tranh.
Đôi “Thần kê”- tranh Kim Hoàng.
Đến khoảng năm 1945, tranh Kim Hoàng bắt đầu mất dấu trên thị trường, và thực sự trở lại vào mùa xuân Đinh Dậu này.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa- người có công phục hồi dòng tranh Kim Hoàng cho biết, cặp gà Kim Hoàng là tranh treo cửa ngày Tết, màu sắc tươi sáng mang may mắn của mùa xuân. Mỗi tranh có một bài thơ đăng đối:
“Thần kê ngũ đức thái phượng hình
Cảnh tượng côn lôn đẩu hoán thanh
Quỷ khốc thần kinh tà tẩu tán
Trần chi môn hộ thọ trường sinh.”
(Tạm dịch: Con gà có 5 đức hình dáng như con Phượng, tiếng gáy vang động tận đỉnh núi, nghe tiếng gà gáy thì quỷ khóc, thần kinh tà ma phải chạy xa, giữ cho các gia đình khỏe mạnh sống lâu).
“Đông phương di hiệu thực tà thần
Kim cự hoa khôi ngũ thái văn
Hộ hộ khả linh quần quỷ tỵ
Môn môn trùng khánh vạn niên thanh.”
(Tạm dịch: Mỗi khi vừng Đông mọc, trời đất nuốt trôi đêm tối ảm đạm cùng các loài tà ma. Con gà có cựa vàng, mào hoa và năm móng sức, phù hộ cho các nhà, làm cho bầy quỷ phải tránh xa. Cảnh nhà có nhiều điều may mắn, tươi tốt, vui vẻ quanh năm).
Hiện nay, cặp Thần kê này được phối màu linh hoạt tạo nên sức hấp dẫn cho những người yêu thích tranh dân gian, và phù hợp theo những lứa tuổi khác nhau.
Bên cạnh những con gà rực rỡ màu sắc trong tranh Đông Hồ, Kim Hoàng còn phải kể đến một số hình tượng con gà trong tranh dân gian Hàng Trống (Hà Nội) và tranh làng Sình (Huế). Những con gà trống trong tranh Hàng Trống khá đẹp, uyển chuyển về đường nét, rực rỡ về màu sắc. Còn tranh gà của người Huế có một nét riêng ẩn ý vừa rực rỡ của nghệ thuật nhưng rất thanh tịnh, thướt tha song cũng rất trào phúng... |