Đó có thể là lời cảm ơn của một người vô gia cư bên vỉa hè đường phố, đôi khi là cái cúi đầu cảm tạ của một bệnh nhân nghèo hay những nét chữ nguệch ngoạc, ngây thơ gửi về Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19”... cũng đủ giúp chúng tôi thấu hiểu yêu thương cho đi, yêu thương nhận về.
1. Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” do Báo Đại Đoàn Kết phát động vào hồi đầu tháng 9/2021, đúng thời điểm làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 đang hoành hành dữ dội ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác phải sống trong giãn cách xã hội. Chương trình được phát động nhằm thực hiện chỉ đạo của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến với mục tiêu tiếp sức các nhóm thiện nguyện, trong đó, hoạt động đầu tiên là hỗ trợ 10.000 suất cơm cho khoảng 3.000 người nghèo, người yếu thế, người vô gia cư, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Hà Nội.
Đúng là càng đi càng chứng kiến nhiều mảnh đời cần chia sẻ và càng thấy sự san bớt khó khăn cho những phận đời éo le không chỉ là chuyện của tổ nhóm nào, mà cần lan tỏa trong xã hội để làm sáng lên tinh thần tương thân tương ái: Người giàu chia sẻ với người nghèo, người khỏe mạnh giúp đỡ người bệnh tật. Đó là điều mà Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” hướng tới để có được sự tham gia càng ngày đông đảo của bạn đọc và nhà hảo tâm.
Còn nhớ, khi Chương trình khởi động được hơn một tuần, chúng tôi đã đón nhận rất nhiều tấm lòng hảo tâm đồng hành. Chị Nguyễn Thu Hoài - Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Geocon, hồn hậu cho biết, cá nhân chị và doanh nghiệp đã đóng góp tới nhiều quỹ từ thiện trong đợt dịch này. Khi biết đến Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” của Báo Đại Đoàn Kết, ngay lập tức chị muốn đóng góp gạo, dầu ăn và lạc để góp phần cùng Báo tiếp sức cho các tổ đội thiện nguyện nấu những suất cơm ngon gửi tới những người đang bị “mắc kẹt” trong khó khăn giữa mùa dịch.
Theo chị Hoài, công ty quyết định chọn gạo để đóng góp vào chương trình. Bởi đây là những hạt gạo do chính những gia đình công nhân trong công ty tự trồng, tự xay xát nên chất lượng vô cùng đảm bảo. Công ty và gia đình chị Hoài đều sử dụng loại gạo này trong những bữa ăn hàng ngày.
Để 1 tấn gạo, những thùng dầu ăn và lạc chiên đến được toà soạn Báo Đại Đoàn Kết, chị Nguyễn Thu Hoài đã liên hệ chuyến xe 0 đồng của đội xe từ thiện Ford Everest.
Anh Nguyễn Vũ Tới, đội xe từ thiện Ford Everest cho biết, khi quyết định thực hiện công việc này, nhóm cũng đã có sự tính toán về các biện pháp phòng, chống dịch để đảm bảo sự an toàn cho sức khoẻ của bản thân và gia đình.
“Khi được làm những công việc này, chúng tôi thấy rất vui vì mình đã đóng góp một phần công sức nhỏ bé san sẻ bớt khó khăn cho người nghèo trong đại dịch” – anh Tới nói và chia sẻ số điện thoại của mình với chúng tôi, để khi cần, đội nhóm sẵn sàng đồng hành cùng Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19”.
Theo nhà báo Lê Anh Đạt - Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết, chúng ta đang sống ở những ngày tháng chưa có tiền lệ trong lịch sử bởi đại dịch Covid-19. Vì thế, chúng ta phải cùng nhau, không ai ở ngoài cuộc chiến cam go này. Với chương trình này, ngoài câu chuyện nhường cơm sẻ áo, Báo Đại Đoàn Kết mong muốn khơi dậy, lan tỏa những giá trị của người Việt Nam, đó là tinh thần đoàn kết, gắn bó, thương yêu, hy sinh vì nhau mỗi khi gặp khó khăn, hoạn nạn.
2.Trong hành trình thiện nguyện, chúng tôi đã đi qua rất nhiều con đường của Hà Nội. Từ “vùng xanh” cho đến “vùng đỏ” và thấy một “Hà Nội khác”. Không phải Hà Nội với những toà nhà cao vút tầng mây, những con đường thênh thang rực rỡ ánh đèn. Một “Hà Nội khác” chìa ra từ bàn tay bé xíu của em nhỏ bên vỉa hè Trần Bình Trọng khi nhận lấy suất quà, từ ánh mắt như muốn diễn tả bao niềm vui của một người phụ nữ câm điếc lang thang ở chợ Long Biên, từ cả trong tiếng thở khò khè những muốn nói lời cảm tạ của một người đàn ông vô gia cư mắc bệnh hiểm nghèo sống ở gầm cầu Cát Linh...
