Do nhận thức về pháp luật, xã hội của người dân còn hạn chế nên gây nhiều khó khăn trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân cũng như việc đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Đơn cử như trong quá trình làm thủ tục cấp CMND, việc khai báo thông tin còn nhiều sai lệch về ngày tháng năm sinh và họ tên khiến quá trình tra cứu tàng thư, xác minh thông tin luôn gặp khó khăn.
Trong số khoảng 5.000 Chứng minh nhân dân (CMND) được cấp mới hằng năm trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An), chỉ có khoảng 700-800 trường hợp người dân trực tiếp đến trụ sở Công an huyện để làm thủ tục, số còn lại được cấp, đổi ngay tại cơ sở. Để làm được điều đó, cán bộ Công an huyện Kỳ Sơn phải thường xuyên cơm đùm, cơm nắm, vượt rừng lội suối về tận bản làng để làm thủ tục cho bà con nhân dân.
Kỳ Sơn là huyện miền núi, rẻo cao cực Tây của tỉnh Nghệ An. Cùng với việc đường xá đi lại khó khăn, địa hình hiểm trở, Kỳ Sơn cũng là huyện đông dân với gần 10 vạn người thuộc 5 dân tộc anh em sinh sống gồm Mông, Thái, Khơ Mú, Hoa và dân tộc Kinh; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 95% dân số.
Đặc thù của bà con dân tộc thiểu số ở Kỳ Sơn là khi lấy chồng, có con thì phụ nữ thường theo họ chồng, đổi cả tên đệm nên không thể để cho bà con tự khai. Cán bộ vừa phải ghi lời khai cho bà con, vừa tra cứu qua hệ thống chính quyền, đồng thời tổ chức tuyên truyền tại chỗ để mọi người hiểu nên thời gian làm thủ tục dài hơn so với bình thường. Mặt khác, người dân sống phần lớn rải rác, ở xa các trung tâm nên cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên về tận bản, làng để làm thủ tục cho bà con.
Năm 2016, Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Kỳ Sơn đã xây dựng 20 kế hoạch, cử 80 lượt cán bộ xuống tận 19 xã để làm thủ tục cấp CMND cho bà con. Việc làm này vừa rút ngắn thời gian, vừa tạo điều kiện thuận tiện trong quá trình đi lại, cũng như giảm chi phí cho người dân, được chính quyền cũng như bà con nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Nhắc đến công việc cấp, đổi CMND ở Công an huyện Kỳ Sơn là đồng nghĩa với những chuyến đi xa, có khi kéo dài nhiều tuần lễ về với các bản làng để làm thủ tục. Từ trung tâm huyện về đến trung tâm xã đã khó khăn, nhưng về đến tận các bản để trực tiếp làm thủ tục cho bà con nhân dân còn gian khó gấp bội. Dù vậy, mỗi năm, đơn vị cũng đã tổ chức từ 30- 40 lượt về với bà con dân bản như vậy.
Với những việc làm thiết thực đó, Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Kỳ Sơn không chỉ đơn giản hóa các thủ tục hành chính, mà qua đó còn góp phần vào việc giữ vững trật tự, an toàn xã hội, góp phần điểm thêm hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân trong lòng dân.