Con người vẫn giữ nguyên giá trị

Việt Quỳnh (thực hiện) 09/03/2023 09:16

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, dù ChatGPT sẽ tiếp tục cải tiến, nâng cấp, thì như một yếu tố cơ bản trong cuộc hợp tác này giữa con người với trí tuệ nhân tạo, với công nghệ, với máy móc, như giữa chính con người với nhau, thì con người vẫn giữ nguyên giá trị, “đối tác” không thể thay thế con người.

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng.

“Tôi thấy ứng dụng ChatGPT được lượng người rất đông đảo sử dụng và tăng lên nhanh chóng, với nhiều tính năng, tiện ích, đã bước đầu phục vụ hiệu quả cho một số công việc liên quan đến soạn văn bản, sử dụng tài liệu…, đặc biệt là với ưu điểm tiết kiệm về thời gian, không bị phụ thuộc về giờ giấc, và phát huy khả năng làm việc cá nhân.

Và ngoài lề một chút thì cả giải trí khi gửi đi những câu hỏi “thử trí khôn” của ChatGPT và nhận về những câu trả lời có phần hài hước hoặc hơi ngớ ngẩn, giữa câu hỏi và câu trả lời có sự “vênh” nhau, gây cười.

Tất nhiên đó chỉ là đùa thôi, và rõ ràng ta đang chứng kiến một sự đáp ứng nhất định của ChatGPT với những người có một số nhu cầu sử dụng liên quan, ở nhiều mức độ khác nhau. Hẳn rằng nhu cầu và sự đáp ứng sẽ còn tăng lên nhiều lần nữa trong thời gian tới như một minh chứng cho sự gắn bó rất khó tách rời hiện nay giữa con người và công nghệ”, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng chia sẻ.

Theo lý giải của anh thì lượng thông tin, văn bản, ngôn ngữ… “đầu vào” của ChatGPT là rất khổng lồ, nhưng cũng đang có giới hạn, nên cũng có lúc chưa thể cho ta những câu trả lời, những văn bản, sản phẩm ưng ý.

“Như thế thì dù làm việc với ChatGPT nhưng ta vẫn phải chủ động, phải có sự kiểm chứng, điều chỉnh, sửa chữa, chuẩn hóa theo nhu cầu bản thân và công việc.

Ở lĩnh vực sáng tạo và thưởng thức văn học nghệ thuật thì có những đặc thù của lao động sáng tác, sự thưởng lãm, cảm thụ mà khó lòng áp những yếu tố mang tính kỹ thuật, công nghệ vào để thay thế, “làm hộ” được. Cũng như đến với văn học nghệ thuật, thì có những yếu tố về tài năng, nghệ thuật, tư tưởng, tình cảm, cảm xúc… tạo nên “không gian văn hóa”, “từ trường nghệ thuật” thẩm thấu vào văn nghệ sĩ và công chúng, tạo nên những tác động qua lại, những “dư chấn” lan tỏa mà các yếu tố xã hội khác hay khoa học, công nghệ không thay thế được.

Trong cuộc trò chuyện gần nhất với nhà phê bình Hoài Nam, chúng tôi chung suy nghĩ: Sáng tạo văn học nghệ thuật mang ý nghĩa độc lập, mang dấu ấn cá nhân đậm nét. Khi ta tiếp nhận một văn bản văn học nghệ thuật, là ta đón nhận một tâm hồn, tình cảm, tài năng của tác giả cụ thể với những suy tư, nung nấu, nỗi niềm, những thử nghiệm, trở trăn của người đó. Chứ tiếp nhận sản phẩm tạm gọi là sáng tác được tạo ra từ lập trình, từ công thức, từ kỹ thuật nó không thể thuyết phục ta về tình cảm, kể cả nó không chung chung, không ngô nghê và “đọc được” đi chăng nữa.

