‘Con rồng’ cất cánh

VIỆT THẮNG (thực hiện) 10/10/2022 16:18

68 năm kể từ ngày 10/10/1954, Hà Nội đã có một diện mạo mới. Chưa bao giờ uy tín, vị thế, và tiềm lực của Thủ đô lớn mạnh như hiện nay, cả về quy mô lẫn chiều sâu. Thế nhưng “trái tim của cả nước” vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng, sự mong đợi của người dân Thủ đô và nhân dân cả nước, xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hoá của cả nước. Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Quang Hưng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Tôn giáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam đã dành cho chúng tôi một cuộc trao đổi.

Ngày lịch sử

Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Quang Hưng.

PV: Thưa giáo sư, là một người con của Hà Nội, cũng như nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy về Lịch sử, giáo sư có thể cho biết cột mốc10/10/1954 đã đem lại những ý nghĩa lịch sử như thế nào?

GIÁO SƯ - TIẾN SĨ ĐỖ QUANG HƯNG: Rất ngẫu nhiên khi tôi cũng sinh ra trong tháng 10, và cá nhân tôi rất vui khi sinh trùng tháng với sự kiện ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954. Thực ra, cứ gần đến ngày này thì mọi người đều có tình cảm của mình đối với cách mạng. Và đã 68 năm trôi qua. Dưới góc nhìn của tôi, giải phóng Thủ đô là một “Ngày lịch sử” rất có ý nghĩa.

Người ta vẫn nói: “Hà Nội không vội được đâu”, cái đó ít nhiều phản ánh sức “táo bạo” của Hà Nội còn hạn chế. Hà Nội vẫn như con tàu bay về phía trước nhưng rất nhịp nhàng, đều đều, cẩn thận...

Thứ nhất, nhìn ở góc độ nhà sử học, tôi nhận thấy theo ký kết của Hiệp định Genève ngày 20/7/1954, Hải Phòng mới là thành phố cuối cùng mà những người lính Pháp buộc phải rời khỏi Việt Nam, chấp nhận sự thất bại của mình và chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp tại Việt Nam. Ngày 10/10/1954, miền Bắc chưa hoàn toàn giải phóng. Thế nhưng ngày 10/10/1954 có ý nghĩa đặc biệt, được coi là ngày vinh quang của cuộc giải phóng dân tộc, kháng chiến chống Pháp vì đó là “Ngày Thủ đô được giải phóng”.

Có lẽ trong tâm thức người Hà Nội có 2 sự kiện quan trọng diễn ra tại Hà Nội. Đó là ngày 2/9/1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, là sự kiện vĩ đại nhất trong thế kỷ XX của người Việt Nam; và ngày 10/10/1954 là ngày giải phóng Thủ đô. Đây là chiến thắng khẳng định sự lớn mạnh của Nhà nước dân chủ nhân dân - sản phẩm con đẻ của Cách mạng Tháng Tám và khẳng định ý nghĩa thực sự của hai chữ: “Độc lập”. Bởi sau ngày 2/9/1945 người dân rất vui, nhưng người dân nghĩ ngay đến việc cầm súng để chiến đấu. Vì thế khi Thủ đô được giải phóng đã đánh dấu quyền tự do độc lập dù rằng mới chỉ của một nửa đất nước. Nó là kết thúc tốt đẹp của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ hai, trong thời gian thuộc địa, Hà Nội là thành phố, là “thủ phủ” của liên bang Đông Dương, có vị trí quan trọng. Lúc đầu thực dân Pháp định đặt thủ phủ ở Sài Gòn, nhưng cân nhắc và thấy Hà Nội mới là vị trí trung tâm của đất nước. Do đó giải phóng Thủ đô có ý nghĩa về mặt chính trị, xã hội, kinh tế, văn hoá, mở ra thời kỳ thực sự bước vào kỷ nguyên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau đó năm 1976 chúng ta đổi tên thành Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ ba, Hà Nội là “trái tim của cả nước”. Là đất nước có nhiều cuộc chiến tranh, nhưng người dân luôn hướng trái tim mình về Thủ đô - mảnh đất cội nguồn văn hóa. Về phương diện tâm thức, tình cảm đây được coi là nơi “trú ngụ tâm linh” của người Việt. Nếu xét một cách tổng thể, Thủ đô được giải phóng là lúc dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập tự do, củng cố và phát triển cho trung tâm, “hồn của dân tộc”, “hồn của Nước”, có giá trị tâm linh đối với cả dân tộc.