Cuộc sống vốn đã trở nên quá khó khăn với họ khi phải làm đủ nghề để kiếm kế sinh nhai nhưng dịch bệnh ập đến, giãn cách xã hội đã “khoá chặt” họ trên những vỉa hè đường phố, không việc, không chỗ ở, và đói...
Hà Nội đã ôm vào lòng những niềm xót xa như thế, nhưng không phải ai cũng nhận ra hoặc vì cuộc sống đã kéo chúng ta đi quá xa trong bộn bề công việc để khi bất chợt đối diện, mới thấy rằng, còn được bình an trong ngôi nhà của mình, còn có cơm ăn mỗi ngày đã là một niềm hạnh phúc.
Khi ấy, chúng tôi gặp hai mẹ con Trần Thị Tỏ bên vỉa hè Trần Bình Trọng. Một tay dắt cô con gái 4 tuổi, một tay đỡ lấy chiếc bụng bầu kềnh càng ở tháng thứ 8, Tỏ bảo, hằng ngày cứ đến giờ này lại ra đây để chờ tổ thiện nguyện phát cơm, vì nếu không sẽ chẳng có gì để ăn. Chồng Tỏ làm xe ôm giờ chôn chân một chỗ, còn chị làm nghề rửa bát thuê, giờ cũng chẳng có chỗ nào mà chạy việc. Nhà có 3 miệng ăn, không có đồng ra đồng vào “đói lắm chị ạ”, Tỏ rụt rè nói với tôi bằng thứ giọng đặc sệt của người miền Tây.
Trong câu chuyện vội vã, tôi hỏi, “sao nhà 3 người mà chỉ lấy 2 suất”. Cô gái miền Tây lại rụt rè bảo “em và con ăn hai phần cơm rồi, lấy thêm nữa người khác không có phần. Chồng em ăn mì tôm cũng được chị ạ”.
Chẳng ai nói được gì, chúng tôi chỉ biết dúi vào tay bà mẹ trẻ thêm một phần cơm nữa. Trước khi đoàn lên xe để đến một con phố khác, tôi thấy Tỏ ngập ngừng đến bên và nói rằng, dự kiến 20/10 là tới ngày sinh nhưng giãn cách xã hội chẳng có cửa hàng bán quần áo sơ sinh nào mở cửa, mà có mở cũng không có tiền để mua quần áo cho đứa trẻ sắp chào đời.
“Các anh chị xem ai có quần áo sơ sinh không dùng đến nữa giúp mẹ con em với”, Tỏ nói và nhìn chúng tôi bằng tất cả sự hy vọng, chúng tôi nhận niềm tin của bà mẹ trẻ bằng một lời hẹn “sẽ quay trở lại”.
Trên những vỉa hè, góc phố, đến từng ngóc ngách ở thành phố này, đã có bao nhiêu lời hẹn như thế trong thời điểm đó? Vì nếu không quay trở lại, những người như Tỏ, biết lấy gì để ăn cho có sức nuôi con trong bụng, biết lấy gì cho con mặc khi nó được sinh ra? Và chúng tôi quay trở lại chuyển đến nhiều phần quà giúp cô vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất… Tỏ đã mẹ tròn con vuông.
3.Vốn là những người thường tuyên truyền về hoạt động từ thiện, nhân đạo, nhưng chỉ khi trở thành người nhập cuộc, có đi, có gặp, chúng tôi mới thấy trọn vẹn ý nghĩa của Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” - từ một sáng kiến nhỏ, nhưng đem lại biết bao ấm áp trong lúc gian khó.
Nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã ủng hộ Báo Đại Đoàn Kết. Những món quà trân quý dù được gửi qua tài khoản hay ủng hộ hiện vật, đều được những người làm chương trình ý thức một cách sâu sắc rằng mỗi một việc làm tốt, mỗi người làm một việc tốt là để lan tỏa năng lượng tích cực, góp phần kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, để cuộc sống sớm trở lại bình thường. Và khi chúng ta được sẻ chia là khi chúng ta đều cảm nhận được niềm hạnh phúc.
“Đầu tiên, con xin gửi lời chào đến Ban Biên tập Báo Đại Đoàn Kết. Con biết Báo Đại Đoàn Kết đang tổ chức Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19”. Khi con đọc được bài viết này, con quyết định lấy hết tiền tiết kiệm của con ra để xin ủng hộ gây quỹ. Con biết 300.000 đồng là một số tiền rất nhỏ nhưng con mong có thể góp vài suất cơm ấm lòng những người khó khăn trong đại dịch. Vì con biết khi đói chúng ta ăn một suất cơm rất ngon” - đó là những dòng tâm sự trong bức thư của cháu Nguyễn Phan Minh Anh, lớp 5A, Trường Tiểu học Trung Phụng ( Đống Đa, Hà Nội) gửi đến tòa soạn báo.