Trong công việc này lại có những điều rất thú vị là với cá nhân tôi và hẳn là với nhiều người khác cũng vậy, nó không hề rập khuôn. Thông thường có thể ý tưởng nảy sinh làm dâng lên tình cảm. Hoặc cảm xúc ùa đến, kéo theo suy tư và hình thành ý tưởng. Rồi từ đó mà ngôn từ xuất hiện để “hiện hình” ý tưởng - cảm xúc hoặc cảm xúc - ý tưởng đó.

Rồi trên tiến trình này, thì có khi ý tưởng, cảm xúc lại biến chuyển và chữ lại gọi ra những suy nghĩ, những cảm xúc mới, khác… Thói quen, sự ngẫu hứng, ý thức làm việc, mong muốn sáng tác, những phút chợt lóe sáng, chúng có sự hòa trộn, đan xen thật cuốn hút và say mê. Và ta được sống tích cực, sống thêm với những giây phút, trạng thái đó.

Phong cách nghệ thuật riêng của mỗi nhà thơ, nhà văn cũng là điều mà trí tuệ nhân tạo không thể có. Thậm chí cả khi ta có thể vẽ một mô hình so sánh để thấy sự tương đồng nào đó về “đầu vào”. Như văn nghệ sĩ được học hành, đọc sách, thưởng thức nghệ thuật, trải nghiệm đời sống như một quá trình nạp kiến thức, thông tin và từ đó anh tạo ra tác phẩm. Trí tuệ nhân tạo cũng được nạp một lượng thông tin khổng lồ về đời sống trên nhiều lĩnh vực và khi được yêu cầu, từ lượng thông tin đó, nó tìm kiếm, chọn lựa, lắp ghép dữ liệu để tạo ra sản phẩm. Nhưng thực tế là văn nghệ sĩ, muốn có tác phẩm có phải lúc nào mà “ấn nút” một cái là tác phẩm ra ngay đâu. Đó là cả một quá trình sáng tạo từ những dữ liệu đã có với ý tưởng, tình cảm trong những không gian, thời gian rất đa dạng. Tác phẩm đó có thể mang đặc điểm, phong cách quen thuộc của anh ta, cũng có thể là sự chuyển biến, hoặc le lói những mầm phá cách, sáng tạo mới, khác, cũng có khi còn là sự thụt lùi so với những gì đặc sắc mà anh ta đã tạo nên. Đây là sự “bất thường” của sáng tạo không thể có ở trí tuệ nhân tạo, thậm chí không thể đồng nhất giữa văn nghệ sĩ”.

Với nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, mỗi bài thơ là một rung động cá nhân và luôn là sáng tạo duy nhất, ít nhất là về mặt ngôn từ. Điều này đặc biệt giá trị với tác phẩm hay: “Nhưng nói vui một chút thì kể cả bài thơ dở cũng vậy. Trừ khi ta chép nguyên bài thơ A để gọi là bài thơ B, nhưng khi đó thì nó không phải là sáng tạo nữa rồi.

Những rung động thật phong phú của chúng ta, những suy nghĩ phức tạp và tinh tế của chúng ta với những biểu hiện rất “người”, với ý nghĩa là của con người, sinh ra trong tâm hồn, trái tim, trí não con người, thì có máy móc nào thay thế được. Tôi đặc biệt nhấn mạnh điều này ở khía cạnh sáng tạo văn học nghệ thuật. Thành tựu trí tuệ nhân tạo ấy, là do trí tuệ con người tạo ra, với mong muốn phục vụ cuộc sống con người cả về vật chất và tinh thần.

Vậy thì nên quan niệm về nó như một phương tiện để tìm ra cách sử dụng, ứng dụng nó phù hợp, với mục đích nhân văn, vì con người, chứ không để con người lười biếng, chạy theo nó, phụ thuộc vào nó, bị động với nó, thậm chí bị nó thống trị”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Con người vẫn giữ nguyên giá trị