Cầu Nhật Tân - một biểu tượng của Hà Nội trong thời đổi mới. Ảnh: Thư Hoàng.

Những điểm sáng

Theo dõi quá trình phát triển của Thủ đô, theo đánh giá của giáo sư, Hà Nội đã thay đổi ra sao? 68 năm, có lẽ là khoảng thời gian tương đối dài để đánh giá?

- Dù là nhà xã hội học, kinh tế học, hay nhân học, tôi vẫn tin rằng ai cũng có đồng nhất đầu tiên về tổng thể rằng, 68 năm trôi qua Hà Nội đã tiến được những bước rất dài và có những điểm sáng khá rực rỡ.

Nhưng hẳn là phải có những dấu mốc quan trọng, thưa giáo sư?

- Trong 68 năm qua từ ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng, tôi thấy có mấy mốc quan trọng. Đó là từ năm1954 đến trước năm 1975 Hà Nội gian khổ, là mảnh đất hậu phương của tiền tuyến lớn. Giai đoạn từ năm 1975 đến thập niên 90, lúc phe Đông Âu và xã hội Liên Xô sụp đổ thì Thủ đô cũng có “mặt nọ, mặt kia”. Vì vừa trải qua khốc liệt sau kháng chiến chống Mỹ lại tiếp tục có các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc như: chiến tranh biên giới phía Bắc; chiến tranh biên giới Tây Nam; rồi bị Mỹ cấm vận. Thế nhưng kể từ khi đổi mới (năm 1986) đến nay, “con rồng” thực sự bắt đầu thức và vươn dậy.

Bây giờ nhìn theo con mắt văn minh hiện đại, Hà Nội đã đạt được 2 điểm lớn. Đó là địa chỉ tên tuổi trên địa chính trị thế giới.

Hà Nội cũng “lột xác” về kinh tế, xã hội. Cụ thể nhất, văn hóa văn minh đang đạt được những kết quả quan trọng, về công nghệ thông tin chúng ta cũng thuộc top đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Dẫu không phải chỗ nào cũng văn minh nhưng nhìn chung Hà Nội đã “lột xác”, tái cấu trúc lại cấu hình về kinh tế, xã hội để trả cho Hà Nội nét truyền thống lịch sử đẹp đẽ, nhưng lại là thành phố có tính chất hiện đại, là Thủ đô của một nước có dân số gần 100 triệu người.

Thứ ba là các thế hệ tiếp nối nhau, thế hệ chủ lực của đất nước ở độ tuổi từ 18-50 thì người Hà Nội có thế hệ rất mạnh và cũng có đường nét của trình độ văn minh rất cao, đã “đụng” đến tất cả vấn đề toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở phương diện xã hội học, lối sống, cũng như hưởng thụ văn hóa.

Vẽ ký họa chân dung - một nét văn hóa bên Hồ Gươm. Ảnh: Thư Hoàng.

Người khổng lồ nào cũng có gót chân asin

Đúng là Thủ đô đã có những bước tiến lớn nhưng thực tế thì sự phát triển của Hà Nội cũng chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Thưa giáo sư, từ góc nhìn của mình, ông có thể chia sẻ thêm về những “lực cản”?

Bây giờ Hà Nội phải tìm ra nét mới trong truyền thống. Ví như người Hà Nội với văn hóa tiêu dùng như thế nào? Bởi đây là một tiêu chí của văn minh hiện đại. Biết tiêu dùng mới phát triển đất nước, phát triển được kinh tế, nhưng ở đây người Hà Nội chưa thấy rõ vấn đề này lắm. Trong tiêu dùng vẫn khát khao cái mới, còn lớp trẻ khao khát “chạy” theo để tiêu thụ thụ hưởng. Văn hóa tiêu dùng của con người bây giờ không chỉ là thụ hưởng mà nó còn có nhiều tích cực khác, đòi hỏi sáng tạo trong tiêu dùng chứ không chỉ “đua nhau để thụ hưởng”.