Bạn nhỏ thứ hai gửi thư đến Báo Đại Đoàn Kết là Đào Trung Hiếu, lớp 7A3 Trường THCS Liên Ninh (Thanh Trì, Hà Nội): “Mẹ cháu nói Báo Đại Đoàn Kết kêu gọi Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19”. Cháu thấy rất thiết thực và mong muốn được đóng góp một chút của mình vào chương trình. Số tiền nhỏ - là phần thưởng cháu nhận được khi đạt giải học sinh giỏi cấp huyện nhưng gửi gắm trong đó là rất nhiều tình cảm, mong có thể được góp thêm một vài bữa cơm ấm nóng cho người nghèo”.
Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều động viên, sẻ chia của những người bạn đồng hành. Như ông Nguyễn Sỹ Trường - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, cho rằng, Báo Đại Đoàn Kết cũng như Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã luôn mang sự tận tâm, nhiệt tình của người cán bộ Mặt trận để giúp đỡ người dân khó khăn bằng những hành động, việc làm thiện nguyện cụ thể của mình. Với tinh thần đó, người cán bộ Mặt trận cũng đã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động, hỗ trợ cho người khó khăn bị ảnh hưởng của dịch bệnh để “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
Càng đi chúng tôi càng hiểu, chia sẻ chính là gửi lòng tốt vào “ngân hàng” cuộc đời. Trong đời sống vô thường này, biết đâu có một ngày sa cơ lỡ vận, ốm đau hay gặp khó khăn hoạn nạn, khi đó lấy gì để cứu mình, chỉ có lòng tốt của chính mình đã cho đi một cách vô điều kiện sẽ cứu cuộc đời mình. Trong triết lý nhà Phật cũng như qua kinh nghiệm của cha ông ta bao đời đã khẳng định: Giúp người là giúp mình, cứu người là cứu mình, cho người khác cơ hội là cho mình con đường sống…
Đó là lúc chúng tôi tìm đến “xóm trọ ung thư”, hay còn được gọi một cái tên khác là “xóm trọ tử thần” nằm trên địa bàn phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội bởi rất nhiều người khi đến nơi này trú ngụ đều đã mang trên mình “án tử” ung thư. Chạm vào nỗi đau của mỗi thân phận người mới thấy cần nhiều hơn nữa sự sẻ chia trong cuộc sống này.
Chị Vũ Hằng - Trưởng nhóm thiện nguyện Từ Tâm - nhóm đồng hành cùng Chương trình cho biết, ngay sau khi đón nhận được những phần quà đầy ý nghĩa của Báo Đại Đoàn Kết, nhiều người bệnh đã bật khóc và gửi lời cảm ơn tới chương trình.
“Đối với những bệnh nhân đang điều trị ung thư, thường ngày đã khổ sở vật lộn giành giật sự sống với tử thần thì trong đại dịch, nhất là khi thành phố giãn cách, họ lại càng khổ hơn. Chính bởi vậy những món quà từ chương trình đã tiếp thêm niềm tin vào cuộc sống cho các bệnh nhân, cùng lan tỏa tinh thần yêu thương san sẻ trong thời điểm dịch bệnh khó khăn này”, chị Hằng chia sẻ.
4.Hành trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch” của Báo Đại Đoàn Kết đã bước qua những tháng ngày yêu thương. Mỗi điểm đến đều đọng lại những cảm xúc riêng nhưng hơn hết là sự chia sẻ. Trên hành trình ấy, chúng tôi đã tìm đến với những bệnh nhi - những “siêu nhân” bé nhỏ tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương ở Hà Nội; tìm tới những em nhỏ mồ côi cha, mẹ do Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh và tìm tới rất nhiều người nghèo khó ở Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Nam Định... Mỗi phần quà là một câu chuyện. Câu chuyện nào cũng xót xa. Nhưng sau tất cả, những gì còn lại chỉ là yêu thương. Vì yêu thương cho đi là yêu thương còn mãi.
Với trách nhiệm của cơ quan báo chí, Báo Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục lan tỏa những việc làm có ý nghĩa của tổ chức, cá nhân chăm lo cho trẻ em nói riêng và người yếu thế nói chung, và tổ chức huy động vật chất, tinh thần góp sức cùng xã hội trong hành trình chăm lo cho những người kém may mắn. Không chỉ dừng lại ở Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid -19”, Báo sẽ tiếp tục mở rộng đối tượng chăm lo và không ngừng kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tiếp tục đồng hành, vì cuộc sống tốt đẹp hơn…
PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cũng chia sẻ rằng, với Chương trình “Cơm cho người nghèo trong đại dịch Covid-19” của Báo Đại Đoàn Kết, dường như đúng với tên gọi của tờ báo - Đại Đoàn Kết - không chỉ với ý nghĩa người dân chúng ta cùng đoàn kết, giúp đỡ nhau trong thời điểm khó khăn dịch bệnh, chương trình còn mang đậm ý nghĩa về sự thương yêu, đùm bọc giữa con người với con người.