- Tôi xin nói ngay rằng người khổng lồ nào cũng có gót chân asin. Cho nên là thành phố, là Thủ đô “vác” sứ mệnh của một dân tộc 100 triệu người thì Hà Nội cũng có những điểm chưa thực sự hài lòng, hay nói thẳng là “điểm yếu” cần nghiêm túc nhìn nhận.

Đó là kể từ khi Hà Nội được mở rộng về mặt địa lý cũng như dân số đã có thay đổi. Nhưng để phát triển xứng đáng thực sự so với tiềm năng, lợi thế, kỳ vọng với vị trí quan trọng của đất nước hay chưa thì còn nhiều mặt Hà Nội chưa đạt được vị trí tương xứng, xứng tầm. Kể cả có sự chỉ đạo sát từ Trung ương, Bộ Chính trị, và có Luật Thủ đô nhưng guồng máy của Hà Nội chưa phải là guồng máy hiện đại. Tôi cảm nhận Hà Nội mới phát triển về bề rộng, có thay đổi bước đầu của quy luật tăng trưởng, nhưng chưa tạo ra guồng máy thực sự. Guồng máy đó cấu trúc chưa thích hợp để “con rồng” vươn dậy về kinh tế, xã hội, và kể cả văn hóa.

Là người Hà Nội nhưng khi kiểm điểm về văn hóa, xã hội thì tôi thấy có hai cái quan trọng. Người ta vẫn nói: “Hà Nội không vội được đâu”, cái đó ít nhiều phản ánh sức “táo bạo” của Hà Nội còn hạn chế. Ít chương trình, ít con người, ít nhân vật có sức cuốn hút con người về sự táo bạo, sự “phóng”, lao về phía trước, không phải lao lãng mạn một cách vô lý mà phải đúng về động cơ. Hà Nội vẫn như con tàu bay về phía trước nhưng rất nhịp nhàng, đều đều, cẩn thận, với tốc độ vẫn hơi chậm chậm.

Tốc độ phát triển của xã hội cũng giống như tốc độ phát triển của con người. Đôi khi xã hội có con người mạnh dạn, dám chấp nhận phiêu lưu về phía trước một chút. Ở đây là phiêu lưu biện chứng, phiêu lưu tích cực, không phải phiêu lưu thiếu hiểu biết. Và hiện Hà Nội đang thiếu cái đó.

Thứ hai, ai cũng thấy khá rõ “điểm yếu” của con người Hà Nội đó là cách sống. Chúng ta vẫn hay nghe câu hàm ý sự ca ngợi là: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Tuy nhiên vẫn còn xảy ra những cãi vã, va chạm trong ứng xử quan hệ hàng ngày. Còn “lộn xộn” trong giao thông, đặc biệt có “khuyết tật” trong cuộc sống cộng đồng hiện đại như: nói to ở đám đông, thậm chí gào thét; chưa có thói quen xếp hàng; thiếu kiềm chế…

Con người Hà Nội chưa đáp ứng khuôn mẫu thực sự, tức là tham gia vào vai trò chủ thể của đất nước, của xã hội cũng còn hạn chế. Kể cả trong chiều sâu văn hóa và tư tưởng, lối sống. Hà Nội là “đầu não” nhưng tấm gương trong các lĩnh vực từ văn hóa, đời sống, xã hội chưa “lấp lánh” lên các mẫu hình để có thể xứng đáng là “mẫu cho đầu tàu”, hay “con rồng” bay lên thực sự.

Hoàng thành Thăng Long Hà Nội - nơi diễn ra nhiều sự kiện văn hóa của Thủ đô. Ảnh: Xuân Hoa.

Phải tìm ra nét mới trong truyền thống

Thủ đô không chỉ là chính trị, mà còn là trung tâm về văn hóa. Văn hóa xuất phát từ con người. Con người nhận thức được văn hóa, sống có văn hóa thì mới tìm mọi động lực để xã hội phát triển bứt lên, để Hà Nội thực sự trở thành là “trái tim của cả nước, thưa giáo sư?

- Vấn đề là chúng ta cần hành xử, ứng xử văn hóa cho đúng mực với thời đại. Những truyền thống của người Hà Nội đều là những truyền thống rất ổn định, và truyền thống đó “hơi tĩnh”. Bây giờ Hà Nội phải tìm ra nét mới trong truyền thống. Ví như người Hà Nội với văn hóa tiêu dùng như thế nào? Bởi đây là một tiêu chí của văn minh hiện đại. Biết tiêu dùng mới phát triển đất nước, phát triển được kinh tế nhưng ở đây người Hà Nội chưa thấy rõ vấn đề này lắm. Trong tiêu dùng vẫn khát khao cái mới, còn lớp trẻ khao khát “chạy” theo để tiêu thụ thụ hưởng. Văn hóa tiêu dùng của con người bây giờ không chỉ là thụ hưởng mà nó còn có nhiều tích cực khác, đòi hỏi sáng tạo trong tiêu dùng chứ không chỉ “đua nhau để thụ hưởng”. Tiêu dùng cũng chính là vấn đề tiêu chí của văn minh hiện nay.

Như Nhật Bản và Hàn Quốc là những nước người dân luôn dùng hàng hóa trong nước và quảng bá sản phẩm của nước mình như một nét văn hóa. Điều đó đã giúp kích thích hàng trong nước phát triển. Người Việt Nam, đặc biệt là người dân Hà Nội càng phải biết giữ gìn văn hóa, quảng bá văn hóa, cũng như có văn hóa tiêu dùng. Đó chính là mẫu người của xã hội hiện đại.

Thưa giáo sư, mọi thứ đều bắt nguồn từ con người. Cho nên có lẽ Thủ đô cần chú trọng đến việc giáo dục, xây dựng lớp thế hệ những công dân Thủ đô có văn hóa, ứng xử lịch sự, văn minh, và như giáo sư vừa nói, đó là hình thành văn hóa tiêu dùng. Bởi có trình độ, có văn hóa mới đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô, của đất nước, vì cơ chế có tốt đến mấy thì mọi việc cũng do con người thực hiện và quyết định?

- Mỗi người Hà Nội phải ý thức rằng mình là “trái tim của cả nước” thì mới tập trung phát triển cho tương xứng. Vì thế việc đầu tư cho giáo dục là đúng. Tại các kỳ Đại hội Đảng bộ của Thủ đô đều có những khẩu hiệu quen thuộc như: “Giáo dục tinh thần tự hào trong lao động”; “Giữ gìn bản sắc văn hóa của người Hà Nội”… Thế nhưng nếu chúng ta cứ "rải mành mành" như thế cũng chả khác gì những thập niên trước cả. Vấn đề ở chỗ là cần có đầu tư để biến thành các phong trào đích thực. Ví dụ “triết lý tiêu dùng” chứ không phải là “phong trào đám đông”.

Để cho “con rồng” với 8 triệu người cùng “cất cánh” cần nhiều yếu tố. Chúng ta đã từng chứng kiến 5-7 con rồng trong châu Á cách đây 20-30 năm “cất cánh” là câu chuyện của triết lý xã hội, của triết lý kinh tế, của triết lý luật pháp, và triết lý văn hóa. Vì thế 4 yếu tố đó tạo sự thay đổi, kết hợp với nhau mới giúp “con rồng” thực sự bay được. Như vậy, một chính sách, phong trào xã hội phải có sự kết hợp của 4 triết lý đó thì mới "bay" được. Chứ chỉ thích thú, hay nhấn mạnh khía cạnh nào đó có vẻ như thói quen đã có sẵn rồi thì không "bay" lên được đâu.

Trân trọng cảm ơn giáo sư!

Tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định:

- Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8,0-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD.

- Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Con rồng’ cất cánh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO